Tháo gỡ sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI


Theo các chuyên gia kinh tế, dù kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong 7 tháng đầu năm tăng đến 12,2%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung nhưng cũng không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ tăng 5,6%. Thực tế đó cho thấy, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI là vấn đề đáng quan tâm và cần tìm giải pháp tháo gỡ.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn: Internet.
7 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn: Internet.

Bất chấp thị trường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm 2019. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2019 ước đạt 22,60 tỷ USD, con số này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm lên con số 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, điều đặc biệt là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ). Đồng thời, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%).

Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử hàng dệt may tăng 10,5%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,9%, giày dép các loại tăng 13,8%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,4%...

Tuy nhiên, dù kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng đến 12,2%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung nhưng cũng không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực FDI chỉ tăng 5,6%. Đáng nói hơn, thặng dư thương mại từ khu vực FDI đóng vai trò quan trọng bù đắp thâm hụt thương mại từ khu vực kinh tế trong nước nhiều năm qua.

Trước thực tế đó, theo các chuyên gia kinh tế, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI là vấn đề đáng quan tâm và cần tìm giải pháp tháo gỡ.

Hiện nay, thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Theo đó, xuất khẩu sang Nhật Bản 7 tháng đầu năm đạt 11,4 tỷ USD, tăng 9,3%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 4,4% và xuất khẩu sang ASEAN đạt 15,17 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, đơn cử xuất khẩu sang Canada sau 7 tháng đầu năm đạt 2,18 tỷ USD, tăng 31% và sang Mexico đạt 1,6 tỷ USD, tăng 24,2%. Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ...

Để xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI cần nhiều giải pháp, đặc biệt là chú trọng đến việc triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.

Nội dung này được đánh giá là hết sức quan trọng, bởi theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, với các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam có thể đi vào thị trường hết sức cao cấp. Còn ở chiều ngược lại, việc tiếp cận các thị trường này cũng giúp doanh nghiệp nhập được công nghệ hiện đại, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung, cần hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI để khu vực kinh tế trong nước thật sự trở thành trụ cột. Muốn vậy, cần có những giải pháp củng cố năng lực và gia tăng hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cấu trúc ngành năng lượng...

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Phạm Phú Quốc - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân cũng là góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất của các doanh nghiệp.