Tận dụng lợi thế xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang EU

Theo Trang Trần/kinhtevadubao.vn

Châu Âu nằm trong vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới, vì vậy trong thương mại song phương, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang thị trường này.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới. Nguồn: Internet
Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới. Nguồn: Internet

Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương tại Hội thảo xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm sang các thị trường EU và Nhật Bản, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng ngày 7/8 tại Hà Nội.

Nông sản Việt được ưa chuộng tại EU

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có thể sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao, với thế mạnh là một nước nông nghiệp đã và đang hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý II/2018, Việt Nam đã có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, rau quả…

Tính riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Phân tích sâu hơn thực trạng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương nhấn mạnh, châu Âu nằm trong vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới, vì vậy trong thương mại song phương, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang thị trường này. Thực tế cho thấy, các mặt hàng thủy sản, hạt điều, cà phê, đồ gỗ… của Việt Nam được EU khá ưa chuộng với giá trị xuất khẩu cao. Các nước Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan, Italy… là những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam trong khối EU.

Theo ông Trần Ngọc Quân, EU có rất nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại với các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các nước trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, Việt Nam lại có nhiều lợi thế hơn so với nhiều quốc gia khác khi sở hữu nguồn nông sản lớn. Như vậy, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường EU. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia khác, bởi thuế các mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu sang EU sẽ giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7-10 năm.

Đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường châu Âu

Mặc dù vậy, ông Đỗ Kim Lang cho rằng, với hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh thương hiệu, nên xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam tuy nhiều về số lượng, song giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với một loạt rào cản trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi các nước EU có những quy định cao và chặt về mặt dư lượng, kháng sinh và thuốc trừ sâu đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

Cụ thể, các mặt hàng rau quả Việt Nam bị rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu. Ví dụ như, tần suất kiểm tra thanh long hiện là 10% (trước đó là 20%) và các loại rau gia vị tăng lên tới 50%. Không những thế, EU cũng đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị…

Riêng đối với mặt hàng gạo, ông Trần Ngọc Quân cho biết, mặt hàng này của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU hưởng hạn ngạch quan thuế theo diện các nước thành viên WTO (tổng lượng hạn ngạch rất thấp), trong khi Hoa kỳ, Thái Lan, Australia được hưởng hạn ngạch riêng. Không chỉ vậy, Ủy ban châu Âu (EC) còn đang xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của chất propiconazole có thể tồn dư trong lúa gạo từ các chế phẩm thuốc trừ sâu. Đây là một loại thuốc trừ nấm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lúa gạo ở nhiều nước như Hungary, Italia, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam.

Trong khi đó, đối với thủy sản, nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn đang bị đưa vào diện cảnh báo vàng trong quy chế IUU (quy định về phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).

Có thể nói, việc làm sao để đáp ứng những yêu cầu trên được coi là một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Để giải quyết những vấn đề trên, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng, trước tiên các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đảm bảo chất lượng cho toàn bộ chuỗi sản phẩm cung ứng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo các chuỗi sản phẩm để hướng tới các thị trường lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đảm bảo được vấn đề nguồn gốc cho tất cả các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU.

Về phía Nhà nước, thời gian tới, “Bộ Công Thương cũng sẽ xúc tiến các chương trình đưa hàng Việt vào các chuỗi siêu thị châu Âu, kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp Việt kiều”, ông Quân thông tin./.