Phát triển giáo dục đào tạo trực tuyến ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập


Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, vì vậy, việc nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục, đào tạo là vấn đề cần chú trọng hàng đầu, quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để đáp ứng nhu cầu về giáo dục, đào tạo, mô hình đào tạo trực tuyến (E-Learning) đã ra đời, đáp ứng xu thế hội nhập về giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Trên cơ sở tổng quát về hệ thống E-Learning hiện nay, bài viết nêu bật vai trò quan trọng của mô hình đào tạo này đối với phong trào xã hội học tập ở Việt Nam.

Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin nói chung và internet nói riêng đã mang lại những thay đổi đáng kể cho cuộc sống của nhân loại. Internet thực sự là môi trường thông tin liên kết mọi người trên toàn thế giới, để cùng chia sẻ những vấn đề mang tính xã hội. Tận dụng môi trường internet, xu hướng phát triển các phần mềm hiện nay là xây dựng các ứng dụng có khả năng chia sẻ cao, vận hành không phụ thuộc vào vị trí địa lý cũng như hệ điều hành, tạo điều kiện cho mọi người có thể trao đổi, tìm kiếm thông tin, học tập một cách dễ dàng, thuận lợi. E-Learning (đào tạo trực tuyến) là một trong những mô hình điển hình như thế. Việc học không chỉ bó hẹp cho học sinh, sinh viên ở các trường mà dành cho tất cả mọi người, không kể tuổi tác, hoàn cảnh sống… E-Learning đã được thử nghiệm thành công và sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ưu thế của E-Learning đối với giáo dục đào tạo

Hiện nay, có rất nhiều cách hiểu về E-Learning. Hiểu theo nghĩa rộng, E-Learning là thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập và đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ thông tin. Theo quan điểm hiện đại, E-Learning là sự phân phát nội dung học sử dụng các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng máy tính, mạng vệ tinh, mạng internet, intranet… trong đó nội dung học có thể thu được từ các website, đĩa CD, băng video, audio… thông qua một máy tính hay tivi; người dạy và học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức: e-mail, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo, video…

Phát triển giáo dục đào tạo trực tuyến ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập - Ảnh 1

Trên thực tế, E-Learning đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế tri thức; thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Rất nhiều tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực E-Learning đã ra đời. Nhiều hình thức đào tạo bằng E-learning được hình thành như: Đào tạo dựa trên công nghệ, đào tạo dựa trên máy tính, đào tạo dựa trên web; đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa.

Một hệ thống E-Learning bao gồm 3 phần  chính: Hạ tầng truyền thông và mạng (bao gồm các thiết bị đầu cuối người dùng hay học viên, thiết bị tại các cơ sở cung cấp dịch vụ,  mạng  truyền  thông); hạ tầng phần mềm (gồm các phần mềm LMS, LCMS, Authoring Tools...); nội dung đào tạo hạ tầng thông tin (gồm nội dung các  khoá  học, các chương  trình đào tạo, các courseware. Đây là phần quan trọng của E-learning (Lê Huy Hoàng và ctv., 2011).

 Khảo sát của tác giả cho thấy, hiện nay có 2 hình thức giao tiếp giữa người dạy và người học qua hệ thống đào tạo trực tuyến phổ biến: Giao tiếp đồng bộ và giao tiếp không đồng bộ. Giao tiếp đồng bộ là giao tiếp trong đó có nhiều người truy cập tại cùng một thời điểm và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau như: thảo luận trực tuyến, hội thảo video… Giao tiếp không đồng bộ là người truy cập không nhất thiết phải truy cập tại cùng một thời điểm, ví dụ như: tự học qua Internet, CD-ROM, e-mail, diễn đàn. Đặc trưng của giảng dạy theo mô hình E-Learning là học viên được tự do chọn lựa thời gian tham gia khoá học.

Với ưu thế đó, E-Learning đã được các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức giáo dục và trung tâm đào tạo lựa chọn sử dụng nhiều nhất. Doanh nghiệp sử dụng E-Learing để đào tạo nhân viên những kỹ năng mới, nâng cao sản xuất, nâng cao chuyên môn; Cơ quan nhà nước sử dụng E-Learning để nâng cao năng suất làm việc và chi phí đào tạo thấp; Tổ chức giáo dục sử dụng E-Learning để hỗ trợ sinh viên của các trường đại học, cao đẳng đạt được mục đích học tập; Trung tâm đào tạo sử dụng E-Learning để nâng cao và mở rộng chương trình đào tạo cho các lớp học hiện đại…

Hiệu quả của phương pháp E-Learning cũng được chứng minh trong thực tế. Kết quả đạt được từ phương pháp học E-Learning cao hơn so với phương pháp học truyền thống do E-Learning có tính tương tác cao dựa trên đa phương tiện, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp với khả năng và sở thích của từng người. Theo đánh giá của giới chuyên gia, hệ thống E-Learning làm biến đổi cách học cũng như vai trò của người học. Người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo, có thể học mọi lúc, mọi nơi nhờ có phương tiện trợ giúp việc học; Người học có thể học theo thời gian biểu cá nhân, với nhịp độ tuỳ theo khả năng và có thể chọn các nội dung học. E-Learning cho phép học viên làm chủ hoàn toàn quá trình học của bản thân, từ thời gian, lượng kiến thức cần học cũng như thứ tự học các bài, đặc biệt là cho phép tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, tự do trao đổi mới những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể hoặc đòi hỏi chi phí quá cao.

E-Learning còn lôi cuốn rất nhiều người học, đặc biệt là những người trước đây chưa bao giờ bị hấp dẫn bởi lối giáo dục kiểu cũ và phù hợp với hoàn cảnh của những người đang đi làm. Các chương trình đào tạo từ xa trên thế giới hiện nay đã đạt đến trình độ phong phú về giao diện, với nhiều hiệu ứng đa phương tiện như âm thanh, hình ảnh, hình ảnh động ba chiều, kỹ xảo hoạt hình… có độ tương tác cao giữa người sử dụng và chương trình, đàm thoại trực tiếp qua mạng. Điều này đem đến cho học viên sự thú vị, say mê trong quá trình tiếp thu kiến thức cũng như hiệu quả trong học tập.

Tiềm năng phát triển đào tạo theo mô hình E-Learning tại Việt Nam

Mô hình E-Learning giờ đây đã không còn xa lạ trên thế giới. Theo Cyber Universities, gần 90% trường đại học tại Singapore sử dụng phương pháp đào tạo trực tuyến, ở Mỹ con số này là hơn 80%. Tại Việt Nam, giáo dục là một trong những ngành được ưu tiên cao nhất và được hưởng các nguồn đầu tư cao nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm tới. Với định hướng đó, Việt Nam đã quyết định đưa công nghệ thông tin vào tất cả mọi cấp độ giáo dục nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng học tập trong tất cả các môn học và trang bị cho lớp trẻ đầy đủ các công cụ và kỹ năng cho kỷ nguyên thông tin. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai E-Learning và thi trực tuyến. Chẳng hạn như cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-Learning” năm học 2009-2010; hay cuộc thi giải toán qua mạng tại website Violympic.vn; hay cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng xã hội Go – ioe.go.vn…

Phát triển giáo dục đào tạo trực tuyến ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập - Ảnh 2

Theo khảo sát hơn 30 website E-Learning tiêu biểu của Công ty More (www.idgvv.com.vn) cho thấy, hoạt động giáo dục trực tuyến tại Việt Nam cung cấp chủ yếu 4 nhóm dịch vụ sau: Cung cấp khóa học ngoại ngữ, các chương trình ôn thi/bài giảng kiến thức phổ thông (cấp 2, cấp 3) và khóa học kỹ năng. Tương ứng với các dịch vụ trên là các nhóm người dùng:

– Kiến thức phổ thông: Người học tại các trường cấp 2 hoặc cấp 3 khắp mọi miền, có nhu cầu học bồi dưỡng song song với chương trình tại trường để nâng cao kết quả học tập hoặc chuẩn bị cho kỳ thi. Các học sinh tìm kiếm các video bài giảng, đề luyện thi, tham gia thi thử và cả học ngoại ngữ. Họ có tinh thần học tập tốt và khả năng, ý thức tự học cao. Tuy nhiên, hạn chế của nhóm này là khả năng chi trả cho các khóa học thấp và điều kiện truy cập internet hạn chế.

