Nông nghiệp khó cất cánh trước “nút thắt” hạ tầng thương mại

Theo Trung Hiếu/baodauthau.vn

Phát triển nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tình trạng nông sản được mùa, rớt giá vẫn diễn ra thường xuyên.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Nguồn: internet
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Nguồn: internet

Do đó, việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho logistics...) là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa, tạo điều kiện để khu vực kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, nâng cao thu nhập của người dân.

Hạ tầng thương mại còn nhiều tồn tại, hạn chế

Trong một báo cáo gần đây, Bộ Công Thương đánh giá, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt; siêu thị, trung tâm thương mại còn ít. Hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển. 

Về hệ thống chợ, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, chủ yếu là chợ hạng III (khoảng 87%), cơ sở vật chất còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, huy động từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và một phần từ ngân sách địa phương; nguồn từ ngân sách trung ương không đáng kể. Đa phần các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ, chợ đầu mối chiếm không đáng kể.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển cũng không đồng đều. Hiện cả nước có khoảng 190 trung tâm thương mại, siêu thị, song đa phần tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Hệ thống hội chợ triển lãm hiện có mới chỉ đáp ứng được trên 40% số hội chợ, triển lãm được tổ chức hàng năm trên cả nước.

Đặc biệt, hệ thống trung tâm logistics mới được hình thành và phát triển chưa nhiều, với khoảng 50 trung tâm. Chi phí logistics cao, tác động không nhỏ tới khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018 diễn ra cuối tháng 4/2018, TS. Đào Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam trăn trở khi chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo… Chi phí logistics phục vụ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, hơn Malaysia 12% và cao hơn Singapore 300%.

Ngoài nút thắt trên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra, việc thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi. 

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, còn hạn chế nên rất khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. 

Rà soát, tháo gỡ từng nút thắt

Đứng trước những cơ hội phát triển ngành nông nghiệp khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương kiến nghị một loạt giải pháp “cởi nút thắt” hạ tầng thương mại như: Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản; chú trọng vào chợ, trung tâm logistics...

Cụ thể, với các bộ, ngành trung ương, cần rà soát điều chỉnh các quy hoạch liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung cho phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng, của địa phương. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại cho đồng bộ, theo hướng bổ sung vào Danh mục ưu đãi đầu tư tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP đối với hình thức đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại địa bàn thành thị.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các loại hình bán lẻ khác có triển vọng phát triển (cửa hàng tiện lợi, bách hóa tổng hợp…) vào danh mục này. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng không quy định cứng các chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để tạo điều kiện cho công tác đầu tư phát triển chợ.

Về phía các địa phương, cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cần xem xét ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí ngân sách hàng năm cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại. Tiếp tục củng cố, nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, kết hợp từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Tập trung rà soát và có kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các hạng mục công trình hạ tầng thương mại nông thôn theo lộ trình đã đặt ra.