Nỗ lực khép kín đường Vành đai 2

Theo Quốc Hùng/sggp.org.vn

Năm 2020 được kỳ vọng sẽ là một năm đột phá về hạ tầng giao thông của TP. Hồ Chí Minh (TPHCM). Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất là triển khai thành công, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đưa vào phục vụ người dân thành phố. Trong đó, mục tiêu khép kín đường Vành đai 2 là quyết tâm lớn của thành phố.

Nút giao thông Mỹ Thủy trên đường Vành đai 2.
Nút giao thông Mỹ Thủy trên đường Vành đai 2.

Vướng đền bù, giải tỏa

Theo quy hoạch Phát triển hệ thống giao thông vận tải TPHCM, đường Vành đai 2 dài khoảng 70km. Bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (quận 9) rồi nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) ra quốc lộ 1, chạy vòng về Nguyễn Văn Linh, tạo thành tuyến đường vòng quanh TP. 

Cũng theo quy hoạch này, đường Vành đai 2 sẽ tạo ra một trục giao thông quan trọng ở các cửa ngõ TP, giúp hạn chế phương tiện giao thông (không đi vào thành phố) lưu thông vào trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho TP. Đặc biệt, tuyến đường này còn được kết nối vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và với các đường Vành đai 3 và 4, tạo ra một trục đường nối kết các đường liên tỉnh, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ ra vào thành phố. 

Quy hoạch là thế, nhưng hiện nay còn một số đoạn bị đứt quãng, chưa thông nhau. Cụ thể, các đoạn hở từ cầu Rạch Chiếc 2 đến ngã tư Bình Thái, từ ngã tư Bình Thái đến nút giao Linh Đông - cầu Gò Dưa (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) dài khoảng 9km. Hai đoạn chưa kết nối đang điều chỉnh là đoạn thuộc khu vực đường Hồ Ngọc Lãm (huyện Bình Chánh) và đoạn từ đường Hồ Ngọc Lãm nối ra QL1A và đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km…

Tổng chiều dài các đoạn đứt quãng khoảng 14km. Các đoạn này được chia thành 3 đoạn ngắn, tương ứng với 3 dự án, gồm: đoạn từ ngã ba An Lạc (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài khoảng 5,3km; đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).

“Khó khăn nhất hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng. Mặc dù các địa phương có tuyến đường đi qua đã nỗ lực nhưng vẫn chưa xác định được thời gian bàn giao mặt bằng” - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban QLDA), cho hay. 

Đẩy nhanh tiến độ 

Theo ông Lương Minh Phúc, đường Vành đai 2 dự kiến được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn. Trong đó, vốn xã hội hóa đã kêu gọi được Công ty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ thi công 3 dự án trên đường Vành đai 2. Cụ thể, dự án xây dựng nút giao thông khu A Nam Sài Gòn và đường trên cao, từ nút khu A đến cầu Phú Mỹ quận 7, đã được Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ thực hiện đầu tư theo hình thức BT. Hiện công trình đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng nhiều năm nay… Vốn ngân sách, dự kiến sẽ được đầu tư cho cả 3 đoạn tuyến, dài tổng cộng 14km còn lại. 

Theo Ban QLDA, hiện 3 đoạn còn lại của đường Vành đai 2, đã được bàn giao gần 70% mặt bằng thi công và trên các vị trí đó đã được đơn vị thi công tiến hành gia tải nền đường. Đến nay, chủ đầu tư đã ứng kinh phí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình với tổng số tiền 1.400 tỷ đồng. UBND quận Thủ Đức - một trong những địa phương còn vướng giải tỏa lớn, đang quyết liệt phối hợp các sở ngành, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, vận động người dân di dời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án. Ngoài ra, Ban QLDA đang hoàn chỉnh một số thủ tục liên quan đến đầu tư dự án. Những chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiến độ, khối lượng giải ngân vốn cho dự án. Nhiều dự án, thời gian giải phóng mặt bằng có khi gấp 2 - 3 lần thời gian thi công dự án. 

Theo kế hoạch, đến năm 2015, TPHCM sẽ hoàn thành tuyến Vành đai 2. Việc tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự an toàn giao thông thành phố, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới việc kết nối liên vùng Nam bộ. Hiện các sở ngành và địa phương liên quan của TP đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án còn lại với mong muốn, trong năm nay, TPHCM sẽ khép kín được đường Vành đai 2.