“Nóng” vấn đề thị trường, giá cả

Theo qdnd.vn

(Tài chính) Hoạt động bất thường của thương lái nước ngoài, việc dưa hấu dồn ứ ở cửa khẩu, cung ứng điện cho sản xuất, minh bạch giá điện, giá xăng dầu… là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ngày 1/4.

 “Nóng” vấn đề thị trường, giá cả
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sản xuất nông nghiệp phải theo quy hoạch, kế hoạch

Về việc dồn ứ các xe tải chở dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hiện nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đây không phải là năm đầu tiên xảy ra hiện tượng trên. Nguyên nhân là theo quy định từ phía Trung Quốc, dưa hấu chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Do địa hình hẹp nên năng lực thông quan của cửa khẩu Tân Thanh hạn chế. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng mỗi ngày, lực lượng chức năng của hai nước chỉ có thể thông quan được khoảng 300 xe. Năm nay được mùa dưa hấu, các địa phương thi nhau xuất khẩu nên có thời điểm có tới 1.800 xe ồ ạt đến cửa khẩu. Vì thế, việc tắc nghẽn là khó tránh. Lực lượng chức năng ở cả hai phía đều làm việc quá tải. Đơn cử, bộ phận cấp giấy chứng nhận xuất xứ của cửa khẩu Tân Thanh chỉ có 3 người, thế mà từ ngày 1/3 đến 26/3 đã cấp hơn 10.000 giấy chứng nhận xuất xứ. Đó là chưa kể còn một số thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa mà chủ hàng của Việt Nam phải hoàn thành. Hơn nữa, theo thói quen lâu nay, tư thương của Việt Nam cứ đưa hàng lên biên giới mà chưa hề có hợp đồng xuất khẩu, đến nơi mới bắt đầu hớt hải tìm mối hàng, vì thế tiến độ xuất hàng càng chậm và càng bị ép giá.

Để giải tỏa ách tắc, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa khẩu thêm 4 giờ mỗi ngày, tức là đến 21 giờ mới kết thúc, làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Nhờ vậy, tình hình đã dần được cải thiện. Phía ta cũng đã đàm phán với các cơ quan của Trung Quốc đề nghị mở thêm các cửa khẩu khác cho hàng nông sản. Tuy nhiên, điều này chưa thể thực hiện ngay vì trang bị của cửa khẩu hai nước chưa đồng bộ. 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị, các địa phương trong thời điểm hiện nay nên điều tiết việc đưa dưa hấu lên biên giới, tránh tạo thêm sức ép lớn về số lượng. Bộ trưởng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên làm hợp đồng trước khi đưa hàng lên biên giới.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) khẩn thiết đề nghị ngành công thương phải có giải pháp để người nông dân không phải chịu cảnh “được mùa, mất giá”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, để xóa bỏ tình trạng trên cần sự phối hợp liên ngành, từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc quy hoạch vùng nuôi trồng nông sản, thủy sản, tránh sản xuất tự phát gây mất cân đối cung cầu. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa cũng cần phải được quy hoạch, thực hiện theo kế hoạch thì ngành công thương mới đáp ứng được các yếu tố cho sản xuất, trong đó có vấn đề cung ứng điện - một vấn đề mà có không ít đại biểu ở các tỉnh phía Nam đặt câu hỏi. 

Bộ Công Thương cũng đang tích cực tìm các biện pháp để tiêu thụ nông sản cho nông dân, đã ký thỏa thuận với phía Trung Quốc để tăng cường tiêu thụ nhiều nông sản Việt Nam hơn nữa. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại ở Trung Quốc để giới thiệu sản phẩm, tìm mối hàng cho nông sản.

