Tái cơ cấu và phát triển bền vững

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp (DN) tiến hành tái cơ cấu nhằm phát triển.

Tái cơ cấu và phát triển bền vững
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, có thể nói nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất - nhập khẩu có sự ổn định hơn so với năm trước; thị trường bất động sản tuy chưa khởi sắc nhưng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn. Các chính sách của Chính phủ đang thực thi, tuy vẫn ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời cũng áp dụng nhiều giải pháp để tăng tổng cầu, kích thích phục hồi tăng trưởng và thực thi các chính sách nhằm khởi động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, năm 2013, bên cạnh những thách thức vẫn có cơ hội để tái cơ cấu doanh nghiệp, lành mạnh hóa thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển trung hạn và dài hạn. Vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Trong suốt 5 năm phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô, đã làm thị trường mất phương hướng dài hạn.

Với hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra thông qua Nghị quyết 01 và 02 là những nỗ lực cần thiết để lấy lại niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020; trong đó đã phân kỳ giai đoạn 2013 - 2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực: đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty nhà nước. Trong quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp Chính phủ đã đề ra, sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực. Đây là cơ hội các DN cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới.

Thứ hai, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Thứ ba, với lạm phát kỳ vọng 6% - 7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2% - 3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo Đề án của Chính phủ đến năm 2020, DN có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Thứ tư, chắc chắn trong các năm 2013-2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để DN phát triển nguồn nhân lực; thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tái cơ cấu nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay. Vì vậy, với những điều kiện và giải pháp nêu trên, có thể xem đây là thời kỳ mở ra cơ hội cho những DN nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững. Để việc tái cơ cấu đạt hiệu quả, cơ quan chức năng cần xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề cần tái cơ cấu; đồng thời cần có những cơ chế, chính sách linh hoạt để triển khai việc tái cơ cấu.