Thành tựu kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019

Theo tapchicongsan.org.vn

Kết thúc năm 2018, mức tăng trưởng 7,08% cho thấy kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước trong một năm đầy khó khăn và biến động của kinh tế thế giới...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những thành tựu nổi bật của năm 2018

Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng: 48,6%; khu vực dịch vụ: 42,7%.

Điểm nổi bật trong năm 2018 là chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt, thông qua các chỉ số sau:

- Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5%, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011 - 2015.

- Năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017.

- Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) đang dần được cải thiện, từ mức 6,42 năm 2016 giảm xuống còn 6,11 năm 2017 và là 5,97 năm 2018.

Kim ngạch xuất nhập khẩu

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2018 đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trong đó có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD.

Tính cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa thiết lập mức kỷ lục mới với 482,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều mức xuất siêu 2,1 tỷ USD của năm 2017, vượt xa mục tiêu Quốc hội đề ra là tỷ lệ nhập siêu dưới 3%.

Khu vực doanh nghiệp có nhiều khởi sắc

Theo Cục Đăng ký kinh doanh, năm 2018 cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký. Đây là năm thứ tư liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2018 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886.892 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017.

Cũng trong năm 2018, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 34.010 doanh nghiệp, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu phần nào cho thấy khung khổ pháp lý thông thoáng về môi trường kinh doanh cùng những giải pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đã có tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư, giúp tăng cường sự tham gia, đóng góp của khối tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Như vậy, với những con số hết sức “ấn tượng” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp thành lập mới, quy mô doanh nghiệp, cùng với số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Chủ trương và hành động của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh

Trong năm 2018, Chính phủ không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp tục triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ, như Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 6/2/2017, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, ngày 15/5/2018, về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư...

Trên cơ sở những nỗ lực của Chính phủ, xếp hạng của Việt Nam trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới đã có những cải thiện đáng kể. Năm 2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang điểm 100, thấp hơn 1 bậc so với năm 2017, nhưng nhiều tiêu chí được cải thiện, như thành lập doanh nghiệp, xin giấy phép xây dựng, tiếp cận điện năng, nộp thuế, thực thi hợp đồng.

Đổi mới sáng tạo có nhiều điểm nhấn nổi bật

Hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được các cơ quan chức năng quyết liệt xây dựng, ban hành: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017, cùng các nghị định, thông tư dưới luật đã thể hiện quyết tâm của các cơ quan chức năng trong đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thể không kể đến sự chung tay, hỗ trợ của các tập đoàn lớn, các ngân hàng, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đến hết năm 2018, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với số liệu năm 2015. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 cho thấy, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng, tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 2016.

Thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều khởi sắc

Năm 2018, đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút 3.046 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, tăng 17,6% về số dự án và giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 1.169 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7.596,7 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.

Lạm phát được kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước; CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra; CPI tháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017. Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017.

Nguồn: Tổng cục Thống kê và dự báo của NCIF tháng 12-2018
Nguồn: Tổng cục Thống kê và dự báo của NCIF tháng 12/2018

Dự báo triển vọng tăng trưởng và nhận diện các rủi ro cho nền kinh tế trong năm tới

Tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, nền kinh tế năm 2019 tiếp tục hưởng lợi từ những động lực của nền kinh tế, cụ thể là:

- Diễn biến kinh tế thế giới có nhiều yếu tố là hậu thuẫn tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm: triển vọng tăng trưởng khả quan của kinh tế thế giới, trong đó đặc biệt từ triển vọng kinh tế Mỹ; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang được đẩy nhanh.

- Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Chính phủ đang nỗ lực “kiến tạo” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

- Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được đàm phán, ký kết, 10 FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam.

Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia xây dựng hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 (xem bảng 1). Trong đó, kịch bản cơ sở là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Một số rủi ro của nền kinh tế trong năm 2019 có thể kể đến là:

Các rủi ro lớn từ bên ngoài

Thứ nhất, mâu thuẫn gia tăng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đang đẩy nền kinh tế Việt Nam tới những thách thức và rủi ro.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nếu leo thang và mở rộng với sự tham gia của nhiều nước thì sẽ đặt các nước có nền kinh tế nhỏ, mở vào tình thế rủi ro cao vì tốc độ tăng trưởng, việc làm, đầu tư của các nền kinh tế nhỏ, mở phụ thuộc vào quy mô thương mại của các nước này với thế giới. Hơn nữa, trường hợp Việt Nam là tương đối đặc biệt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất. Trong nhiều sản phẩm, Việt Nam là nước trung gian của chuỗi giá trị, nghĩa là nhập khẩu các đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất, gia công, lắp ráp sản phẩm rồi xuất khẩu sang Mỹ. Và như vậy, những căng thẳng trong thời gian gần đây giữa hai nền kinh tế “khổng lồ” sẽ đặt nền kinh tế nước ta vào mức độ rủi ro lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thứ hai, phong trào “áo vàng” ở Pháp rung lên hồi chuông cảnh báo đến độ nhạy cảm của sự gia tăng thuế đến ổn định xã hội.

Việc Chính phủ Pháp tăng giá xăng dầu đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình tại Pa-ri vào đầu tháng 12/2018. Tăng giá xăng dầu - để bảo vệ môi trường và cân bằng ngân sách - đã đặt lên vai người nghèo ở Pháp nhiều gánh nặng hơn. Cho dù Chính phủ Pháp tuyên bố tạm ngừng kế hoạch tăng thuế nhiên liệu để xoa dịu cơn giận dữ của người biểu tình, nhưng những cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và căng thẳng.

Tình hình của Pháp có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp cũng như đem lại bài học kinh nghiệm cho nước ta ở 2 khía cạnh: Một là, nền kinh tế Pháp là nền kinh tế lớn của châu Âu, do đó nền kinh tế Pháp bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu nói chung và ảnh hưởng nhất định đến nhập khẩu hàng hóa từ nước ta. Hai là, việc tăng giá xăng dầu liên tục sẽ ảnh hưởng đến người nghèo lớn hơn so với người giàu.

Thứ ba, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta và tỷ giá hối đoái của đồng VND ở mức độ nhất định.

Ngày 19/12/2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp và tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Như vậy, đây là lần thứ 4 trong năm 2018 và là lần thứ 9 kể từ tháng 12/2015 FED tăng lãi suất. FED tăng lãi suất do e ngại lạm phát của Mỹ vượt quá mục tiêu 2% và thị trường việc làm của Mỹ đang tiến triển tương đối tốt.

Với lần tăng lãi suất này, tăng trưởng kinh tế của Mỹ được dự báo giảm (nhưng không đáng kể) và điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta (nhưng có thể sẽ không lớn). Ngoài khả năng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, việc FED tăng lãi suất có thể tác động đến tỷ giá hối đoái giữa VND với USD hay EUR.

Các hạn chế từ bên trong nền kinh tế

Một là, dư địa chính sách tài khóa còn hẹp, chưa đủ không gian để phản ứng trước các cú sốc tiêu cực từ bên ngoài.

Phần lớn nhất của chi ngân sách là chi thường xuyên, trong đó có chi cho bộ máy, con người. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã nỗ lực tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, nhưng số cán bộ biên chế năm 2018 vẫn tăng so với năm 2017. Và như thế, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách sẽ càng khó giảm mạnh. Để giảm bội chi ngân sách, Chính phủ cần tăng thu.

Tăng thu ngân sách trong thời gian tới là rất khó khăn. Chính sách tài khóa (thông qua thuế và chi tiêu ngân sách) được coi là công cụ quan trọng để phản ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhưng với chi ngân sách chưa thể giảm, thu ngân sách chưa thể tăng mạnh và thâm hụt ngân sách chưa có sự cải thiện đáng kể thì không gian sử dụng chính sách tài khóa để phản ứng trước các biến động của nền kinh tế sẽ bị thu hẹp.

Hai là, dư địa cho chính sách tiền tệ không còn lớn.

