Xuất, nhập khẩu hàng hóa:

Thách thức còn ở phía trước

Q. Sơn

Vượt qua những khó khăn từ những tác động xấu của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá, xuất siêu đạt 2 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đằng sau kết quả tăng trưởng này còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức…

2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng  hóa Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019.
2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất siêu gần 2 tỷ USD

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu dù chịu tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19 song vẫn có sự tăng trưởng khá. Trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 20,8 tỷ USD, đưa kim ngạch trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 39 tỷ USD, tăng 8,4% (tương đương hơn 3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Điểm mặt, sự đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu nổi bật là: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng… với tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Trong đó, điện thoại và linh kiện tăng hơn 900 triệu USD (tương đương 12,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng hơn 1,6 tỷ USD (tương đương 27,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng hơn 630 triệu USD (tương đương 25,3%).

Riêng 3 nhóm hàng nêu trên đóng góp kim ngạch tăng thêm khoảng 3 tỷ USD, tương đương mức tăng thêm của xuất khẩu cả nước trong 2 tháng đầu năm.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa đạt kim ngạch gần 37,3 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2019. Hết tháng 2, Việt Nam xuất siêu gần 2 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và sớm có hiệu lực. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020.

Tiềm ẩn nhiều khó khăn

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính nhập siêu 176 triệu USD. Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam.

Trước tình hình này, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Nếu dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác.

Hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như: May mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong tháng 2/2020 bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19.

Đến thời điểm hiện nay, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, cũng có nhiều động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới như Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Qua đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Cùng với đó, sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định EVFTA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại. Đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19…