Tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp: Quyết liệt tái cơ cấu toàn diện

Theo Thông tin Tài chính

Theo một số ý kiến, cần xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tri thức hóa nền nông nghiệp Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn ngắn hạn và cả trung hạn, đồng thời tiếp tục ưu tiên đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

Sau một thời gian tăng trưởng khá nhanh, trong 5 năm gần đây, nông nghiệp bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt, sau năm 2014 tăng trưởng rõ rệt, thì 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông - lâm - nghiệp và thủy sản quý I/2015 chỉ đạt 2,14%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2014 (2,37%) và là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Sản xuất nông nghiệp hiện còn mang tính tự phát, chưa liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ. Chất lượng sản phẩm nông sản còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu. Khối lượng sản phẩm sản xuất còn nhỏ, manh mún.

Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm đang là một trong những khó khăn hàng đầu đối với nông nghiệp. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khó khăn trong tiêu thụ nông sản đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tình hình tiêu thụ nông sản trên thị trường thế giới chậm được cải thiện, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến cho sản xuất không gắn tiêu thụ là đứt gẫy trong liên kết bốn nhà.

Trong năm 2014, đã triển khai thực hiện liên kết sản xuất đối với cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân trên diện tích 72.000 héc-ta, song, chỉ có 45.000 héc-ta thành công, còn lại “bỏ cuộc” giữa chừng. Tình trạng trên có nguyên nhân do doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đã nêu ra thực tế là hệ thống doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất mỏng, chỉ chiếm 3,5% tổng số doanh nghiệp toàn quốc, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ và chế biến, 89% quy mô nhỏ và 83% là siêu nhỏ, lĩnh vực trồng trọt chỉ có 910 doanh nghiệp, chăn nuôi là 470 và nghiên cứu phát triển giống là 187 doanh nghiệp. Trong số lượng doanh nghiệp nông nghiệp còn ít ỏi như vậy, chỉ có một bộ phận doanh nghiệp thực sự có năng lực về tài chính, có kho tàng, có cơ sở chế biến có thể thực hiện liên kết.

Bên cạnh đó, các tổ hợp tác và hợp tác xã cũng chưa nhiều nên chưa tạo liên kết và làm trung gian giữa doanh nghiệp với nông dân. Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp đã được ban hành và thực thi, song, hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp… triển khai chậm chạp, gặp nhiều vướng mắc, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng miền, địa phương. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những bất cập.

Theo đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng nhằm hỗ trợ cho nhân dân mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, song, quá trình thực thi còn những hạn chế. Nguyên nhân chính là do một số quy định về vay vốn không phù hợp. Việc thu hút các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ cao, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gặp khó khăn.

Theo số liệu điều tra giai đoạn 2006 - 2012, quy mô cho vay nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 13,6% tổng dư nợ và có tới 85,3% số doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Chính sách tín dụng mới năm 2013 - 2014 tuy có nhiều cải thiện, nhưng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả thực tiễn, vì người sản xuất chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cộng với yếu tố rủi ro nên doanh nghiệp, hộ nông dân vẫn còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng cả về số lượng, thời gian cũng như chu kỳ sản xuất cho phù hợp.

Tái cơ cấu chậm

Theo kế hoạch, đến năm 2015, ngành nông nghiệp phải cơ bản thực hiện, song, tái cơ cấu và đẩy mạnh chuỗi liên kết ngành với sự tham gia của bốn nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp), nhưng đến tháng 6/2015, mới chỉ 36/63 địa phương có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết bốn nhà bị đứt gẫy trong khi nghịch cảnh được mùa, rớt giá vẫn là nỗi ám ảnh với người nông dân, khó thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân khiến cho các địa phương chậm ban hành đề án tái cơ cấu là do cách nhìn nhận chưa đầy đủ về tái cơ cấu. Tái cơ cấu không chỉ là sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mà phải bắt đầu từ thay đổi cách tiếp cận đối với nền nông nghiệp và phải làm thay đổi khuôn khổ căn bản để định hướng lại cho nền nông nghiệp, để làm cho nền nông nghiệp phát triển có hiệu quả hơn và bền vững hơn. Với tầm nhìn như vậy, một số kế hoạch và đề án của các địa phương làm chưa đủ khi chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không thay đổi thị trường hay tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, mặc dù, Chính phủ có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.

Thách thức từ hội nhập

Năm 2015, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh với việc ký hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - Hàn Quốc, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán FTA với các đối tác lớn trên thế giới, gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, tiến tới kết thúc đàm phán TPP...

