Tạo động lực mới để thu hút FDI "cất cánh"


Những năm qua, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã phát huy tính tích cực, giúp Việt Nam đạt nhiều thành công trong thu hút vốn FDI. Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để khơi thông dòng vốn này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các Báo cáo đánh giá gần đây của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc đều nhận định, Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.

Cụ thể, năm 2019, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là 16,75 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 15,47 tỷ USD.

Tính riêng tháng 1/2020, tổng vốn FDI (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 5,3 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó có 258 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,5 tỷ USD, tăng 14,2% về số dự án và tăng 454,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Các kết quả trên có được là nhờ Việt Nam liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thu hút, quản lý FDI vào Việt Nam, tiêu biểu như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp cùng với các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích DN FDI đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, các chính sách liên quan đến DN FDI đều tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư đã đề cập cụ thể 13 nhóm lĩnh vực và 3 loại địa bàn được ưu đã đầu tư; quy định rõ điều kiện, thủ tục, quy trình đăng ký kinh doanh cũng như hình thức đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư…

Đồng thời, bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật. Quy định này khiến nhà đầu tư nước ngoài vững tin hơn khi tham gia đầu tư vào Việt Nam. Về quy trình, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư, do có sự nỗ lực trong cải cách hành chính nên đã giảm đáng kể thời gian và chi phí cho DN FDI…

Đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các văn bản hướng dẫn cũng quy định cụ thể các mức ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thống nhất chung cho tất cả các loại hình DN; bãi bỏ các quy định về thuế TNDN bổ sung; bãi bỏ quy định về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Việc cắt giảm thuế quan hàng năm theo các cam kết khu vực và quốc tế đối với các nguyên vật liệu thô cũng giúp cho các DN trong đó có DN FDI cắt giảm đáng kể một phần chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh về giá cho sản phẩm.

Song song với đó, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cùng thống nhất quan điểm xoá bỏ sự phân biệt giữa các loại hình DN trong cơ hội tiếp cận, sử dụng đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động sử dụng đất đai.

Thời gian tới, nhằm tạo xung lực thu hút FDI của Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán và đối xử công bằng với tất cả các loại DN; hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo DN đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi...

Đồng thời, tiếp tục có chính sách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; thống nhất toàn bộ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành.

Cùng với đó, chính sách ưu đãi về đất đai sẽ tiếp tục được rà soát, hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước.