Phấn đấu tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước năm 2019 đạt khoảng 21% GDP

PV. (Tổng hợp)

Đây là một trong những mục tiêu đề ra trong Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cần tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm nguồn thu 

Ngày 24/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị số 13/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2019.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dự toán thu NSNN năm 2019 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2018; đồng thời, phân tích, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, đặc biệt là những nhân tố tác động làm thay đổi tình hình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2019.

Thủ tướng yêu cầu cần tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Tài chính thực hiện các biện pháp cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; Tăng cường xử lý nợ đọng thuế...

Năm 2019, phấn đấu tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN đạt khoảng 21% GDP

Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN năm 2019 đạt khoảng 21% GDP.

Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức và lợi nhuận sau thuế) năm 2019 bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12-14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2018.

Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2018.

Dự toán chi NSNN năm 2019: Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch 

Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2019 phải phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII), các Nghị quyết số 25/2016/QH14, số 26/2016/QH14 của Quốc hội.

Tiếp tục quán triệt yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; Chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2019.

Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; Chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Chi đầu tư phát triển nguồn NSNN (bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn viện trợ, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nguồn thu tiền sử dụng đất) phải phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về chi thường xuyên, yêu cầu xây dựng dự toán chi thường xuyên theo các lĩnh vực cụ thể, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, bao gồm cả các chính sách đối với các đối tượng nghèo đa chiều theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương

Đối với việc lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương bao gồm: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết); một phần nguồn thu được để lại theo chế độ quy định; nguồn thực hiện cải cách tiền lương các năm trước còn dư…); Nguồn dành ra do triển khai thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII).