Tăng trưởng GDP sẽ vẫn mạnh mẽ

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6,4% năm 2018, giảm nhẹ so với mức 6,6% mà tổ chức này dự báo cho năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng ổn định, lạm phát cao hơn

Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 12 trong đó nhận định, cụm từ "tăng trưởng cao, lạm phát thấp" mà người ta thường dùng để nói về kinh tế toàn cầu năm 2017 có thể sẽ thay đổi trong năm tới. Đối với kinh tế Việt Nam, cụm từ mà HSBC sẽ nói tới là “tăng trưởng ổn định, lạm phát cao hơn”. HSBC dự báo, nền kinh tế sẽ ổn định với tăng trưởng nhẹ và lạm phát cao hơn một chút nhưng không cao đến mức khiến NHNN phải lo ngại.

Điều này có nghĩa là các hoạt động kinh tế sẽ diễn ra bình thường mà không có đột biến. NHNN kỳ vọng lạm phát sẽ dưới mức 4% trong năm 2018, còn theo dự báo của HSBC, lạm phát sẽ ở mức khoảng 3,7% - cao hơn mức 3,5% mà HSBC dự kiến cho năm nay.

HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6,4% năm 2018, giảm nhẹ so với mức 6,6% mà tổ chức này dự báo cho năm 2017. Kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ vẫn mạnh mẽ của HSBC là do dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Việt Nam thường dựa vào tăng trưởng của khu vực sản xuất để tăng trưởng kinh tế, bởi đây là một trong những nguồn chính của sản lượng và việc làm.

Kết hợp với sự gia tăng của ngành sản xuất còn là sự khởi sắc trong ngành dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực bán lẻ và giao thông vận tải, nhất là khi mức tiêu thụ trong nước và đi lại của khách du lịch tăng cao hơn. HSBC kỳ vọng hai ngành sản xuất và dịch vụ - hiện đóng góp khoảng 55% GDP – sẽ vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng năm 2018, nhưng điều kiện đi kèm là nhu cầu của môi trường bên ngoài tiếp tục ổn định.

“Sự tăng trưởng ổn định và triển vọng lạm phát vẫn ở mức thấp hàm nghĩa là NHNN sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25%, nhưng có khả năng thắt chặt lên mức 6,50% nếu lạm phát vượt quá mục tiêu 4% đặt ra”, chuyên gia kinh tế Noelan Arbis của HSBC nêu quan điểm. Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu nhìn vào sự không chắc chắn của năm tới thì chính sách tiền tệ của NHNN đang ở “điểm ngọt ngào" (ý nói phù hợp - pv).

“Chúng tôi cho rằng xu hướng chính sách hiện tại của NHNN sẽ vẫn được giữ nguyên nhưng cũng còn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế chính như tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tăng trưởng tín dụng”, báo cáo cho biết.

Trần nợ công sẽ không bị phá vỡ

Giá dầu và lương thực có khả năng tạo ra sự khác biệt về lạm phát trong năm tới. Giá lương thực, đạt đỉnh điểm vào năm 2016 do hạn hán, đã giảm trong năm nay. Nhưng HSBC cho rằng giá lương thực sẽ tăng dần trong năm 2018, đạt đỉnh vào khoảng cuối quý II, đầu quý III. Giá dầu cũng có thể theo một quỹ đạo tương tự, qua đó có thể kéo lạm phát lên mức mục tiêu 4% vào giữa năm. Trong trường hợp lạm phát tăng như vậy, sẽ gây áp lực phải tăng lãi suất, trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng GDP ở mức mục tiêu 6,5% - 6,7%.

Trong khi đó, chi phí chăm sóc y tế tiếp tục tăng lên (mặc dù tốc độ tăng sẽ giảm so với mức cao của năm 2017) vẫn là yếu tố góp phần chính cho lạm phát năm 2018, trong khi đóng góp của lương thực và chi phí vận tải cũng sẽ tăng lên. Tất cả yếu tố như vậy hàm nghĩa là rủi ro lạm phát sẽ nghiêng về hướng tăng.

Báo cáo lần này cũng cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTAs) khiến thu ngân sách thấp hơn. Theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam dự kiến sẽ loại bỏ 700 dòng thuế bổ sung cho hàng hóa của ASEAN vào năm 2018, đưa tổng giá trị cắt giảm thuế của cả nước vào khoảng 97% từ mức 90% vào năm 2015. Trong đó bao gồm cả loại bỏ thuế cho các "hàng hoá nhạy cảm" ô tô và phụ tùng, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, hay các sản phẩm từ sữa. Nhiều mức thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng sẽ được giảm hoặc loại bỏ trong năm tới theo cam kết trong các FTA ASEAN + 1.

Như vậy, mặc dù mang lại lợi ích cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng các FTA cũng làm giảm thu ngân sách, đặc biệt là với những hàng hóa nhập khẩu trước đây chịu thuế cao như ô tô, với các mức thuế suất lên tới 50% vào năm 2015. Theo ước tính của Bộ Tài chính, ngân sách có thể hụt thu khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ 2018 đến 2020 (30,2 nghìn tỷ đồng năm 2018; 36,3 nghìn tỷ đồng năm 2019 và 44 nghìn tỷ đồng năm 2020), tức chiếm khoảng 2-3% tổng thu ngân sách.

“Mặc dù thu ngân sách từ thuế giảm nhưng chúng tôi không nghĩ Chính phủ Việt Nam sẽ vượt mức trần nợ công 65% GDP đã đặt ra, trong bối cảnh nhìn nhận của chúng tôi về triển vọng tăng trưởng kinh tế là ổn định và nỗ lực của Chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách”, báo cáo cho biết. Theo ước tính của HSBC, nợ công trên GDP sẽ rơi vào khoảng 64,4% trong năm tới, với giả định thâm hụt ngân sách sẽ vượt một chút so với mục tiêu 3,7% GDP của Chính phủ. HSBC cũng mong đợi sẽ có một bước tiến nhanh hơn trong việc cổ phần hoá DNNN trong năm 2018, đi cùng với các giải pháp bổ sung về cải cách sẽ được đưa ra.