Tác động của du lịch biển đến an ninh, xã hội vùng duyên hải Nam Trung Bộ


Sự phát triển của du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu nhập của dân cư, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, góp phần phát triển hậu phương vững chắc, xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng biển, đảo Việt Nam.

Du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực, sự phát triển của du lịch biển cũng nảy sinh những tác động tiêu cực, đến môi trường xã hội vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đi sâu làm rõ những tác động của du lịch biển đến phát triển kinh tế - xã hội vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các tỉnh, thành phố khu vực này phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Tác động của du lịch biển đến an ninh, xã hội vùng Duyên hải Nam Trung bộ

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trải dài khoảng 800km, gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Với chiều dài bờ biển gần 1.200km, Duyên hải Nam Trung Bộ là nơi tập trung nhiều vũng, vịnh, bãi biển dài, đẹp; các tỉnh, thành phố trong khu vực đều sở hữu không gian biển, đảo đẹp, mang đặc trưng riêng. Bởi vậy, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã chọn biển đảo làm mũi nhọn để đầu tư phát triển, tạo thành đặc trưng, thế mạnh của Vùng.

Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển du lịch biển. Sự phát triển năng động của du lịch biển ở các địa phương vùng Duyên Hải cũng đã có những tác động nhất định đến mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng.

Tác động tích cực

Thống kê cho thấy, thời gian qua du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã có những bước phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch cả nước; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tạo diện mạo mới cho nhiều địa phương. Chiến lược phát triển du lịch biển gắn với các tour du lịch biển - đảo không những tạo việc làm ổn định cho dân cư vùng biển - đảo, mà còn tăng cường các hoạt động dân sự trên các vùng biển - đảo, tạo nên thế phòng thủ liên hoàn bờ - biển - đảo vững chắc, góp phần xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, phát triển vững chắc tuyến phòng thủ trên biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Tác động của du lịch biển  đến an ninh, xã hội vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Ảnh 1

Nguồn kinh phí thu hút được từ phát triển du lịch biển phần nào đã giúp các địa phương tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác của các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên các địa bàn; thúc đẩy các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội giảm thiểu tối đa các rủi ro cho du khách và doanh nghiệp. Điển hình như tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), tranh thủ nguồn lực thu hút từ phát triển du lịch biển, TP. Nha Trang đã đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khách du lịch, trạm cứu hộ và hệ thống loa không dây để phát các thông tin cảnh báo những điểm phức tạp về an ninh trật tự. Trên dọc tuyến bờ biển và tại các điểm du lịch, TP. Nha Trang còn lắp đặt nhiều biển báo về nội quy, quy định bảo vệ cảnh quan môi trường, thực hiện nếp sống văn minh; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội; đường dây nóng... để chỉ dẫn cho khách du lịch và người dân thực hiện.

Tác động tiêu cực

Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch biển tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ cũng đem lại không ít những tác động tiêu cực đến an ninh, an toàn xã hội của các địa phương trong Vùng. Cụ thể, du lịch biển phát triển làm tăng lượng du khách quốc tế đến thăm quan dẫn đến việc thu đổi ngoại tệ trái phép; buôn bán, vận chuyển và lưu thông tiền giả; tẩy rửa tiền; du khách cư trú “lỳ” trên địa bàn, lao động nước ngoài làm “chui” trong các công ty du lịch, hướng dẫn viên nước ngoài làm “chui” cho các đoàn khách quốc tế; đầu tư “chui” gây thất thu thuế, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và nhà nước… Ngoài ra, khách du lịch quốc tế còn vi phạm những quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, hoạt động ở các khu vực cấm trên địa bàn du lịch biển.

Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách đến thăm quan vượt quá “sức chứa” của các điểm, khu du lịch biển cũng gây ra những bức xúc đối với dân cư trên địa bàn du lịch biển và những biểu hiện tiêu cực khác như: Gây quá tải hệ thống dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch, gia tăng rác thải vào môi trường ở các bãi biển và trên các đảo vào mùa cao điểm du lịch; Gia tăng chi phí cho các ngành dịch vụ công như y tế, giao thông, môi trường, điện lực, ngành nước... và tăng chi phí hoạt động cho các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn du lịch biển.

Trong thực tế, du lịch biển phát triển đã tạo ra sinh kế mới góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân bản địa nhưng cũng gây nên xáo trộn và tác động mạnh mẽ vào lối sống và bản sắc văn hóa cộng đồng. Khảo sát tại Hội An (Quảng Nam) cho thấy, trước đây người dân phố cổ có thói quen dậy sớm, bây giờ họ mở cửa muộn hơn theo thời gian khách tham quan, còn những hàng quán phục vụ dân sinh dần mất đi để nhường không gian cho các hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, quá trình phát triển du lịch cũng đã sản sinh ra các đặc thù văn hóa khác trong hành vi ứng xử của những con người tham gia hoạt động du lịch, thể hiện qua thái độ hành xử, giao tiếp với khách cũng như doanh nghiệp và hướng dẫn viên...

