Tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu nông sản

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2018 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra là khoảng 37 – 38 tỷ USD (tăng 0,63 – 1,63 tỷ USD so với năm 2017). Con số dự kiến tăng dường như vẫn còn “nhẹ nhàng” so với tiềm năng rất lớn của ngành này. Nhưng muốn tăng mạnh hơn nữa, nông sản xuất khẩu còn nhiều việc phải làm để cải thiện năng lực cạnh tranh.

Các DN và nông dân nên có tư duy mới hơn để sản phẩm nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Nguồn: Internet
Các DN và nông dân nên có tư duy mới hơn để sản phẩm nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Nguồn: Internet

Thực ra, nếu nhìn lại số liệu xuất khẩu nông sản trong năm 2017 cũng đã là những kết quả đáng khích lệ. Như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm vừa qua chứng kiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản cao nhất từ trước đến nay – đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016, thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD.

Nhu cầu lớn từ thị trường

Nếu nhìn mặt bằng chung của ngành nông nghiệp thì đây vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là ngành duy nhất có giá trị thặng dư xuất khẩu trên 10 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, những nhận định được ngành nông nghiệp đưa ra vào cuối tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh nhân hội nghị giới thiệu về Agriculture Hub 2018 (một sự kiện thương mại quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2018, tập hợp tất cả các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, từ chăn nuôi, trồng trọt đến công nghệ, máy, thiết bị và kỹ thuật hiện đại) cho thấy giá trị xuất khẩu nông sản hàng năm của Việt Nam luôn có những biến động.

Theo giới chuyên gia, đáng lưu tâm là do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường cũng như hạn chế về công nghệ nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Mặc dù ai cũng biết các sản phẩm nông nghiệp đã có những đóng góp nhất định cho tăng trưởng GDP trong năm 2017.

Đáng chú ý là ngành rau quả với tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với kim ngạch năm 2017 đạt 3,514 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016. 

Không chỉ đạt dấu ấn tăng trưởng cao kỷ lục, đây cũng là năm đầu tiên ngành rau quả xuất siêu gần 2 tỷ USD. Từ các dấu hiệu tích cực trên, ngành rau hoa quả tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết trong 1 – 2 tháng trở lại đây, Bộ đã làm những lễ xuất khẩu lô hàng đầu tiên như lễ xuất lô thịt gà sạch đầu tiên đi Nhật, lễ xuất lô trái thanh long tươi đầu tiên đi Australia (tổ chức ở Long An), lễ xuất lô chanh leo tươi đầu tiên sang EU (tổ chức ở Sơn La), lễ xuất lô hàng vú sữa đầu tiên sang Mỹ (tổ chức tại Tiền Giang). Dự kiến, trong tháng 1/2018, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức lễ xuất lô hàng trái xoài tươi đầu tiên đi Nhật. 

Theo ông Nam, đây là những tin vui cho nông dân và cho các trang trại trồng cây ăn quả. Qua đó cũng cho thấy nhu cầu của thị trường xuất khẩu là rất lớn.

Nên có tư duy mới hơn
Tuy nhiên, ông Nam có lưu ý như việc xuất lô thanh long đầu tiên đi Australia, phía Tham tán thương mại Việt Nam ở thị trường này đã tổ chức lễ đón lô hàng rất tốt, được người tiêu dùng tại đây hào hứng đón nhận. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, bên cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp Australia có gửi một văn bản thông báo với lô hàng thanh long thứ 2, thứ 3 là đã bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Từ câu chuyện này, khi trao đổi với các chủ trang trại, các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, ông Nam cho rằng có 3 vấn đề quan trọng trong cung – cầu nông sản cần nắm rõ. Thứ nhất là phải sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quy định. Thứ hai là thông tin thị trường. Thứ ba là phải có sự chia sẻ lợi ích.

Theo khuyến nghị từ giới chuyên gia, trong năm 2018, điều cần lưu tâm với nông sản Việt là tình trạng hàng xuất khẩu của Việt Nam ít được biết đến và giá trị thấp tại thị trường nước ngoài, Chính phủ cần thực hiện một số biện pháp nhằm khẳng định vị thế và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. 

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số chuyên gia ngành thực phẩm Mỹ cho rằng nông sản Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm những nước khác trong lĩnh vực này. Tại một số nước, những chiến lược như vậy cùng với áp lực cạnh tranh và cơ hội thị trường đã dẫn đến sự phát triển các sản phẩm nông sản riêng biệt và tạo thêm giá trị gia tăng. 

Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ rằng nông nghiệp của chúng ta có 10 sản phẩm đang thuộc tốp dẫn đầu trên thế giới. Nhưng có thể nói đó là những mặt hàng chưa mang lại lợi ích cao cho đất nước vì vẫn là xuất thô, chưa đảm bảo được quy chuẩn thế giới. Nếu xuất khẩu nông sản mà cứ tiếp tục như thế thì sẽ rất khó.

Do đó, theo ông Lượng, cần phải làm rõ là tập trung thế nào cho vùng nông sản xuất khẩu. Như mặt hàng trái chuối, có thể học hỏi cách xuất khẩu chuối sang Nhật của “vua chuối” Võ Quan Huy (Giám đốc công ty TNHH Huy Long An) là điển hình của một nhà nông đáp ứng nhu cầu hội nhập. Hay như ở ngoài Bắc, có ông Thành – một chủ DN đã xuất khẩu chuối đi 6 quốc gia và không đủ sản phẩm để xuất sang những thị trường khác.

Điều quan trọng ở đây là các DN xuất khẩu nông sản và người nông dân nên có tư duy mới hơn để làm sao sản phẩm nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

Chẳng hạn, yêu cầu từ phía một DN xuất khẩu nông sản đối với phía nông dân là trong cả một năm phải đáp ứng đủ sản phẩm cho họ theo đúng tiêu chuẩn chứ DN không thể ký hợp đồng theo mùa vụ.