Dư địa cho thực hiện chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng hay phản ứng trước các cú sốc bên trong cũng như bên ngoài chưa thực sự lớn vì một số lý do sau:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ khó có thể mở rộng để giảm lãi suất nhằm giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất vì lãi suất đang ở mức cao như hiện tại không hoàn toàn do chính sách tiền tệ nới lỏng hay thu hẹp mà do các yếu tố khác như nợ xấu. Vì thế, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng không những không làm giảm lãi suất mà có thể còn làm tăng tỷ lệ nợ xấu và kích hoạt lãi suất tăng hơn nữa.

Thứ hai, chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng nhanh sẽ đặt nền kinh tế vào rủi ro lạm phát. Do đó, chính sách tiền tệ mở rộng sẽ tạo ra rủi ro lạm phát cho nền kinh tế.

Ba là, chính sách ban hành nhiều, nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở nhau, quá trình thực thi chính sách yếu.

Theo tổng kết của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hiện có quá nhiều chính sách trong khi đó khâu thực thi chính sách lại rất yếu. Có nhiều chính sách không chỉ tạo ra các vấn đề như nêu trên mà còn là mảnh đất màu mỡ để nhóm lợi ích trục lợi: các nhóm lợi ích (ở cả cấp độ bộ, ngành hay địa phương) sẽ áp dụng chính sách nào có lợi cho họ.

Một số kiến nghị chính sách

Từ các phân tích trên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững nền kinh tế trong các năm tới, Chính phủ cần thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Về ổn định kinh tế vĩ mô

Củng cố và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần được coi là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2019. Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu lạm phát dưới 4% và bảo đảm tính thanh khoản trên thị trường tài chính.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục theo dõi động thái của FED và những diễn biến trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, hoạt động tăng lãi suất của một số ngân hàng trung ương trên thế giới để có những phản ứng điều chỉnh chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá hối đoái cho phù hợp, kịp thời.

Thứ hai, chính sách tài khóa cần hướng đến mục tiêu tiếp tục giảm bội chi ngân sách. Giảm bội chi ngân sách gồm hai phần: tăng thu và giảm chi.

Tăng thu ngân sách cần hướng tới mục tiêu giảm thiểu những khoản thất thu, tăng cường “bít lỗ hổng” trong quá trình thu ngân sách để các khoản thuế từ doanh nghiệp và người dân trực tiếp đi vào ngân sách nhà nước thay vì bị “rò rỉ”. Về phần chi ngân sách nhà nước, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, nhất là ở các khoản chi thường xuyên và các khoản đầu tư vào các dự án.

Thúc đẩy thực thi chính sách

Thứ nhất, rà soát các chính sách để xem chính sách nào tốt nhưng không được thực hiện, chính sách nào không bám sát thực tiễn và chính sách nào vướng mắc lẫn nhau để từ đó có các biện pháp tháo gỡ.

Thứ hai, giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành trong việc thiết kế và triển khai chính sách. Từng bộ, ngành có bộ phận đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi của từng giải pháp, chính sách. Nếu chính sách nào không thực thi được vì vướng mắc với các quy định, chính sách của các bộ khác thì Thủ tướng Chính phủ có thể giao hoặc trực tiếp chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các vướng mắc.

Thứ ba, thiết kế chính sách trong bối cảnh hiện nay cần có sự tương tác giữa cơ quan hoạch định, bộ máy thực hiện và đối tượng thụ hưởng hay đối tượng chịu tác động. Cách tiếp cận đa chiều trong hoạch định chính sách làm cho các chính sách được ban hành bám sát thực tiễn và mang tính khả thi cao, khả năng được thực hiện sẽ nhanh chóng và hiệu quả.

Hạn chế nguồn gốc có thể tạo nên căng thẳng xã hội

Hiện nay, hai nguồn có khả năng tạo nên những bất ổn xã hội lớn nhất của nước ta là đánh thuế môi trường đối với xăng dầu và trạm thu phí BOT. Vì vậy, doanh nghiệp hay người dân chỉ có thể phản ứng tiêu cực hơn qua các cách thức phi kinh tế chứ không phản ứng bằng cách giảm tiêu dùng các mặt hàng này được.

