Sẽ có nghị định về đầu tư theo hình thức công - tư

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Mặc dù được nhìn nhận là một phương thức ưu việt để thu hút đầu tư tư nhân nhưng việc thực thi và triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn còn quá chậm và mờ nhạt so với kỳ vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vướng từ khái niệm

Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT - XH Quốc gia Mai Thị Thu, hiện nay PPP được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau. Trong đó, hai văn bản  luật có điều chỉnh trực tiếp là Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định 71, “PPP là việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có nhiều cách hiểu, quan niệm khác nhau về hình thứác đầu tư này. Có nơi, có lúc, các dự án PPP được coi là các dự án xã hội hóa hay Nhà nước và nhân dân cùng làm. Có thời điểm, các dự án PPP chỉ được coi đơn thuần là những dự án đầu tư thu lợi nhuận của khu vực tư nhân.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng khẳng định: Đúng, PPP hay BOT (hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao)… đều là một. “Nếu PPP là môn toán, thì BOT là đại số, BT là hình học… Như vậy, PPP là hình thức đầu tư chung, trong đó có rất nhiều dạng thức cụ thể”, ông Tăng ví von. “Điều đáng tiếc là chúng ta mất hai năm chúng ta mới nhận thức được điều này. Nếu nhận thức sớm thì chúng ta đã không phải ra Quyết định 71, mà tập trung sửa đổi và nâng cấp Nghị định 108 về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT”, ông Tăng chia sẻ.

Với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Văn phòng PPP được đặt trong Cục) - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong sửa đổi Quyết định 71, ông Tăng cho biết, quá trình sửa đổi đã gần như hoàn tất. Tuy nhiên, nhận thấy sự trùng lặp giữa Nghị định 108 và Quyết định 71, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị hợp nhất hai văn bản.

Chưa thấy công - tư, chỉ thấy công - công

Về thực tế triển khai thí điểm dự án PPP theo Quyết định 71, ông Lê Văn Tăng cho hay, hiện nay, tình trạng ôm dự án rất phổ biến, chỉ định thầu là chủ yếu.

Điều đáng nói, dựa trên kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 Tập đoàn, Tổng công ty, công ty nhà nước, kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho biết, các đơn vị  này hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Trong khi, các doanh nghiệp này chính là nòng cốt của nền kinh tế và nhiều công ty đang là nhà đầu tư của những dự án lớn.

Điều này cũng cho thấy, nhà đầu tư Việt Nam không có vốn, hoạt động nhờ vốn ngân hàng, mà chủ yếu là ngân hàng thương mại nhà nước, rồi sau đó xin trái phiếu Chính phủ là đủ vốn để tham gia các dự án đầu tư. “Như vậy, xét cho cùng hợp tác công - tư thực chất là công – công. Chính vì vậy, khi có lợi thì nhà đầu tư nhảy vào, nhưng khi thua lỗ lại mang trả Nhà nước. Điều này là rất nguy hiểm!”, ông Tăng thẳng thắn.

Người đứng đầu Cục Quản lý Đấu thầu cung cấp thêm thông tin rằng, vừa qua, địa phương, bộ, ngành gửi về 128 dự án PPP. Phần lớn các dự án có tính thương mại thấp, khó đáp ứng được yêu cầu thu hút các nhà đầu tư. Trước đó, tại một cuộc hội thảo năm 2012, ông Tăng đã kể rằng, nhiều tỉnh thành trên thực tế chưa hiểu hoặc thiếu tin tưởng về mô hình PPP, đã đem những dự án khó nhằn nhất của địa phương để lên Bộ đăng ký xin làm PPP!

Đồng ý với quan điểm của ông Lê Văn Tăng, Ts Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, khẳng định: “Nếu chỉ duy trì hợp tác công - công hiện nay thì chỉ Nhà nước gánh chịu khi rủi ro xảy ra, còn không thấy trách nhiệm của tư nhân tại đây”.

Nhà đầu tư e ngại

Khảo sát của Trung tâm Thông tin và Dự báo KT - XH Quốc gia cho thấy, các nhà tư vấn nước ngoài đánh giá môi trường thể chế về PPP ở Việt Nam chưa cao, vẫn còn những hạn chế. Ví như, cụm từ “thí điểm” tạo cảm giác bất an và không chắc chắn đối với các nhà đầu tư.

Quyết định 71 cũng không nêu được định nghĩa rõ ràng về PPP. Những lĩnh vực của PPP rất hạn hẹp, mặc dù các điều khoản cho phép Chính phủ có thể bổ sung, nhưng cơ chế kém minh bạch và rắc rối này được đánh giá là cách thức không tích cực. Quy định về mức tham gia tối đa của vốn nhà nước là 30% sẽ loại bỏ tới 80% các dự án PPP, trong khi không có quy định rõ phần đóng góp của Nhà nước cụ thể bao gồm những nội dung nào.

Bên cạnh đó, theo các nhà tư vấn, việc Quyết định 71 không khuyến khích hình thức nhà đầu tư tự đề xuất dự án PPP là không phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như không hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta. Quy trình phê duyệt dự án PPP còn phức tạp và thẩm quyền cuối cùng của mọi dự án PPP đều thuộc Thủ tướng Chính phủ, kể cả các dự án nhỏ. Tư vấn quốc tế đánh giá đặc điểm này là không tích cực. Chúng ta cũng chưa có một khung pháp lý đồng nhất cho những dự án theo hình thức PPP. Nghị định 108 dành cho các dự án BOT và Quyết định 71 dành cho các dự án PPP có những nội dung không đồng nhất và cũng không kết nối với nhau.

Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Quốc gia cũng chỉ ra rằng, năng lực thực hiện của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp địa phương. Cho đến nay, quá khứ và hồ sơ thực hiện dự án theo hình thức PPP đúng nghĩa hầu như không có, là điều nhà đầu tư quan ngại và không phản ứng tích cực.

Sẽ có nghị định về PPP

Trên cơ sở nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo KT - XH Quốc gia, bà Mai Thị Thu cho rằng, cần phải có một khung khổ pháp lý có hiệu lực cao hơn (nghị định/luật) về PPP. Đề xuất này đã được đáp ứng. Trong tuần này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP -  đã đồng ý chủ trương hợp nhất Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg thành Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP.

Theo đó xác định, đẩy mạnh triển khai theo hình thức PPP là một trong các giải pháp để tái đầu tư công, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết để sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển. Phó thủ tướng yêu cầu bổ sung quy định về các hình thức hợp đồng PPP mới để tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

“Việc xây dựng khung pháp lý phải giải quyết được các vấn đề: hai bên tham gia đến đâu? Trách nhiệm đến đâu? Quyền lợi đến đâu?”, ông Nguyễn Văn Vịnh, Viện Chiến lược phát triển) nói. Theo ý ông, để bảo đảm tính chất công, Nhà nước có thể can thiệp bất cứ lúc nào khi có phương hại đến lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, không nên quy định mức tỷ lệ cứng, nhưng phải quy định rõ những quyền và trách nhiệm của hai bên. “Để không còn “công – công”, thì bản thân dự án phải làm rõ được sinh lời ở đâu và bao nhiêu thì mới hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Vịnh nói.