Quản vốn ODA

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Những "tai tiếng" liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA buộc Việt Nam phải có cách tiếp cận mới để quản lí dòng vốn vay quan trọng này, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

 Dự án đường sắt đô thị do nhà thầu JTC tư vấn. Nguồn: baohaiquan.vn
Dự án đường sắt đô thị do nhà thầu JTC tư vấn. Nguồn: baohaiquan.vn
Những "tai tiếng" không mong muốn

Cách đây gần 6 năm, vào tháng 8/2008, một vụ việc làm rúng động dư luận liên quan đến sử dụng vốn ODA đã xảy ra. Đó là việc Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) bị Nhật Bản phát hiện hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, thời điểm đó là Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là PMU Đông Tây) để trúng thầu dự án PMU Đông Tây, sử dụng vốn ODA của Nhật. Sau đó 4 tháng, Nhật Bản đã thẳng thừng tuyên bố tạm ngừng cấp mới ODA cho Việt Nam, đến khi có kết luận cuối cùng về nghi án hối lộ của PCI.

Sau đó, cơ quan chức năng của Việt Nam vào cuộc. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ và những người có liên quan khác đã bị xử lí trước pháp luật 1 năm sau khi vụ việc bị phía Nhật Bản phát giác.

3 năm sau, một "tin buồn" nữa lại đến cho các dự án ODA của Đan Mạch. Đầu tháng 6-2012, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội đã quyết định dừng hoạt động 3 trong 4 dự án nghiên cứu sử dụng ODA của nước này tại Việt Nam do nghi vấn sử dụng không hợp lý số tiền lên tới 3,3 triệu kroner (tương đương 550.000 USD). Tuyên bố dừng viện trợ này như một "gáo nước lạnh" được Đan Mạch đưa ra ít ngày trước khi Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) nhóm họp giữa kỳ năm 2012, để bàn về hiệu quả tài trợ và đề xuất các giải pháp.

Cho đến tận ngày 10-6-2014 vừa qua, tại buổi họp báo của Đại sứ quán Đan Mạch, cơ quan này mới cho biết vụ việc đã được giải quyết trọn vẹn. Phía Đan Mạch đã có buổi nói chuyện với phía Việt Nam để đảm bảo những trường hợp tương tự không xảy ra trong tương lai.

Khi vụ việc liên quan đến Đan Mạch qua đi, thì dư luận lại sững sờ trước nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã chi một khoản tiền hối lộ cho một số lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01 - giai đoạn I” bằng vốn ODA của Nhật Bản. Giống như vụ việc năm 2008, phía Nhật Bản nhanh chóng quyết định dừng cấp vốn ODA cho các dự án mắc sai phạm. Còn phía Việt Nam cũng gấp rút điều tra, tạm giam những người dính vào nghi án chấn động này.

"Thức tỉnh" việc dùng vốn ODA

Liên tiếp các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến dự án dùng vốn ODA không thể nói là không ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ. Trong lúc Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, vốn ODA sẽ không còn được các nhà tài trợ cung cấp như trước. Việc thay đổi tư duy sử dụng dòng vốn này là điều cần thiết.

Liên quan đến việc tư duy về ODA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng chia sẻ thẳng thắn với báo giới trong một cuộc họp báo của cơ quan này hồi cuối năm ngoái rằng: "Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ trong các cán bộ, viên chức nhà nước và nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo của các địa phương hiểu một cách rất sơ đẳng rằng ODA là cho không. Họ cho rằng càng vay càng tốt, bất chấp khả năng trả được hay không, chỉ cần vay được và cứ thế dùng, Nhà nước sẽ bao cấp. Đây là một nhận thức vô cùng nguy hiểm! Hãy nói thật rõ vấn đến này: Vay là phải trả. Hôm nay chúng ta vay, mai con cháu phải trả, không ai cho không ai!".

Từ năm ngoái, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) đã được "nâng cấp" thành Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF). Đó là lần đầu tiên sau 20 năm, cam kết vốn ODA không còn là nội dung chính trong cuộc bàn thảo giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ. VDPF tập trung đối thoại thực chất hơn và sâu sắc hơn về ưu tiên phát triển cũng như thách thức ở tầm trung hạn trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước và quan hệ hợp tác phát triển.

Trong buổi họp báo chiều 10/6 vừa qua, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng cho biết nước này sẽ giải ngân 90 triệu USD vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015. So với năm ngoái, lượng vốn ODA của Đan Mạch đã giảm khoảng 20 triệu USD. Ông John Nielsen cho biết: Đan Mạch sẽ tập trung nhiều hơn vào việc phát triển thương mại, đưa các công ty sang hoạt động tại Việt Nam hơn là viện trợ phát triển.

Tư duy của các nhà tài trợ đã thay đổi. Còn những tư duy sai lệch ở một bộ phận quan chức như lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể có kịp "nắn" lại?  Vụ việc liên quan đến JTC có phải là tai tiếng cuối cùng của các dự án dùng vốn ODA?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên trước đó, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói một loạt biện pháp để ngăn chặn tình trạng trên tái diễn. Trước mắt, phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu đối với các dự án ODA Nhật Bản để nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA. Phía Việt Nam cũng hợp tác với JICA để làm một số công tác hậu kiểm, một số gói thầu của ODA khác của Nhật Bản. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các dự án ODA nói chung, đặc biệt là các dự án ODA của Nhật Bản...

"Mất bò mới lo làm chuồng". Việt Nam đã nhiều lần "mất bò" trong việc  liên quan đến dự án dùng vốn ODA, lần "làm chuồng" này, liệu đã có thể yên tâm?