Hội nhập sẽ mở ra cơ hội cho nền kinh tế nói chung cũng như khu vực nông nghiệp nói riêng. Theo đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), song song với những cơ hội thì nền kinh tế đất nước đang đứng trước những thách thức không nhỏ mà chúng ta đang vướng phải, đó là về năng lực quản lý, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn thấp, thiếu chiến lược rõ ràng trong tương lai, đặc biệt chưa có sự chuẩn bị tốt cho hội nhập quốc tế, trình độ sản xuất của nông dân lạc hậu, manh mún, thiếu thông tin về thị trường thế giới và khu vực.

Nếu không sớm khắc phục những hạn chế trên thì nông nghiệp Việt Nam không những không thể vượt qua các rào cản kỹ thuật ngặt nghèo của các thị trường khó tính mà còn khó giữ vững được thị trường trong nước.

Tăng cường chuỗi liên kết

Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo đồng bộ việc xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa, tổ chức hệ thống nội thương và tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Cần có dự báo và cập nhật nhu cầu thị trường cả nội thương và xuất khẩu để làm căn cứ, định hướng quy hoạch, hướng dẫn sản xuất, nhưng kiểm tra thực hiện quy hoạch phải có hiệu lực, quản lý điều hành sản xuất một cách tốt hơn, tránh đầu tư quy mô tràn lan nhưng không gắn với thị trường, dẫn đến khủng hoảng thừa khiến người dân bị thiệt hại.

Để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân, đại biểu Lê Thị Yến kiến nghị, tạo cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp.

Hợp tác xã nông nghiệp sẽ đứng ra liên kết với doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, nông dân đóng góp sức lao động để tao ra chuỗi liên kết giữa người dân với người dân và giữa người dân với doanh nghiệp. Như vậy, sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến giảm chi phí đầu vào, tìm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Về giải pháp cho nền nông nghiệp vươn lên thích ứng thích ứng các điều kiện mới ngày càng cao hơn của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhấn mạnh những giải pháp về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Theo đó, Chính phủ và bộ, ngành có chính sách tích cực hỗ trợ nông dân trong điều kiện tiếp cận thuận lợi vốn vay, kỹ thuật, thông tin thị trường, định hướng sản xuất, liên kết sản xuất, công nghệ bảo quản sản phẩm, cơ sở hạ tầng và những chính sách dài hơi mang tính chiến lược, nâng tầm nông dân, nhất là đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên ngành xuyên suốt, đồng bộ và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, quan tâm, nâng cao năng suất lao động tổng hợp để sản phẩm Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường ngoài nước, đặc biệt là hệ thống phân phối trong nước đang bị các đối thủ nước ngoài cạnh tranh rất quyết liệt hiện nay. Nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện cánh đồng mẫu lớn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ có chính sách hỗ trợ và đầu tư vào khoa học công nghệ giúp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có chính sách về hỗ trợ hạ tầng tới 70%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp các địa phương triển khai xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Đối với nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị, cần đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, đáp ứng cả trung và dài hạn.

Nhà nước cần có chính sách hữu hiệu nhằm thu hút phát triển số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là phát triển doanh nghiệp quy mô lớn và vừa, doanh nghiệp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, nghiên cứu phát triển giống công nghệ cao là một vấn đề hết sức ưu tiên trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế liên kết kinh tế vùng cho nông nghiệp, chính sách ưu tiên tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng 0. Thực hiện xã hội hóa tối đa đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quyết liệt tái cơ cấu đồng bộ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu không chỉ quyết tâm mà phải có biện pháp quyết liệt thực hiện tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, kể cả cây trồng và vật nuôi, đánh bắt xa bờ… để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Phải triển khai tái cơ cấu đồng bộ trong cả nước, quy hoạch căn cơ, tính toán sức cạnh tranh từng loại sản phẩm, gắn với thương hiệu mạnh, thị trường tiêu thụ, tính toán từ khâu giống, sản xuất, bảo quản, tiêu thụ thành chuỗi khép kín của ngành.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội nên ban hành một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông nghiệp phát triển bền vững và phải thực hiện việc giám sát tái cơ cấu nông nghiệp để có hiệu quả hơn.

Trong đó, cần xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tri thức hóa nền nông nghiệp Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn ngắn hạn và cả trung hạn. Cần tiếp tục ưu tiên đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Rà soát và có điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng khu vực và có sự phân cấp rõ ràng để giải quyết bài toán cung cầu.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần xác định rõ những lợi thế và các loại sản phẩm của từng địa phương, nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu. Chính phủ nên quan tâm đến việc tổng kết, hoàn thiện mô hình quản lý, mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, qua đó nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, tăng năng suất lao động và giảm rủi ro thị trường; đồng thời, đảm bảo đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu (như địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu) đáp ứng được yêu cầu, tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu.