Sức ép cạnh tranh và hướng đi mới để thu hút FDI ở Việt Nam

Trang Trần

(Tài chính) Hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế nhất định với dấu hiệu rõ nét và gần nhất là nguồn vốn FDI vào Việt Nam quý I/2014 giảm mạnh so với vùng kỳ năm 2013. Vấn đề đặt ra là làm sao để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Nguồn vốn FDI vào Việt Nam quý I/2014 giảm mạnh so với vùng kỳ năm 2013. Nguồn: internet
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam quý I/2014 giảm mạnh so với vùng kỳ năm 2013. Nguồn: internet

Quý I/2014: FDI giảm mạnh

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 27/3/2014 cho thấy, tính chung trong quý I/2014, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam mới đạt 3,334 tỷ USD, chỉ bằng 50,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo đó, tính đến ngày 20/3/2014, cả nước có 252 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,046 tỷ USD, chỉ bằng 61,4% so với cùng kỳ năm 2013; cả nước có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,287 tỷ USD cũng chỉ đạt 39,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm quý I/2014 giảm so với cùng kỳ năm 2013 được lý giải phần nào là do thiếu những dự án lớn như quý I/2013. Trong quý I/2013, một số dự án “khủng” được cấp giấy chứng nhận đầu tư là: dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD…

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Sự sụt giảm này một phần là do Việt Nam đang thay đổi tư duy và chính sách trong thu hút vốn FDI, không tiếp nhận những dự án FDI đăng ký “ảo” với số vốn hàng tỷ USD”.

Bên cạnh đó, nhìn lại cùng kỳ năm ngoái thì vốn FDI vào Việt Nam cũng đã giảm 49% so với năm 2010. Như vậy, đã 3 năm liên tiếp vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm. Ngoài những tác động từ việc FDI toàn cầu suy giảm thì không thể phủ nhận một thực tế là Việt Nam cần nhìn nhận lại những tồn tại của môi trường đầu tư hiện nay. “Sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát cao, tham nhũng và các thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Các nhà đầu tư châu Âu đang tăng cường tìm kiếm các điểm đến đầu tư khác trong ASEAN.”, ông Paul Jewell, Giám đốc Điều hành EuroCham chia sẻ.

Áp lực cạnh tranh

Ý kiến trên của ông Paul Jewell không phải là không có căn cứ. Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nước ta đang gặp áp lực cạnh tranh đến ngay từ thu hút FDI. Năm 2013, có đến 54% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam cũng đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác (trong khi năm 2011, 2012 tỷ lệ này chỉ 32%).

Việt Nam không còn là điểm đến đầu tư được ưu ái nhất như giai đoạn 2007-2010 mà hiện giờ đang phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi. Không những thế, ba gương mặt trước đây chưa từng được coi là “đối thủ” cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam là Lào, Philippines và Campuchia thì nay đã xuất hiện trong danh mục quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Huỳnh, Nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định: Việt Nam là nước đang phát triển nhưng việc thu hút FDI vẫn tồn tại nhiều hạn chế so với các nước chậm phát triển.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá thông tin và cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia, Lào. Tuy nhiên, tham nhũng và gánh nặng pháp lý thì Việt Nam bị đánh giá là nặng nề hơn 2 nước này.

Đó là những rào cản đáng lo ngại đối với việc thu hút FDI, đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết áp lực này. 

Hướng đi mới để thu hút FDI

Để đẩy mạnh thu hút FDI ở Việt Nam, GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI cho rằng: Cần sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà gắn với vùng, lãnh thổ.

Mặt khác, cần hạn chế việc phát triển các khu công nghiệp đa ngành nghề mà cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, chuyên sâu; có chính sách ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với dự án FDI lớn của tập đoàn công nghệ cao, tạo ra tiềm lực và sức lan tỏa lớn trong từng sản phẩm, từng ngành kinh tế.

Cũng theo GS. Mại, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố phải tự nhận biết những điểm yếu của công chức và bộ máy hành chính đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp FDI triển khai dự án và khắc phục khó khăn trong kinh doanh nhằm xử lý nhanh và có kết quả những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI kiến nghị.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment Inc cho rằng: Chìa khóa để thành công trong thu hút FDI cho tất cả các nước là tham gia vào các hiệp định thương mại, các hiệp ước khu vực và toàn cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

Theo đó, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ năm 2000 và được hưởng quy chế tối huệ quốc. Sau đó là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) cũng như tiến hành sửa đổi Luật Đầu tư trong thời gian tới sẽ góp phần tăng trưởng thu hút FDI.

Các nhà đầu tư dài hạn trong quá trình ra quyết định của họ, luôn tìm kiếm sự ổn định kinh tế và chính trị. Rõ ràng, các hiệp định và hiệp ước trên là minh chứng vững mạnh cho sự ổn định ấy. “Thu hút FDI là một cuộc đua marathon, không phải đua vài trăm mét, vì các nước luôn điều chỉnh chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng FDI. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất là cần tham gia các hiệp định thương mại, đối tác trong khu vực và trên thế giới. Chỉ như vậy, các nước như Việt Nam vốn được coi là ổn định về chính trị và kinh tế mới có thể cạnh tranh.”, TS. Christian Kamm chia sẻ.