– Ngoại ngữ và kỹ năng: Đối tượng học phổ biến là sinh viên và người đã đi làm. Họ tham gia học ngoại ngữ và các kỹ năng với mong muốn phát triển bản thân và đạt mục tiêu nghề nghiệp. So với đối tượng học sinh, nhóm sinh viên – người đi làm có điều kiện truy cập internet dễ dàng hơn, khả năng chi trả cho các khóa học cao hơn, và tự chủ hơn khi quyết định tham gia khóa học.

Trong nhóm các kỹ năng, kỹ năng phát triển bản thân (giao tiếp, tư duy, quản lý cảm xúc…) và kỹ năng khoa học nghệ thuật (photoshop, trang điểm…) nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Kế đến là các kỹ năng chuyên môn/kinh doanh (xin việc, xây dựng thương hiệu, quảng cáo Facebook…). Bên cạnh khóa học ngoại ngữ hay kỹ năng, nhóm người trung niên, đã có gia đình, còn quan tâm đến các khóa học đời sống gia đình như kỹ năng nuôi con, học với con.

Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, thị trường giáo dục đào tạo trực tuyến tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, với quy mô lớn cùng tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm, ước tính quy mô thị trường không dưới 2 tỷ USD. Do đó, không chỉ các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư ở châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore. Thống kê đến hết năm 2016, Việt Nam đã có 309 dự án đầu tư vào giáo dục và đào tạo với tổng số vốn đăng ký hơn 767 triệu USD.

Nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hoạt động giáo dục của hàng loạt các khóa học E-Learning liên quan đến đào tạo kinh doanh qua mạng cũng ghi nhận rằng, các trường từ đại học, cao đẳng đến trung học phổ thông, tiểu học, mầm non thời gian qua đã vận dụng yếu tố công nghệ vào giảng dạy làm cho hoạt động trở nên hiệu quả, sinh động, tăng sự tương tác giữa giáo viên và người học.

Cũng cho ra kết quả tương tự, khảo sát của Nhóm nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me trong thời gian từ 10-18/3/2016 trên 500 sinh viên các trường đại học tại Việt Nam cho biết, các trường đại học đều xây dựng cổng thông tin điện tử để chuyển tải thông tin hoạt động và đều có sử dụng máy tính, máy chiếu trong quá trình giảng dạy; Hầu hết sinh viên đại học đều sử dụng các thiết bị điện tử như smartphone, laptop hoặc cả hai phương tiện này. Trong đó, có khoảng 40% sinh viên có liên hệ với giáo viên qua mạng xã hội, nhất là qua facebook. Việc sử dụng sách điện tử với tỷ lệ tăng hơn trước cũng giúp sinh viên giảm thiểu cả về thời gian lẫn chi phí trong quá trình học tập…

Thách thức trong giáo dục đào tạo

Bên cạnh những thuận lợi, mô hình E-Learning cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với vấn đề giáo dục đào tạo. Có khá nhiều rào cản lớn đối với các khóa học trực tuyến như khoảng cách giữa người dạy và học, thói quen học, hạ tầng công nghệ... Doanh nghiệp đầu tư nội chủ yếu đến từ nhóm công nghệ thông tin và nhóm giáo viên muốn tham gia vào lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Các nhà đầu tư nước ngoài lại thiên về việc đưa các chương trình đã thành công trên thế giới về Việt Nam nhưng phần địa phương hóa lại chưa đủ hấp dẫn, chưa tạo ra một thị trường sôi động. Trong khi, xã hội Việt Nam hiện nay tư duy bằng cấp vẫn còn nặng nề nhưng vẫn không nhiều doanh nghiệp có thể “đóng dấu” vào tấm bằng của người học sau khi tốt nghiệp. Chưa kể, đầu tư vào giáo dục trực tuyến hiện nay là bài toán chưa rõ chi phí. Ở mô hình đại học truyền thống, doanh nghiệp phải có giấy phép, có đất, có đội ngũ giáo viên cơ hữu, có thời gian biểu... Đây là các thông số cố định có thể tính toán giá học phí đầu ra để đảm bảo lợi nhuận. Còn với giáo dục trực tuyến, doanh nghiệp có thể bắt đầu với chi phí rất thấp nhưng tốc độ mở rộng của nhóm này rất nhanh và không giới hạn về số lượng lẫn khung giờ tham gia, từ đó sẽ phát sinh nhiều chi phí không lường trước được…

