Ô tô nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam dịp cuối năm

Theo Minh Anh/thoidai.com.vn

Trong dịp cuối năm 2017, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam bất ngờ tăng mạnh. Theo thống kê, số lượng ô tô nhập khẩu đạt hơn 7.000 xe trong nửa đầu tháng 12/2017, tăng 100% so với cùng kỳ tháng trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, trong vòng 15 ngày đầu tháng 12/2017, cả nước nhập khẩu 7.048 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá kim ngạch đạt hơn 192 triệu USD. Trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt 991 chiếc, xe tải 4.850 xe, xe trên 9 chỗ ngồi chỉ có 19 chiếc.

Lượng xe nhập khẩu bất ngờ tăng đột biến so với nửa cuối tháng 11, vượt 4.117 chiếc. Thậm chí, số lượng xe 15 ngày đầu tháng 12 này còn vượt cả tháng 11 (6.427 chiếc).

Lượng ô tô con được nhập khẩu về trong nửa đầu tháng 12 cũng tăng đột biến. Theo đó, trong nửa đầu tháng 12 đã có gần 1.000 xe ô tô con được nhập khẩu tăng hơn 300% so với cùng kỳ tháng trước (325 xe). Đây cũng là một thông tin đặc biệt khi trong những tháng gần đây lượng ô tô nguyên chiếc nhất là xe con sụt giảm rất mạnh.

Cộng dồn từ đầu năm đến 15/12, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 90.611 xe, tổng trị giá kim ngạch gần 2,1 tỷ USD. Trong đó xe dưới 9 chỗ ngồi là 35.977 chiếc, xe tải 41.845 chiếc, xe trên 9 chỗ ngồi là 604 chiếc.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng mạnh đột biến về lượng xe nhập khẩu đầu tháng 12/2017 là do nhu cầu mua sắm ô tô trong nước đang tăng cao, việc bổ sung thêm nguồn cung xe nhập khẩu vào thời điểm này sẽ giúp thị trường ô tô cuối năm thêm ổn định. Nguồn cung xe nhập khẩu gia tăng lúc này sẽ tránh được việc tăng giá, "ép giá" hay mua xe phải mua thêm gói phụ kiện...

Bên cạnh đó, một chuyên gia trong ngành cho rằng đây là động thái của các hãng xe trước Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu đợi qua 2018 mới nhập xe, lúc đó một số mẫu sẽ được tính thuế thấp hơn, nhưng khả năng phải đợi nhiều tháng để hoàn tất thủ tục giấy tờ, dễ mất khách. Nhập xe ngay lúc này, chấp nhận mức thuế hiện hành, giá xe chưa thể giảm nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.

Trước đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định các điều kiện khắt khe về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã tác động mạnh mẽ đến thị trường ô tô Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, nhất là thời điểm 2018 đang đến gần.

Theo Nghị định, doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô phải tuân thủ các điều kiện rất chi tiết. Đó là phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Doanh nghiệp cũng phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Bộ Công thương cũng là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Việc tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp được thực hiện khi doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm bảo hành, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác tài liệu hướng dẫn sử dụng theo quy định hay không cung cấp sổ bảo hành, hoặc cung cấp điều kiện bảo hành thấp hơn so với điều kiện bảo hành mà Nghị đình đặt ra.

Nếu sau 6 tháng kể từ ngày bị tạm dừng Giấy phép kinh doanh nhập khẩu mà doanh nghiệp không khắc phục được sẽ bị thu hồi Giấy phép chính thức.

Nghị định 116 cũng cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. Sau đó, phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ được nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định 116.