Quản lý việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản 

Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn về tình trạng thương lái nước ngoài len lỏi ở các vùng quê, thu mua một số nông sản với giá cao bất thường gây nhiễu loạn sản xuất, doanh nghiệp trong nước không đủ nguyên liệu. Đáng chú ý là thương lái nước ngoài bất ngờ hỏi mua những loại nông sản, cây, lá với giá cao, số lượng lớn (ví dụ cây huyết đằng ở Kon Tum, lá khoai lang non ở Vĩnh Long…), sau đó lại bất ngờ không mua nữa, gây bất ổn xã hội. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi, phải chăng thực trạng này là do năng lực quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ đã liên tục xử lý vấn đề này trong những năm qua. Trước phản ánh của dư luận, Bộ đã yêu cầu một số tỉnh như Kon Tum, Vĩnh Long, Nghệ An, Hà Giang báo cáo thì được biết, tại một số nơi không phải là thương lái nước ngoài trực tiếp thu mua mà là do các thương lái, doanh nghiệp trong nước thu mua nông sản. Theo quy định của pháp luật, nếu các thương nhân nước ngoài không mở công ty, văn phòng đại diện ở Việt Nam thì không được phép trực tiếp thu mua nông sản mà phải thông qua doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng này, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức. Cùng với đó là phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của thương nhân nước ngoài. Bộ đã xây dựng một số quy hoạch, ví dụ như quy hoạch hệ thống các doanh nghiệp được phép kinh doanh, xuất khẩu gạo, phải gắn với vùng nguyên liệu, phải gắn với nông dân. 

Tham gia trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, các cơ quan của Bộ đã xem xét tác động của việc thu gom nông sản của thương lái nước ngoài đối với sản xuất nông nghiệp, để cảnh báo địa phương và nông dân. Riêng đối với lâm sản thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư về việc quản lý. Theo quy định, lâm sản, nhất là cây cảnh quý xuất khẩu ra nước ngoài phải là những cây do người dân tự ươm chứ không phải thu hoạch trực tiếp từ trong rừng…

Công khai, minh bạch giá điện, giá xăng dầu 

Liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại biểu Huỳnh Nghĩa (thành phố Đà Nẵng) chất vấn việc EVN đưa giá thành xây dựng các công trình nhà ở, bể bơi, sân quần vợt cho cán bộ, công nhân viên ở các dự án điện vào giá điện.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong số công trình điện thì chỉ có Nhiệt điện Ô Môn có bể bơi, Nhiệt điện Nghi Sơn 1 có sân quần vợt, một số công trình có biệt thự nhưng chỉ phục vụ chuyên gia nước ngoài khi họ đến để hướng dẫn xây dựng và chuyển giao công nghệ. Khi chuyên gia về nước thì sẽ được đưa vào sử dụng cho cán bộ, công nhân viên.

“Số công trình này rất ít. Thêm vào đó, những nhà máy nhiệt điện trên đều nằm xa trung tâm tỉnh, thành phố nên xây dựng các công trình đó để tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động đến làm việc”, Bộ trưởng Hoàng nói. Bộ trưởng Hoàng cho biết, mới chỉ có Nhiệt điện Phú Mỹ là hạch toán các công trình phụ trợ vào giá điện, nhưng cũng chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nói thêm về giá điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, giá điện luôn được kiểm toán hằng năm. Thành phần kiểm toán về giá điện gồm có Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải kiên quyết công khai, minh bạch giá điện. Dự kiến tháng 4 này, Bộ sẽ ban hành quy định về việc công khai, minh bạch giá điện. 

Về giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bám sát diễn biến giá thế giới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng, liên Bộ sử dụng các công cụ như thuế xuất nhập khẩu, phí, lợi nhuận định mức và Quỹ bình ổn giá để điều tiết giá xăng dầu. Cách điều hành này thời gian qua đã chứng minh được tính hiệu quả. Trong năm 2013 có nhiều lần giá thế giới tăng nhưng giá trong nước không tăng theo. Riêng quý I/2014 vừa qua, giá xăng mới tăng 2 lần trong khi giá thế giới liên tục biến động. Trong các kết luận kiểm toán cũng đã ghi nhận tính tích cực của Quỹ bình ổn giá. Các thông tin về quỹ trên cũng sẽ liên tục được công khai để bảo đảm nó chỉ được sử dụng vào việc bình ổn xăng dầu chứ không dùng vào mục đích khác.