 Theo kết quả khảo sát của Quỹ Từ thiện Cộng đồng người sử dụng internet Việt Nam và Công ty Cổ phần VNG với 839 người tham gia trả lời, thì 3 rào cản đối với những người ôn thi/học trực tuyến là: Việc thu phí (35%); Phải kết nối internet thường xuyên (24%) và khó tìm kiếm đề thi/bài giảng cần thiết (16%). Còn theo khảo sát của DeltaViet (2014), “nội dung bài giảng hấp dẫn” và “được học với giảng viên uy tín” là yếu tố rất quan trọng để thu hút người học trực tuyến.

Giải pháp nhân rộng mô hình E-Learning tại Việt Nam

Nhằm hạn chế những thách thức cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội, tiềm năng sẵn có để thúc đẩy hình thức đào tạo E-Learning, thời gian tới cần quan tâm chú trọng đến một nội dung sau:

Một là, triển khai, tuyên truyền, nhân rộng E-Learning không chỉ có ngành Giáo dục mà còn với toàn xã hội; Tăng cường hợp tác doanh nghiệp trong việc xây dựng các website E-Learning của các nước.

Hai là, tăng cường tập huấn về phương pháp, kỹ năng, sử dụng tổng hợp nhiều hợp phần để tạo bài giảng E-Learning. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của các diễn đàn trực tuyến, khẳng định vai trò tương tác khi đánh giá khóa học và kết quả của người học, đánh giá được vai trò và trách nhiệm của quản trị viên và các kỹ thuật viên cũng như những người hướng dẫn kỹ thuật.

Phát triển giáo dục đào tạo trực tuyến ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập - Ảnh 3

Ba là, nâng cấp hạ tầng phục vụ E - Learning, hạ tầng tốt đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công việc triển khai dạy - học trực tuyến, trong khi việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ E-Learning với việc cải cách và nâng cấp không thể diễn ra trong ngắn hạn. Vì thế, các cơ sở đào tạo cần phân bổ về tài chính cũng như sắp xếp về thời gian hợp lý để vẫn tiếp tục thực hiện đồng thời cả hai hoạt động giảng dạy và nâng cấp hạ tầng mà không ảnh hưởng tới người học.

Bốn là, để chuẩn bị cho một đội ngũ nhân lực có trình độ cao sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0, cần có hình thức đào tạo đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại nhất, như có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin dạy học, có khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại và quan trọng hơn cả là năng lực tự học, tự nghiên cứu khoa học. 

Năm là, các cơ sở đào tạo trực tuyến có uy tín và kinh nghiệm trong nước cũng cần nghiên cứu mở thêm các khóa đào tạo định kỳ về phương pháp học tập cho người học hay các lớp nâng cao kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ người hướng dẫn, người giảng dạy nhằm hướng tới sự thay đổi toàn diện cả về chất và lượng cho đào tạo trực tuyến. E-Learning tuy có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp dạy học truyền thống nhưng cũng chưa hẳn là một giải pháp hoàn hảo và cũng không thể thay thế hoàn toàn phương pháp dạy học truyền thống. Vì vậy, cần có hướng kết hợp là sử dụng E – Learning và những phương pháp giảng dạy truyền thống song song. Người học có thể thực hiện mọi hoạt động học tập có thể trên E-Learning, tham gia như đang học trên một khóa học thực sự.

Sáu là, thực hiện các chiến dịch marketing hiệu quả cho các chương trình E-Learning. Marketing góp phần đưa E-Learning đến với mọi tầng lớp dân cư, từ đó khuyến khích tinh thần học tập cũng như rút ngắn những rào cản mà đào tạo truyền thống mang lại.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy”;

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Kỷ yếu Hội thảo khoa học công nghệ “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy;

3. Phan Thu Trang (2018), E-Learning tại Việt Nam và một số vấn đề cần quan tâm;

4. Phạm Kim Nam (2017), Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cơ hội của Việt Nam;

5. Phạm Thành (2018), MOOC: Mô hình giáo dục của tương lai;

6. Lê Xuân Phong (2014), Tổng quan về E-Learning;

7. Nguyễn Duy Phương, Nhập môn Internet và E-Learning; www.ebook.edu.vn