Phòng vệ thương mại của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA


Trong thời gian tới, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu đối với Việt Nam có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước đối tác Hiệp định thương mại tự do có thể tiếp tục tăng lên.

Hầu hết thành viên tham gia FTA kỳ vọng sẽ hạn chế/không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong nội khối. Nguồn: Internet.
Hầu hết thành viên tham gia FTA kỳ vọng sẽ hạn chế/không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong nội khối. Nguồn: Internet.

Điều đáng lo là nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu còn bị động, chưa thực sự nhận thức rõ ràng về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cũng như hệ quả bất lợi của các vụ việc này đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp và thậm chí là của cả ngành.

Phòng vệ thương mại trong tự do hóa thương mại quốc tế

Trong quá trình tự do hóa thương mại quốc tế, mỗi quốc gia đều xây dựng và thực thi nhiều chính sách khác nhau, nhằm đảm bảo tối đa hóa lợi ích cho quốc gia mình. Trong xu hướng tự do hóa và toàn cầu hóa hiện nay, các nước đã cam kết dỡ bỏ hoặc cắt giảm một số chính sách mang tính cản trở quá trình hội nhập. Hầu hết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều hướng đến mục tiêu xóa bỏ toàn bộ các rào cản đối với thương mại, do vậy, hầu hết thành viên tham gia FTA kỳ vọng sẽ hạn chế/không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong nội khối.

Tuy nhiên, trước xu thế tự do hóa thương mại có thể sẽ tạo ra nhiều rủi ro và tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại cho các thành viên, nên khi xây dựng các hiệp định, các thành viên vẫn nhất trí cho phép thực hiện những chính sách mang tính rào cản nhất định để bảo vệ mình trước các hành vi thương mại không lành mạnh (bán phá giá, trợ cấp) hoặc trong bối cảnh gia tăng đột biến hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Như vậy, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các biện pháp phòng vệ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các FTA và pháp luật của các nước cho phép sử dụng, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các thành viên nếu muốn áp dụng biện pháp PVTM cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định bởi một khi các công cụ này bị lạm dụng và được sử dụng như một hình thức để tăng cường bảo hộ cho ngành sản xuất trong nước thì sẽ đi ngược lại với những mục tiêu tốt đẹp của tự do hoá thương mại.

Chính vì vậy, để phòng tránh sự lạm dụng các công cụ này, WTO đã đưa ra những quy định, nguyên tắc, điều kiện chặt chẽ buộc các thành viên có nghĩa vụ phải tuân thủ nếu muốn áp dụng các biện pháp PVTM. Các biện pháp PVTM mà một quốc gia áp dụng với một quốc gia thành viên khác phải thỏa mãn yêu cầu của các quy định tại GATT và các hiệp định liên quan khác của WTO bao gồm: Hiệp định thực thi Điều VI của GATT (Hiệp định chống bán phá giá - ADA); Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) và Hiệp định Tự vệ (SGA)).

Theo quy định quốc tế, PVTM là một phần trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bao gồm các biện pháp: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (Bảng 1). Hiện nay, Việt Nam cũng đồng quan điểm với quy định này, thể hiện rõ trong Luật Quản lý ngoại thương 2017.

Phòng vệ thương mại của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA - Ảnh 1
Phòng vệ thương mại của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA - Ảnh 2

Phòng vệ thương mại ở Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, mặc dù, pháp luật về PVTM đã được ban hành hơn 10 năm nhưng các biện pháp này mới chỉ được sử dụng trong khoảng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến hết năm 2016, Việt Nam đã tiến hành liên tiếp 8 vụ việc điều tra (3 vụ việc chống bán phá giá, 5 vụ việc tự vệ). Trong 3 vụ việc chống bán phá giá, ngoại trừ Đài Loan, các nước bị khởi kiện và áp dụng biện pháp đều có FTA với Việt Nam gồm: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc.

Mặt khác, cả 3 vụ việc đều liên quan đến sản phẩm thép, trong đó 1 vụ việc đã ban hành kết luận cuối cùng và trong thời kỳ áp dụng biện pháp. Ngược lại, hầu hết các nước có FTA với Việt Nam như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Indonesia... cũng đã tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với Việt Nam.

