Thấy gì từ xuất siêu?

Theo Ngọc Khánh/thoibaonganhang.vn

Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trong 9 tháng qua đã tập trung nhiều vào một số doanh nghiệp mà cụ thể là Samsung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết thúc 9 tháng, cán cân thương mại hàng hoá đảo chiều ngoạn mục và quay lại trạng thái xuất siêu với mức gần 330 triệu USD, đã điểm thêm gam màu tươi sáng lên bức tranh nền kinh tế. Đây là tín hiệu rất tích cực bởi liên tục những tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của nước ta luôn ở mức cao lên đến hàng tỷ USD.

Khi xuất siêu trở lại

So sánh trong chuỗi thời gian dài hơi, có thể thấy xuất siêu trong 9 tháng năm nay có được là nhờ xuất nhập khẩu bật tăng trong quý III vừa qua. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dẫn chứng, tốc độ tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu trong quý III đều đạt trên 21%, chỉ thấp hơn so với quý trước trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, sau 3 quý thâm hụ̣t thương mại, quý III ghi nhận mức xuất siêu là 2,3 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng 20%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ các năm trước (năm 2015 là 9,6%; năm 2016 là 6,7%). Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu không chỉ phục hồi về giá trị mà cả về lượng. Nếu loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,4%, cao hơn so với năm 2016 là 10,2%. Ở chiều ngược lại, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu có phần cao hơn và đạt mức 22,7%.

VEPR đánh giá, cán cân thương mại thặng dư nhẹ là một tín hiệu lạc quan, tuy nhiên đằng sau đó là biểu hiện đáng lo ngại đã tiếp diễn nhiều năm mà chưa có chiều hướng cải thiện. Đó là khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu mạnh.

Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh, trong nhiều năm trở lại đây, khối DN FDI luôn đạt mức thặng dư thương mại lớn trong khi khu vực DN có vốn hoàn toàn trong nước luôn trong trạng thái thâm hụt. 9 tháng năm 2017, trị giá nhập khẩu của khu vực trong nước đạt 58,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 45,2 tỷ USD nên thâm hụt thương mại của khối lên đến 13,4 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong 9 tháng vừa qua đã chiếm tới 66,3% tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước; thặng dư thương mại của cả khối trong 9 tháng là 13,7 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu có được là nhờ vào công đầu của khối DN FDI.

Chưa kịp mừng đã vội lo

Tuy nhiên, thực trạng này cho thấy sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong thương mại. TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã phân tích cụ thể hơn về những dấu hiệu bất ổn của hoạt động xuất nhập khẩu, thể hiện sự gia tăng phụ thuộc vào khối FDI. Theo ông Thế Anh, nếu tách riêng thì xuất khẩu của khối này tăng trưởng tới hơn 22%, cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Đáng ngại hơn là nhập khẩu còn tăng cao hơn, ở mức 26%, và cũng cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào số ít DN FDI lại là rủi ro khác. Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trong 9 tháng qua đã tập trung nhiều vào một số DN mà cụ thể là Samsung. Trong đó sản lượng xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử của Samsung tăng rất mạnh, nhóm điện thoại và linh kiện tăng 21,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 40,8%... “Đây là biểu hiện có tính chu kỳ, không phải lúc nào cũng có sản lượng cao như vậy. Để duy trì tốc độ tăng cao như hiện nay là bài toán rất khó và không phụ thuộc vào tầm kiểm soát của chúng ta”, TS. Phạm Thế Anh lưu ý.

Nhập khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng là một biểu hiện có tính hai mặt. Hàn Quốc tiếp tục củng cố vị trí là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân chính là do Hàn Quốc dẫn đầu về lượng vốn FDI vào nước ta và các DN FDI này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc. Như vậy, một mặt nhập khẩu tăng mạnh tiếp tục thể hiện xu hướng mở rộng sản xuất của khối DN FDI, qua đó tiếp tục lưu ý rằng các DN này tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA.

Tuy nhiên mặt tích cực của xu hướng nhập khẩu là sự dịch chuyển đối tác nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, một nước có trình độ công nghệ cao hơn. Theo các chuyên gia, đây có thể là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận các tiến bộ công nghệ cao thông qua quá trình điều chỉnh và áp dụng các sản phẩm nhập khẩu.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bổ sung, việc nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc tăng mạnh cũng là biểu hiện cho thấy các DN trong nước đang dần tìm thị trường nhập khẩu mới, trong đó máy móc, thiết bị, công nghệ của Hàn Quốc là một trong những lựa chọn đầu tiên.

Dù còn nhiều biểu hiện tiềm ẩn bất ổn trong hoạt động xuất nhập khẩu, song TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính NH vẫn đánh giá sự đảo chiều của cán cân thương mại về hướng xuất siêu đã giúp điều hành chính sách vĩ mô trở nên “dễ thở” hơn. Trước hết, xuất siêu giúp tỷ giá ổn định hơn và không còn xu hướng rục rịch “nhảy múa” những tháng cuối năm.