Tập trung ưu tiên phát triển thị trường nội địa

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong phát triển thị trường nội địa, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh một số hoạt động trong công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 Tập trung ưu tiên phát triển thị trường nội địa
Hà Nội hiện có 414 chợ, 26 trung tâm thương mại, 122 siêu thị. Nguồn: internet
Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, mạng lưới hạ tầng thương mại nội địa của Thủ đô Hà Nội cũng được mở rộng và có bước phát triển vượt bậc.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 414 chợ, 26 trung tâm thương mại, 122 siêu thị, trong đó nhiều công trình hạ tầng thương mại có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung nguồn hàng, tiêu thụ, cung cấp hàng hóa cho thị trường Hà Nội và khu vực Đồng bằng Bắc bộ.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn, nên nhu cầu hàng hóa thấp, sức mua giảm. Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên địa bàn Thủ đô vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, tình hình cung cầu hàng hóa được đảm bảo, giá cả thị trường trên địa bàn ổn định. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trung bình giai đoạn 2008-2012 đạt gần 229 nghìn tỷ đồng/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 24,4%/năm, chiếm tỷ trọng 14,2% của cả nước.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn Thành phố vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, như sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn về tốc độ phát triển của hệ thống hạ tầng thương mại; hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn một số quận, huyện, khu đô thị mới còn thiếu dẫn đến việc hình thành chợ cóc gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Mặc dù chợ là loại hình thương mại công cộng nhưng không được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư (trừ chợ đầu mối), phải đóng phí sử dụng đất thương mại như các loại hình thương mại khác gây khó khăn khi thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, đặc biệt là chợ dân sinh.

Ngoài ra, Thành phố cũng chưa phát triển hệ thống chợ đầu mối, chợ chuyên doanh với quy mô đủ lớn để tập trung, thu hút hàng hóa từ các tỉnh, thành khu vực Bắc bộ và trên phạm vi cả nước để phân luồng, phân phối cho khu vực Hà Nội.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, xây dựng thuộc hệ thống hạ tầng thương mại của Thành phố, trong đó có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp với Sở Công Thương sớm hoàn thiện danh mục dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại.

Trong công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Hồng Thăng cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì tổ chức thực hiện khảo sát thực tế, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng và trình phê duyệt các quy hoạch về phát triển thương mại, trong đó xác định danh mục các dự án trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở để xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, kế hoạch và định hướng phát triển các loại hình hạ tầng thương mại, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành rà soát quỹ đất, bố trí, dành quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thương mại.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cũng kiến nghị Bộ Công Thương trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó tập trung vào công tác gắn sản xuất với lưu thông, với nhu cầu thị trường. Đồng thời, để hàng hóa trong nước không bị lép vế so với hàng hóa nhập khẩu ngay trên thị trường nội địa, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa cũng cần gắn liền với du lịch, văn hóa để quảng bá sản phẩm nội địa ra bên ngoài.