Về tình hình sử dụng biện pháp chống trợ cấp, Việt Nam hiện chưa khởi xướng bất kỳ vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp nào. Trong khi với các đối tác FTA của Việt Nam, hiện nay, mới chỉ có Australia khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn và nhôm của Việt Nam. Về tình hình sử dụng các biện pháp tự vệ, đối với tự vệ toàn cầu, các quốc gia như: Ấn Độ, Indonesia, Phillipines, Thái Lan đã tiến hành các vụ việc điều tra tự vệ toàn cầu đối với Việt Nam. Về tự vệ song phương/tự vệ trong khung khổ FTA, đối với Việt Nam, đến nay chưa có vụ việc tự vệ song phương/tự vệ trong khuôn khổ FTA nào phát sinh.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong thời gian tới, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu đối với Việt Nam/có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước đối tác FTA có thể tiếp tục tăng lên. Điều đáng lo là nhiều DN Việt Nam xuất khẩu còn bị động, chưa thực sự nhận thức rõ ràng về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra PVTM cũng như hệ quả bất lợi của các vụ việc này đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN và thậm chí là của cả ngành. Nhiều DN còn có tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào công tác kháng kiện dẫn tới kết quả bất lợi đối với các DN Việt Nam.

Việc tham gia các cam kết FTA nói chung và Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật về PVTM, đặc biệt là nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực PVTM trong bối cảnh mà Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 đã có hiệu lực và quy định rất chi tiết, đầy đủ về các vấn đề PVTM (Trần Thị Liên Hương, 2019).

Cụ thể, để ứng phó với PVTM trong bối cảnh hội nhập, Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua năm 2017 cũng dành một chương quy định về PVTM. Theo đó, nguyên tắc áp dụng các biện pháp PVTM gồm: Áp dụng trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; Chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra; Công bố công khai các quyết định về việc điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM; Không thu khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế PVTM chính thức cao hơn mức thuế PVTM tạm thời; Hoàn lại khoản chênh lệnh về thuế nếu mức thuế PVTM chính thức thấp hơn mức thuế PVTM tạm thời; Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp PVTM chính thức thì thuế PVTM tạm thời đã thu hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế PVTM tạm thời phải được hoàn lại...

Mới đây, ngày 28/3/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”, đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ về: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về PVTM; Tăng cường thực thi các quy định pháp luật về PVTM; Nâng cao năng lực sử dụng biện pháp PVTM cho ngành công nghiệp trong nước; Nâng cao năng lực về PVTM của các cơ quan quản lý Nhà nước và Tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc PVTM của nước ngoài.

Một số khuyến nghị

Khi nói đến áp dụng các biện pháp PVTM trong các FTA, bên cạnh việc khởi kiện, cần lưu ý đến cả khía cạnh kháng kiện. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, pháp luật hiện hành của Việt Nam về PVTM chưa hoàn toàn tương thích với các điều khoản trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài biện pháp tự vệ đặc biệt được quy định theo hướng mở rộng và linh hoạt cho phép áp dụng đối với nhiều FTA, thì các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu được quy định ở phạm vi hẹp, chưa thực sự linh hoạt. Do đó, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định sau này cần lưu ý và cân nhắc vấn đề này để đảm bảo sự tương thích, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Hai là, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA giữa Việt Nam và đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Tìm hiểu quy định pháp luật của WTO và của các nước khởi kiện, do các quy định trong FTA chỉ phán ánh được phần nào quy trình điều tra trên thực tế, những nội dung không được quy định trong FTA sẽ được tuân theo quy định của WTO hoặc nội luật của nước điều tra.

Ba là, DN cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến PVTM trong tương lai có thể xảy ra. Thực tế cho thấy, với các đối tác FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ PVTM nhiều nhất trên thế giới, do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác FTA điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Do đó, sự chuẩn ứng phó của DN cả khởi kiện lẫn kháng kiến là rất quan trọng.

Bốn là, tích cực tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Trong quá trình điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra các nước cũng thường yêu cầu rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh, do đó DN cần lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng. DN cũng cần thường xuyên phối hợp và liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội, các DN trong ngành để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành.           

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017;
  2. Bộ Công Thương (2019), Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28/3/2019 ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”;
  3. Bộ Công Thương (2019), Hướng dẫn thực thi các cam kết về phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp;
  4. Trần Thị Liên Hương (2019), Các biện pháp phòng vệ thương mại trong CPTPP và tác động đối với Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo các FTA thế hệ mới của Việt Nam: Từ chiến lược tham gia đến thách thức khi thực thi.