Phải chấp nhận trả giá để phục hồi

Theo plo.vn

(Tài chính) Đó là quan điểm của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về tình hình kinh tế hiện nay.

Chúng ta đã phải trả giá để có tăng trưởng, nợ xấu chưa giải quyết được nhanh. Nguồn: internet
Chúng ta đã phải trả giá để có tăng trưởng, nợ xấu chưa giải quyết được nhanh. Nguồn: internet

Hội thảo “Kinh tế mùa xuân 2014 với chủ đề: Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh trong hai ngày 28 và 29/4 đã thu hút được đông đảo giới chuyên gia kinh tế. Theo đó nhiều giải pháp được đưa ra nhằm “giải vây” cho những khó khăn của nền kinh tế hiện tại.

Giải quyết tổ hợp nợ xấu, nợ công

Là người mở đầu đăng đàn, ông Trần Đình Thiên đánh giá xu hướng phục hồi của tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục đến quý I/2014. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ công là hai vấn đề lớn cần giải quyết trong năm nay. Hiện nay, quan điểm về nợ xấu và nợ công chưa rõ ràng, các số liệu về nợ khác nhau với những sai số quá lớn, trong khi đó xu hướng gia tăng nợ lại rất nhanh, kinh tế yếu thì nguy cơ nợ tăng lên. Do vậy cần đánh giá thẳng thắn về tổ hợp “cục máu đông” này.

“Chúng ta đã phải trả giá để có tăng trưởng, nợ xấu chưa giải quyết được nhanh. Nợ xấu đến cuối tháng 2 là 9,71%, đây là con số lớn nhưng Công ty Mua bán tài sản (VAMC) chưa xử lý nhanh được do thiếu thể chế thích hợp. Do vậy xử lý nợ xấu phải có hướng tiếp cận mới. Cách xử lý nợ xấu lâu nay quá chậm nên không thể dựa vào VAMC để tháo gỡ, biện pháp quyết liệt để giải quyết nợ xấu là bằng “tiền tươi thóc thật”. Để có tiền tươi thóc thật thì nên cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bán bớt cổ phần để có tiền cho nền kinh tế” - vị này đề xuất.

Về nợ công, ông Thiên cho rằng dự kiến nợ công năm 2013 là 55,7% GDP, vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng đánh giá an toàn thì không phản ánh được tình hình. Nguy cơ nợ công nằm ở chính quan điểm, hiện nay chúng ta đi vay để trả nợ chứ không phải để sản xuất. Bên cạnh đó, nền kinh tế suy yếu thì năng lực trả nợ bị ảnh hưởng, đây là điều đáng báo động. Muốn giảm nguy cơ nợ công phải gắn với đẩy mạnh cổ phần hóa, cải cách DNNN.

“Đồ thị của chúng tôi cho thấy năm nay nghĩa vụ trả nợ là 208.000 tỉ đồng, vượt 26,7% thu ngân sách năm 2014 và có thể sẽ chiếm tỉ lệ 30% thu ngân sách vào những năm tiếp theo” - ông Thiên dự báo.

Chia sẻ thêm về nợ công, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá nợ công không phải nhẹ nhàng như chúng ta nghĩ. “Quốc hội phải có thảo luận riêng bàn về vấn đề nợ công, không thể để như thế này. Đặc biệt là nợ trung hạn hiện nay, nếu không khéo khi đến hạn trả thì sẽ không kịp” - vị này kiến nghị.

Cải cách thể chế là bước đột phá

Tại hội thảo, một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận là cải cách thể chế nền kinh tế. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cải cách thể chế là bước đột phá chiến lược nhưng ba năm qua vẫn chưa có thành tựu nào đáng kể. Nền kinh tế có nghịch lý là vốn chảy vào khu vực kém hiệu quả, lao động vào khu vực có năng suất thấp. Đây là sai lệch nghiêm trọng, không đi đúng hướng vì phân bổ nguồn lực sai.

Do đó, theo ông Cung, trong thời gian tới Chính phủ cần tăng nguồn lực cho kinh tế tư nhân, giảm bội chi. Để làm được điều này vai trò của Quốc hội rất quan trọng, phải áp đặt mạnh mẽ cơ chế cứng hơn với chi ngân sách, khơi thông tài chính, phân bố nguồn lực cho kinh tế tư nhân. Tập trung các giải pháp giảm chi phí giao dịch cho DN, các chi phí thị trường khác.

Còn TS. Trần Du Lịch cho rằng nếu Nhà nước không có chức năng hỗ trợ thị trường thì không thể cải cách được thể chế. Để có đột phá về cải cách thể chế, có hai vấn đề cần làm trước: Tài chính công và hành chính công. Hành chính công đột phá bằng cách nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, của ngân sách địa phương. Đồng thời xác định rõ vai trò của khu vực kinh tế nhà nước là hỗ trợ thị trường chứ không phải cạnh tranh thị trường. Tỉ trọng đóng góp của DNNN trong GDP giảm nhưng không làm giảm sức mạnh của DNNN.