Sản phẩm trái cây: Đừng để nông dân tự bơi

Thanh Sơn - Hoàng Lộc

(Tài chính) Hiện nay một lượng lớn trái cây Việt Nam đang xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch. Điều này mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, các tiểu thương Việt Nam khi thị trường Trung Quốc có những biến động trong thời gian qua. Để tránh lệ thuộc vào một thị trường cần có sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước.

Trái cây Việt Nam liệu có thành nông sản xuất khẩu chủ lực. Nguồn internet
Trái cây Việt Nam liệu có thành nông sản xuất khẩu chủ lực. Nguồn internet

Cụ thể, Nhà nước nên hỗ trợ các thương lái lớn tìm thị trường tiêu thụ trái cây mới cho Việt Nam  bằng các chiến lược marketing cùng hệ thống phân phối sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian. Do giá trái cây trong thời gian này đang rớt giá nên từ đầu quý II - 2014 đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đàm phán với các đối tác để mở cánh cửa cho thị trường nông sản, tránh bị lệ thuộc vào một hoặc vài thị trường như hiện nay.

Mới đây, đoàn các doanh nghiệp Hàn Quốc do Công ty Nam Sa dẫn đầu đã đến Việt Nam khảo sát. Qua khảo sát thực tế của đoàn, trái cây của Việt Nam đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ nhất là ở Đồng Nai, và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc nếu như đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng. Việc xuất khẩu sang thị trường khó tính này mở một lối ra quan trọng cho xuất khẩu nông sản trong nước. Thị trường các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản người dân đang quan tâm đến các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau xanh và trái cây. Tuy nhiên, thị trường này có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng thực phẩm từ giống cây, loại cây trồng cụ thể trong vườn đến loại đất, các loại khuẩn, quy trình xử lý trái cây xuất khẩu, các khâu bảo quản, đóng gói, vận chuyển…. mà đây lại là khâu yếu của ta. Một trở ngại lớn nữa là việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc cũng gặp một số khó khăn như thủ tục xuất, nhập khẩu.

Trong chuyến khảo sát, Ông Choi Young Chul, Tổng giám đốc Công ty Nam Sa cho biết: Trong năm 2013, Hàn Quốc đã phải nhập khẩu khoảng 6.000 tấn xoài từ các nước trên thế giới. Nhu cầu nhập khẩu loại trái cây này ngày càng tăng cao và ước tính sẽ lên tới 10.000 tấn trong năm 2014.  Mỗi năm sẽ tăng khoảng 50%. Ngoài ra, Công ty này cũng đặt vấn đề với những loại trái cây của Việt Nam mà người dân Hàn ưa thích như: mít, chuối, vải, chôm chôm, măng cụt... Vì vậy, công ty đang tiến hành điều tra thị trường trong nước về nhu cầu trái cây sấy, trái cây đông lạnh để có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là Đồng Nai. Tỉnh này cũng đã hình thành các chuỗi lên kết để xuất khẩu nông sản sang các thị trường mới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Châu Phi…

Trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, New Zealand và Việt Nam đã ký một thỏa thuận xuất khẩu quả Thanh long Việt Nam sang thị trường nước này. Được biết, Việt Nam hiện là quốc gia đầu tiên và duy nhất được xuất khẩu quả Thanh long sang New Zealand. Ông Haike Manning (đại sứ New Zealand tại VN) cũng cho biết: Hiện trái xoài của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường New Zealand còn các mặt hàng mà chúng tôi đang xem xét để Việt Nam có thể xuất khẩu sang là nhãn, bưởi, vú sữa…. Tới đây, quả chôm chôm cũng là mặt hàng mà quốc gia này đang quan tâm xem xét để nhập khẩu từ Việt Nam về.

Một người bạn của phóng viên cho biết tại Siêu thị và cửa hàng tiện lợi của NTUC Fairprice - Tập đoàn siêu thị bán lẻ hàng đầu của Singapore giá Thanh long giá khoảng 3 -3,5 S$/1kg dịp giảm giá sale 2.25S$ được đến 2- 3 quả. Nhưng quả nhỏ và khó tìm quả chín 2 da như ở VN, thường chỉ là loại quả chín mới 1 lần, hơi chua. Trong khi theo ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: 2 tháng nay, 70% mặt hàng ở tỉnh này không xuất khẩu được sang Trung Quốc  nên Thanh long ruột đỏ loại ngon tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng một kg, các loại còn lại chỉ vài trăm đồng một kg, cùng thời điểm năm trước, giá thu mua thanh long ruột đỏ khoảng 20.000-25.000 đồng một kg.

Như vậy, thay vì chỉ tập trung vào một thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, thương lái và cả người nông dân đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, nâng cao giá trị cho sản phẩm của mình làm ra. Nhu cầu nông sản trên thế giới còn rất nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không có đủ vốn để đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất. Cái khó đối với các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam là vùng nguyên liệu quy mô nhỏ, manh mún nên chất lượng không đồng đều, chưa có đại diện tại các nước để nắm nhu cầu kịp thời, quản lý dư lượng hóa chất trong khi đây lại là những hàng rào kỹ thuật mà các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ làm rất chặt. Do đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp vùng nào trồng loại gì để có vùng nguyên liệu chất lượng ổn định.

Tiếp đến, Nhà nước cần khuyến khích và đẩy mạnh công nghiệp chế biến đối với trái cây, cần hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch để xử lý trái cây đạt yêu cầu quốc tế. Thành lập viện nghiên cứu, đưa ra những chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến trái cây, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xây dựng những nhà máy bảo quản và chế biến. Khuyến khích các hợp tác xã trái cây chế biến các sản phẩm để đa dạng hóa sản phẩm như rượu thanh long, ổi, bưởi… Đồng thời, đẩy mạnh kết nối giữa các hệ thống siêu thị nước của ngoài như  Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ với các đơn vị thu gom trái cây Việt Nam để thâm nhập thị trường.

Một khi, trái cây của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế thì các thị trường mới sẽ tự tìm đến chúng ta.