Nông nghiệp Việt Nam 2018: Đột phá và phát triển bền vững

Theo Hà Sơn/thoibaonganhang.vn

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, sự thành công của ngành nông nghiệp năm 2018 là do chúng ta đã xác định XK nông sản là một trong những mũi nhọn kinh tế...

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể. Nguồn: internet
Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể. Nguồn: internet

XK đạt kỷ lục mới

Thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, mà các tiêu điểm là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước vốn là thị trường nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu; sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là hồ tiêu…

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể: ước tính cả năm 2018, XK nông lâm thủy sản sẽ đạt vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về XK nông sản trên thế giới.

Đáng chú ý, thị phần XK đều được duy trì, củng cố và mở rộng. 5 thị trường NK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%). Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều đã có hướng phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT nhận định, trong khi những sản phẩm cây công nghiệp chủ lực như cao su, cà phê, điều trong năm 2018 bị sụt giảm giá trị XK thì sự tăng trưởng các mặt hàng gồm: gỗ, thuỷ sản, chăn nuôi, rau quả  với hàm lượng chế biến sâu gia tăng đã giúp bù vào đó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp ngành nông nghiệp duy trì được tăng trưởng kim ngạch XK đạt trên 40 tỷ USD.

Còn theo TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 có khởi sắc chính là nhờ thay đổi cơ cấu sản xuất, giảm diện tích lúa. Sản xuất nông nghiệp có biến chuyển rất mạnh sang chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn. Thủy sản và trái cây Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, sự thành công của ngành nông nghiệp năm 2018 là do chúng ta đã xác định XK nông sản là một trong những mũi nhọn kinh tế. Trong 2-3 năm trở lại đây, việc tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là hướng đến các cây trồng vật nuôi có giá trị, chất lượng cao, cùng với đó, việc thay đổi cách thức quản lý trong việc XK nói chung và XK nông sản nói riêng về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tổ chức XK đã tạo cho nông sản Việt những thuận lợi cơ bản.

Việc thực hiện các cam kết quốc tế, dù có nhiều khó khăn, nhưng nhiều nông sản của chúng ta có những lợi thế tự nhiên cũng như lợi thế tương đối, nhờ vậy, việc XK nông sản đạt được thành tích cao cả về quy mô, kim ngạch và giá trị gia tăng.

Vẫn thiếu những đột phá về thị trường

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo TS. Đặng Kim Sơn, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có 3 khâu chưa thực sự đột phá. Thứ nhất là về thị trường, thông tin thị trường mù mờ, đây là yếu tố cản trở khi hội nhập. Thứ hai là về thể chế, có những vướng mắc quá lâu chưa được xử lý dứt điểm, nên chưa thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực này. Thứ ba, các viện nghiên cứu hay cơ quan khuyến nông chưa có động lực phát triển. 

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, nông nghiệp có vẻ thăng tiến nhanh, nhưng người nông dân vẫn “lắc lư và dễ ngã”, đang mất phương hướng trong lựa chọn hướng đầu tư phát triển.

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3%; kim ngạch XK khoảng 43 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 50% và 70 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương; Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Về đầu ra sản phẩm, ngành sẽ tích cực đàm phán mở cửa thị trường XK, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại…

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước; tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất; xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nông nghiệp Việt Nam năm 2018 đã có bước tiến nhảy vọt. Những nỗ lực này cần tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới vì hiện nay nhiều nông sản của chúng ta chưa có thương hiệu, chưa truy xuất nguồn gốc, hàm lượng chế biến thấp… Nếu làm tốt những khâu này sẽ tăng được thu nhập của người nông dân Việt Nam lên từ 15-18%.

TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ, đòn bẩy lớn nhất trong thời gian tới là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh đưa công nghệ cao vào toàn bộ chuỗi sản xuất, tiếp tục đầu tư cũng như tháo gỡ rào cản liên quan đến hạn mức đất đai, chính sách về tài chính cũng như sự hỗ trợ về mặt công nghệ với bà con nông dân, tạo ra sự liên kết rộng và chặt chẽ.