Để giảm khả năng tạo ra những căng thẳng xã hội từ hai nguồn là tăng giá xăng dầu và thu phí BOT, Chính phủ cần:

Thứ nhất, minh bạch trong việc sử dụng thuế môi trường thu được vào mục đích môi trường (như tên của thuế) và minh bạch trong việc đấu thầu các dự án BOT, minh bạch trong việc định giá, thu - chi liên quan đến dự án BOT.

Thứ hai, lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm (thông qua các cuộc hội thảo, thảo luận, qua các diễn đàn trao đổi đa dạng khác nhau) để việc thay đổi trong cách điều hành, điều chỉnh thuế, giá xăng dầu và dự án BOT hợp tình, hợp lý.

Thứ ba, tạo cơ chế để lắng nghe tiếng nói của những người chịu tác động, để tiếng nói của họ đến được những cơ quan hoạch định chính sách có thẩm quyền. Sau đó, các cơ quan quản lý cần tạo ra không gian đối thoại để cải thiện tình hình trước khi có những thay đổi chính sách.

Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh bền vững

Để thúc đẩy hơn nữa quá trình cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, cần:

Thứ nhất, tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con và loại bỏ những thủ tục đầu tư, kinh doanh không cần thiết. Trong khi việc thiết lập các tiêu chí cụ thể, rõ ràng để phân loại những thủ tục nào buộc phải cắt giảm, những thủ tục nào để lại thì có thể giao cho các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra danh sách các thủ tục hành chính cần cắt bỏ và sau đó giao lại cho các bộ, ngành lĩnh vực liên quan giải quyết, xử lý.

Thứ hai, giám sát các bộ, ngành thực hiện cắt giảm thủ tục đăng ký kinh doanh thực chất. Cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép nhưng không làm giảm chi phí gia nhập nền kinh tế, chi phí hoạt động và thậm chí chi phí thoát khỏi nền kinh tế của doanh nghiệp thì những cắt giảm đó sẽ chỉ mang tính hình thức và thiếu hiệu quả.

Thứ ba, thiết kế các kênh đa dạng khác nhau để lắng nghe đầy đủ, toàn diện, trung thực nhất tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp. Nên có các quy định cụ thể để chính quyền địa phương định kỳ gặp gỡ với cộng đồng các doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói về những khó khăn, vướng mắc, mong mỏi từ các doanh nghiệp, và cần có những cam kết cụ thể, lộ trình rõ ràng để giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp. Cách làm này sẽ phần nào hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tăng cường đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi một cách căn bản các ngành, nghề khác nhau và đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Cùng lúc đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đem đến cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cơ hội để vượt lên và đưa nền kinh tế theo hướng phát triển mới dựa trên khoa học - công nghệ. Trước mắt, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý cho nền kinh tế số; hoàn thiện hệ sinh thái cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trung tâm là nơi tập trung các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong một hoặc một vài lĩnh vực được lựa chọn vào một môi trường phù hợp cho hệ sinh thái phát triển. Điều tiên quyết là các trung tâm này phải là nơi có môi trường kinh doanh rất tốt và các chính sách cạnh tranh để thu hút các công ty đến đặt trụ sở cũng như thu hút nhân tài đến làm việc. Ngoài ra, trung tâm cần là nơi để các công ty với quy mô khác nhau có thể tiếp cận các nguồn lực cần thiết cũng như tiếp cận với thị trường.

Ở Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có thể lựa chọn các lĩnh vực: Một, là hạt nhân đổi mới cho lĩnh vực sản xuất thông minh và phát triển sản phẩm cho các nhà máy tương lai với hàm lượng tự động hóa ngày càng nhiều. Hai, nơi thúc đẩy ứng dụng và phát triển sản phẩm/dịch vụ cho các thành phố thông minh với môi trường bền vững. Ba, Trung tâm cũng có thể trở thành nơi thúc đẩy ngành truyền thông số. Bốn, là nơi phát triển các ứng dụng an ninh mạng cho cả các cơ quan chính phủ cũng như các công ty, doanh nghiệp, người dân...