Bên cạnh đó, các lễ hội tại địa phương còn thiếu liên kết với nhau, nhiều sự kiện chồng chéo cả về thời gian lẫn nội dung dẫn đến sự cạnh tranh ngầm giữa các địa phương trong Vùng. Hiện tượng thương mại hóa các giá trị văn hóa bản địa, tính thực dụng xuất hiện đã làm biến dạng bản sắc văn hóa truyền thống thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, tập quán, kiến trúc, phương thức canh tác, cách thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng...

Việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường gắn với hoạt động du lịch của Vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân trong khu vực gia tăng khiến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như mở đường, san lấp mặt bằng lấn biển, xây dựng bến bãi cầu cảng, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh... tại khu vực lân cận di tích, hoặc thậm chí trong phạm vi bảo vệ của các di tích đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng lớn, gây ảnh hưởng đến môi trường di tích ở các cấp độ khác nhau.

Mặt khác, phát triển du lịch thiếu quy hoạch dẫn đến sự phát triển ồ ạt của các cơ sở lưu trú làm dư thừa nguồn cung, lãng phí nguồn lực của xã hội; đồng thời, tạo ra nhóm lợi ích, chỉ một phần nhỏ người dân được hưởng lợi trực tiếp, lợi tức phần lớn là của doanh nghiệp. Điển hình tại Cù Lao Chàm, theo khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An trong năm 2014, số tiền mà du khách phải chi trả trong một ngày cao điểm khoảng 1,575 tỷ đồng, tuy nhiên địa phương chỉ hưởng khoảng 12% số tiền này, hơn 88% còn lại thuộc về doanh nghiệp. Sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong Vùng về việc phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế; các sản phẩm du lịch chủ lực của các địa phương còn trùng lắp, đơn điệu, chưa phong phú, thiếu dịch vụ đi kèm, vì vậy chưa thật sự thu hút được du khách, dẫn đến thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu bình quân của du khách thấp, hiện tượng “một đi không trở lại” xảy ra phổ biến…

Nhìn chung, bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, du lịch biển có những tác động tiêu cực làm nảy sinh những phức tạp về an ninh trật tự làm xấu đi hình ảnh của du lịch biển ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cũng như hình ảnh của du lịch Việt Nam. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm và mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; hạn chế và loại trừ những tác động tiêu cực của du lịch biển; tạo môi trường ổn định, lành mạnh thúc đẩy du lịch biển phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đề xuất, kiến nghị

Để phát triển du lịch biển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, một số giải pháp được đề xuất đối với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ như sau:

Một là, điều chỉnh quy hoạch du lịch của từng địa phương sao cho phù hợp với tổng thể chung của khu vực.

Hai là, xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung cho khu vực.

Ba là, cam kết mạnh mẽ từ phía chính quyền và kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Bốn là, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, giữa ngành Du lịch với các ngành khác như giao thông vận tải, ngoại giao, an ninh, tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp.

Năm là, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã đề ra, chia sẻ hợp lý các lợi ích mang lại.

Sáu là, xử lý nghiêm tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh chộp giật, gây ô nhiễm môi trường...

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các giải pháp trên, các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ cũng cần chú trọng đến các vấn đề môi trường, kinh tế - xã hội và văn hóa, hướng đến mục tiêu hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đồng thời, xét đến các mục tiêu trong ngắn hạn, dài hạn mà khu vực cần hướng tới. Chẳng hạn như các mục tiêu về số lượng, chất lượng hay mục tiêu về phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, bất động sản du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch...

Cùng với đó, từng bước tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, trở ngại với phát triển du lịch biển bền vững; Quan tâm đến sinh kế của người dân tại các địa phương phát triển du lịch bằng các biện pháp tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, từng bước giúp họ thay đổi tư duy, nhận thức và cách làm du lịch, tạo ra những sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách.

Đặc biệt, bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tài nguyên thiên nhiên và môi trường, văn hóa, xã hội. Hoạt động du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương nhưng lại có tác động rất lớn đến môi trường và các vấn đề xã hội. Nếu không chú trọng đến công tác bảo tồn, chắc chắn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sẽ bị hủy hoại và thậm chí đi ngược với mong muốn của con người. Do đó, các địa phương phải hết sức coi trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong quá trình phát triển du lịch biển.

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án Đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Nha Trang giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020;

2. Đề án Quản lý và khai thác bãi biển du lịch Đà Nẵng năm 2010;

3. Đề án Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2012-2014;

4. Đặng Thị Nhung (2016), Công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên lĩnh vực du lịch biển ở tỉnh Khánh Hòa, Đề tài cơ sở mã số SX.2013.T31.32.