Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ở mức 5,6-6,2%

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Trong một báo cáo nhận định tình hình kinh tế 2013 và dự báo tình hình kinh tế 2014-2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) đã dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam của 2 năm 2014-2015 với những tín hiệu khá khả quan.

Theo đó, trên cơ sở tính toán (áp dụng mô hình kinh tế lượng) mức tăng sản lượng tiềm năng vào thời điểm hiện tại là khoảng 5,3%, với những nhận định về thuận lợi và khó khăn trên và với giả định tăng trưởng 5,3% và lạm phát 7% trong năm 2013, UBGSTC đề xuất các chỉ tiêu chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế năm 2014-2015 (có bảng số liệu minh họa dưới đây).

 Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ở mức 5,6-6,2%  - Ảnh 1
Nguồn: Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Cũng theo UBGSTCQG, trong 2 năm 2014 và 2015 tới, mục tiêu tổng quát của nền kinh tế nước ta là “Kiên trì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng hợp lý; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt được nền tảng vững chắc để tạo đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo”.

UBGSTCQG đã phân tích, việc kiểm soát lạm phát 2014-2015 khá thuận lợi do nền kinh tế vĩ mô 2013 đã được duy trì ổn định, với tổng cầu trong phạm vi kiểm soát, không gây áp lực lớn lên lạm phát và giúp ổn định kì vọng về lạm phát của dân chúng; Giá giá hàng hóa thế giới được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm, trong hai năm tới. Ngân hàng thế giới dự báo trong năm 2014-2015, giá năng lượng giảm tương ứng 1% và 0,8%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm tương ứng 0,3% và 0,9%.

Tuy nhiên, việc này cũng sẽ gặp một số trở ngại, gồm: áp lực điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản (giá than và điện) và dịch vụ công vẫn lớn; Nhập khẩu có thể tăng cao hơn năm 2013 với xu hướng tăng trưởng khá hơn; Lãi suất và tỷ giá USD/VND tăng do những thay đổi chính sách tiền tệ của FED và một số nước có thể tác động phần nào đến cung cầu ngoại tệ và qua đó gây sức ép lên tỷ giá. Tuy nhiên, áp lực trên có thể được giảm bớt do chính sách kiểm soát ngoại tệ và quản lý thị trường vàng đang phát huy hiệu quả.

Đối với tăng trưởng kinh tế, việc ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới cũng như khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng TPP được kí kết trong năm 2015. Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã triển khai trong thời gian qua sẽ phát huy tác dụng trong năm tới, và những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính cải thiện và nâng cao khả năng cấp tín dụng. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, mặc dù kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng khá hơn trong 2014-2015 nhưng với mức tăng thấp đồng thời vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như vấn đề nợ công ở châu Âu hay suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Hơn nữa, doanh nghiệp trong nước vẫn còn khó khăn, nhất là khu vực nông nghiệp. Cộng với việc cân đối ngân sách nhà nước (NSSN) tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển (30% GDP), trong khi tăng trưởng kinh tế trong 2014 vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư do chưa cải thiện được nhiều năng suất và hiệu quả. Những khó khăn này đòi hỏi phải có những chính sách điều hành, quản lý linh hoạt để duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên cơ sở đó, UBGSTCQG cũng yêu cầu cần tập trung làm tốt hai nhóm giải pháp. Trước mắt, trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất kích thích kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần được quan tâm (không nên thấp dưới 30%GDP) để tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Kế đến, trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2-3 năm tới để tạo bước chuyển biến mới. Bên cạnh đó, trong vài năm tới, xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng do đó việc thu hút vốn FDI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, về mặt dài hạn cần có những giải pháp từng bước cải cách khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời hỗ trợ công nghiệp và khu vực doanh nghiệp trong nước.