Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển

Nghi Thu

Thời gian qua, tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) tiếp tục có chuyển biến tích cực, có mức tăng trưởng khá, đặc biệt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN hôm 23/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các KKT, KCN phát triển.

Những khởi sắc

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2015 có 4 KCN mới được thành lập và mở rộng là Thành Hải (Ninh Thuận), Chu Trinh (Cao Bằng), Chấn Hưng (Vĩnh Phúc), Mông Hóa (Hòa Bình). Như vậy, đến hết tháng 9/2015, cả nước có 299 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 84 nghìn ha.

Trong đó, có 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60 nghìn ha và 87 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 24 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt trên 26 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy 48%...

Trong 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg ngày 16/9/2015 về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với diện tích là 23.792ha và đồng ý điều chỉnh mở rộng KKT Đông Nam Nghệ An tại Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg ngày 04/4/2015 (thêm 750 ha) và KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) tại Quyết định số 18/2015/QĐ-TTg ngày 12/06/2015 (thêm 87.388,18ha), nâng tổng diện tích mặt đất và mặt nước của các KKT thành 814.792 ha. Số lượng KKT ven biển tăng lên con số 16.

Tổng số lao động trong KCN, KKT luỹ kế đến tháng 9/2015 là khoảng 2,57 triệu lao động. Trong đó xét cơ cấu lao động thì lao động nữ là 1,48 triệu người (chiếm 62%), lao động nam là 1,09 triệu người (chiếm 38%); xét theo quốc tịch thì lao động Việt Nam là 2,3 triệu người (chiếm 98,7%), lao động nước ngoài là hơn 38 nghìn người (chiếm tỷ lệ 1,3%).

Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, có 379 dự án FDI đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt trên 7.161 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 263 dự án với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là hơn 1.569 triệu USD.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng số vốn FDI vào KCN, KKT đạt 8.720 triệu USD (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014), chiếm 59% tổng số lượt dự án, bằng 67% tổng số vốn FDI của cả nước trong 9 tháng đầu năm, chiếm 85% tổng số vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước, bằng 83% so với kế hoạch năm 2015.

Như vậy, lũy kế đến cuối tháng 9/2015 các KCN trong cả nước đã thu hút được 5.946 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 95.990 triệu USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt hơn 55.000 triệu USD, bằng 59% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong khi đó, các KKT thu hút được 302 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 39.550 triệu USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 16.520 triệu USD bằng 42% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xét về tình hình thu hút đầu tư trong nước, trong 9 tháng đầu năm 2015, các KCN, KKT đã thu hút được 361 dự án với tổng vốn đăng ký 53.260 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn 97 dự án với tổng vốn tăng thêm 9.363 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt hơn 62.623 tỷ đồng, giảm 11% tổng vốn đăng ký tăng thêm so với cùng kỳ năm 2014, gần bằng 70% so với kế hoạch năm 2015.

Tính lũy kế đến hết tháng 9/2015, các KCN cả nước đã thu hút được 5.647 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 568.184 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 288.256 tỷ đồng, bằng 51% tổng vốn đăng ký.

Đối với các KKT, luỹ kế đến nay, các KKT ven biển đã thu hút được 863 dự án với tổng mức đầu tư 547.815 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 176.210 tỷ đồng, bằng 31% tổng vốn đăng ký.

Trong 9 tháng đầu năm, các KCN, KKT đã đóng góp tổng doanh thu đạt trên 110.000 triệu USD tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 85% so với kế hoạch năm 2015. Đồng thời, đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 56.313 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014.

Đến hết tháng 9/2015, trong số 299 KCN đã được thành lập có 179 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành, chiếm hơn 60% tổng số KCN đã được thành lập, và hơn 84% tổng số KCN đang hoạt động. Bên cạnh đó, hiện có 25 KCN đang xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 86.050 m3/ngày đêm. Thời gian tới, các địa phương cũng đã lập kế hoạch để xây dựng mới và mở rộng thêm 66 công trình xử lý nước thải với tổng công suất 257.000 m3/ngày đêm...

Trong khi đó, do quy mô và tính chất đặc thù của KKT, tính đến nay, trong số 18 KCN trong KKT đang hoạt động có 7 KCN đã có công trình xử lý nước thải tập trung, 2 KCN đang xây dựng nhà máy và 9 KCN đang trong quá trình lập kế hoạch xây dựng. Tổng công suất 38.000 m3/ng.đêm, công suất trung bình 5.428 m3/ngày đêm, về cơ bản phục vụ được lưu lượng nước thải hiện có của các nhà máy trong KCN…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Các KCN, KKT hiện đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng mặt hàng công nghệ cao, linh kiện điện tử và giải quyết việc làm. Các địa phương có điều kiện thuận lợi đã chủ động định hướng thu hút các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương, thu hút được các dự án có hàm lượng công nghệ và vốn cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất…

Bên cạnh đó, thời gian qua, cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT đã dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp cho các Ban quản lý KCN, KKT thực hiện quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực; Các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư vào KCN, dự án đầu tư mở rộng, dự án công nghiệp hỗ trợ ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh đó, với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, các thủ tục đầu tư, thủ tục doanh nghiệp đã được giảm thiểu rất nhiều...

Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN, KKT, ngày 23/10, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, tìm ra các nút thắt cần tháo gỡ, tổng hợp trả lời kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của chủ đầu tư.

Đồng thời, rà soát chính sách ưu đãi để hướng dẫn tạo ra sự hài hòa, tránh chồng chéo và “dẫm chân” nhau trong thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu đầu tư phục vụ công tác quản lý, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các nghị định, văn bản hướng dẫn các vấn đề liên quan về phát triển KKT, KCN cho phù hợp với tình hình mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để nâng cao hơn nữa tỷ lệ lấp đầy các KCN, KKT, tạo thành những động lực thực sự phát triển của các địa phương cũng như cả nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cũng phải chú trọng giải quyết tốt hơn vấn đề ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải từ các KCN, KKT…

Đối với 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, Phó Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực hơn nữa, tập trung thu hút, hỗ trợ đầu tư, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng... Ngoài ra, các tỉnh cũng cần rà soát các KCN hoạt động kém hiệu quả, các KCN chưa hoặc chậm đầu tư khu xử lý nước thải tập trung để tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết hơn nữa.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình hoạt động của các KKT, KCN của Vụ Quản lý các khu kinh tế cũng đưa ra một số giải pháp trong những tháng cuối năm. Theo đó, sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường, lao động trong KCN. Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đã thu hút được và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác...

Thống kê cũng cho thấy, các dự án đầu tư đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số dự án lớn đăng ký đầu tư trong 9 tháng đầu năm như: dự án của Công ty Samsung Display Việt Nam tại KCN Yên Phong 1, Bắc Ninh (tổng vốn tăng thêm là 3 tỷ USD); dự án của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tại KCN Nhơn Trạch 5, Đồng Nai (tổng vốn đầu tư 660 triệu USD); dự án của Công ty TNHH Worldon tại KCN Đông Nam, TP. Hồ Chí Minh (tổng số vốn đầu tư 300 triệu USD); Dự án liên hợp khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP tại KKT Đông Nam Nghệ An (tổng số vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng).