Tập trung nâng cao sức cạnh tranh

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Không chỉ xếp hạng chung của nước ta trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2013 được tăng lên, mà một số chỉ số cũng được tăng về thứ hạng.

Tập trung nâng cao sức cạnh tranh
Xếp hạng nôi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên. Nguồn: internet
Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB năm 2013, xếp hạng của Việt Nam tăng 5 bậc, lên vị trí 70/148 quốc gia và lãnh thổ do đã cải thiện được các chỉ số môi trường kinh tế vĩ mô, lạm phát trở về mức một con số, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 22 tỷ USD… Nhưng việc nhiều chỉ số cụ thể bị giảm thứ hạng, xếp ở mức thấp đòi hỏi những hành động cụ thể để tăng lợi thế cạnh tranh. Và đó cũng là quyết tâm của TP. Hà Nội trong năm 2014.

Nhiều giải pháp cho một bài toán

Không chỉ xếp hạng chung của nước ta trong báo cáo Môi trường kinh doanh của WB năm 2013 được tăng lên, mà một số chỉ số cũng được tăng về thứ hạng. Cụ thể, chỉ số chất lượng cơ sở hạ tầng (xếp thứ 82), hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74) do các rào cản thương mại, thuế quan cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số chỉ số được xếp ở mức thấp, kém cạnh tranh trong tổng số 185 nước được khảo sát như bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (vị trí 169), xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (149), nộp thuế (138)...

Thực tế, dù mức xếp hạng được tăng thêm 5 bậc thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN. Năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện, thậm chí có xu hướng giảm. Vì vậy, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay trong năm 2014, các bộ, ngành phải tìm được nguyên nhân khiến một số chỉ số cạnh tranh giảm và đề ra chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể nhằm cải thiện sức cạnh tranh cả  trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Và một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 là tạo môi trường vĩ mô tốt hơn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

Trong hạn mức bội chi ngân sách được phê duyệt, các bộ, ngành phải tìm các nguồn lực để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... Bên cạnh thị trường nội địa, việc khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam cũng đang đặt ra cấp bách khi mà nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực…

Ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư

Là thành phố có môi trường cạnh tranh quyết liệt với số lượng doanh nghiệp (DN) lớn (khoảng 95.000 DN đang hoạt động) nên DN khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại Hà Nội có nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ công, đất đai và thực hiện các thủ tục hành chính so với các tỉnh, thành khác. Một số thủ tục có hiện tượng quá tải như thuế, đăng ký DN, hải quan, bảo hiểm… làm DN mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại...

Trên cơ sở những tồn tại này, năm 2014, Hà Nội đề ra những giải pháp nhằm tăng cường, khuyến khích tính năng động và tiên phong của các cấp chính quyền, sở, ngành; đặc biệt là việc đa dạng hóa các kênh đối thoại trực tiếp, những diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo thành phố với các DN, hiệp hội… qua đó giải quyết kịp thời những khó khăn của DN trong quá trình sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị và địa phương vi phạm, đặc biệt là đối với những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và DN.

Ngoài ra, năm 2014, Hà Nội cũng đặt mục tiêu thu hút 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đi cùng với mục tiêu này, thành phố cũng đã đề ra một loạt các giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư theo hướng bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư. Hà Nội cũng đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư tạo cơ sở thuận lợi để nhà đầu tư nghiên cứu và lập dự án… Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, Hà Nội cần mạnh dạn hơn, chủ động và năng động hơn, tạo ra nhiều cơ chế, chính sách đột phá hơn, gương mẫu đi đầu cả nước về quản lý Nhà nước cả về đô thị, doanh nghiệp và môi trường.

Tại phiên họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trọng tâm trong năm 2014 là phải xác định những lĩnh vực có thể làm được ngay, cải thiện được ngay, tốn ít kinh phí cùng với những giải pháp đầu tư dài hạn. Đồng thời, thực hiện tốt thông điệp của Chính phủ là cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.