"Soi" kỹ báo cáo tài chính để đo "sức khỏe" doanh nghiệp

Theo Hoàng Phương (Đầu tư)

Nhiều NĐT chỉ nhìn lướt con số doanh thu, lợi nhuận của các DN niêm yết, nhất là những DN có cổ phiếu được coi là “hàng nóng” trên thị trường càng dễ bị “bỏ qua”.

Trong khi đó, chính sách điều hành, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước năm qua biến động nhanh, tác động rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, để nắm bắt và phán đoán được sức khỏe DN năm 2010, “soi” kỹ báo cáo tài chính năm 2009 là điều được ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán AASC - đơn vị kiểm toán cho nhiều DN niêm yết khuyến nghị.

Năm 2009 một số DN (nhất là DN bất động sản) có xu hướng đẩy mạnh lợi nhuận để hưởng giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), kiểm toán chấp nhận trong những trường hợp nào, trường hợp nào NĐT cần chú ý?

Theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 của BTC, các DN nhỏ và vừa (vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động bình quân trong năm không quá 300 người) được giảm thuế 30% thuế TNDN phải nộp trong năm 2009. Để có thể tối đa hóa lợi ích từ chính sách ưu đãi này của Chính phủ,  một số DN đã cố gắng điều chỉnh kết quả kinh doanh của mình để có được số thuế phải nộp thấp nhất.

Hình thức điều chỉnh phổ biến mà các DN thường sử dụng là tối đa hóa doanh thu và/hoặc tối thiểu hóa chi phí để lợi nhuận năm 2009 đạt mức cao nhất. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) chỉ chấp nhận các khoản doanh thu có đầy đủ cơ sở ghi nhận theo các chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành và đề nghị DN điều chỉnh các khoản doanh thu ghi nhận trước không có căn cứ.

Đồng thời, KTV cũng xem xét  các khoản chi phí liên quan đến năm 2009, nhưng chưa ghi nhận trong BCTC năm 2009, nhất là các khoản chi phí trích lập dự phòng, trích trước chi phí lãi vay… và đề nghị DN điều chỉnh.

Một số DN thực hiện việc san bớt lợi nhuận sang các quý trong năm 2010, nhất là khi cuối năm TTCK không mấy thuận lợi cho giá cổ phiếu, khi đọc BCTC, NĐT nên lưu tâm vấn đề gì, thưa ông?

Một số DN không được miễn giảm thuế TNDN và có kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2009 lại muốn chuyển bớt lợi nhuận sang năm sau để có được bức tranh tài chính đẹp qua các năm thường có xu hướng ghi nhận không hết doanh thu trong năm hoặc ghi tăng chi phí không liên quan đến năm 2009.

KTV sẽ phải tìm ra các khoản doanh thu năm 2009 chưa được hạch toán và các khoản chi phí không liên quan đến năm 2009 hoặc không đảm bảo nguyên tắc phù hợp và đề nghị DN điều chỉnh trên BCTC.

Nếu phát hiện các sai sót là trọng yếu và ảnh hưởng tới quyết định của người đọc BCTC, nhưng DN không điều chỉnh, thì KTV sẽ đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với BCTC của DN. Trong các trường hợp Báo cáo kiểm toán (BCKT) có ý kiến ngoại trừ, NĐT cần xem xét mức độ ảnh hưởng của nội dung ngoại trừ đến BCTC của DN.

Đối với các NĐT, có một vấn đề mà chúng tôi cũng hết sức lưu ý người đọc BCTC là việc áp dụng nhất quán các chính sách kế toán của DN năm 2009 so với năm 2008, do việc thay đổi chính sách kế toán áp dụng có thể sẽ làm ảnh hưởng đáng kể tới các con số được phản ánh trên BCTC. Do vậy, NĐT nên giành sự quan tâm đáng kể cho phần Thuyết minh BCTC hơn là chỉ quan tâm đến các con số trên BCTC.

Trong các BCTC năm 2009, lợi nhuận quý III, quý IV của nhiều DN chênh nhau rất xa,  NĐT nên lưu ý những gì?

Thông thường có một số DN có kết quả kinh doanh không đồng đều giữa các quý, nhất là các DN có chu kỳ kinh doanh mang tính thời vụ như: DN kinh doanh sản phẩm ngành nông nghiệp, DN bánh kẹo, DN thủy điện…NĐT cần xem xét đến chu kỳ kinh doanh của DN thông qua việc xem xét BCTC từng quý của các năm trước trên các website của DN hoặc các CTCK.

Tuy nhiên, NĐT cũng cần phải xem xét sự tác động của các yếu tố môi trường kinh doanh tới hoạt động của DN như giá cả vật tư, hàng hóa, tỷ giá ngoại tệ và biến động của TTCK, nhất là trong năm 2008 và 2009, khi mà nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến một số DN phải trích lập và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (Dầu thực vật Tường An, DN kinh doanh thép), trích lập và hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư (các CTCK và các DN có tham gia đầu tư tài chính lớn). Từ đó, dẫn đến kết quả kinh doanh giữa các quý và giữa các năm của DN không đồng đều.

Trong các trường hợp này, NĐT cần xem xét về biến động giá của vật tư, hàng hóa, tỷ giá trên các trang thông tin về giá cả thị trường và tìm hiểu rõ giá gốc của các khoản đầu tư tài chính mà DN đang nắm giữ trong thuyết minh BCTC của DN để xác định mức độ ảnh hưởng của các biến động nêu trên đến BCTC của DN.

Xin ông cho biết, những vấn đề kiểm toán thường gặp và phải ngoại trừ trong BCTC 2009?

Trong quá trình kiểm toán, một số vấn đề chúng tôi thường phải ngoại trừ gồm DN có kết quả kinh doanh không như mong muốn, không trích lập dự phòng các khoản đầu tư chứng khoán, dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào chi phí trong năm.

Một số khoản đầu tư chứng khoán không có giá giao dịch trên thị trường theo quy định thì DN không phải trích lập dự phòng, nhưng KTV nhận thấy, giá trị thực tế của khoản đầu tư (vào giai đoạn thị trường sôi động) nhỏ hơn rất nhiều so với giá ghi sổ kế toán.

Một số công ty đại chúng phát hành tăng vốn điều lệ không được UBCK cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng. Một số DN hạch toán doanh thu không theo chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành.