Thị trường bán lẻ chuyển mình thích ứng với bối cảnh mới


Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu theo xếp hạng của hãng nghiên cứu thị trường A.T.Kearney, sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Mục tiêu đặt ra trong Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%.

Đặt mục tiêu đến 2035, đạt 88% tổng mức bán lẻ

Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12% là tham vọng lớn, bởi việc xóa bỏ hoàn toàn rào cản trong lĩnh vực bán lẻ theo cam kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khiến thị trường bùng nổ với sự tham gia ngày càng nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Việc xóa bỏ rào cản trong lĩnh vực bán lẻ theo cam kết của Hiệp CPTPP cộng hưởng cùng với làn sóng công nghệ 4.0 sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động bán lẻ, tuy nhiên, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải thay đổi mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu của bối cảnh mới.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ với mức tăng trưởng 11,6% so với năm 2017, xếp thứ hai thế giới về niềm tin người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, những năm qua, ngành Bán lẻ Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng 2 con số, cao hơn tăng trưởng GDP từ 1,5-2 lần. Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có trên 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, khoảng 9.000 chợ truyền thống cùng hàng ngàn cửa hàng tiện lợi và khoảng 2,2 triệu người bán lẻ đang hoạt động.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ với mức tăng trưởng 11,6% so với năm 2017, xếp thứ hai thế giới về niềm tin người tiêu dùng.

Với thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng, trong đó,  đa  phần  là  người  trẻ  và  sự  đô  thị  hóa mạnh  mẽ nên ngành bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hãng nghiên cứu Thị trường A.T.Kearney đã xếp hạng Việt Nam là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu.

Theo CBRE châu Á, doanh thu bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9%  tới  năm  2020,  cao  gần  gấp  3  lần  so  với  nước đứng vị trí trung bình tại Đông Nam Á.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, điển hình như sự bùng nổ tốc độ mở mới của hệ  thống  cửa  hàng  tiện  lợi  Vinmart+ ; Saigon Coop...

Trong đó, Vingroup sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với hàng trăm siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Vincom Retail hiện đã xây dựng 4 thương hiệu trung tâm thương mại (TTTM) là Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom+. Năm 2019, Vingroup sẽ mở thêm 13 TTTM Vincom với mô hình khác biệt hoàn toàn, nâng tổng số TTTM lên con số 79, tổng diện tích bán lẻ lên 1,6 triệu m2 mặt sàn. Kế hoạch của nhà bán lẻ này đến năm 2020 sẽ mở rộng 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi.

Đứng thứ 2 thị trường về số lượng điểm bán là chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh của Thế giới di động. Hiện tại, Bách hóa Xanh đã có 430 cửa hàng và đặt mục tiêu nâng lên 500 cửa hàng vào cuối năm 2019. Saigon Co.op - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Smile, Co.op Food đã xây dựng các chuỗi bán lẻ với hơn 600 điểm bán. Chỉ riêng mô hình siêu thị, DN này đã có chuỗi 111 Co.opmart tại nhiều tỉnh - thành…

Không  chỉ  các  DN  trong  nước,  nhà  bán  lẻ  nước ngoài cũng đang tập trung xây dựng hệ thống chuỗi với số lượng lớn tại Việt Nam. Chẳng hạn như: Big C có 35 siêu thị, MM Mega Market (Thái Lan) có 19 trung tâm, Lotte Mart (Hàn Quốc) có 13 siêu thị và đại siêu thị,  đồng  thời  đặt  ra  tham  vọng  đạt  60  siêu  thị  Lotte Mart  tại  Việt  Nam  vào  năm  2020.  Cuối  năm  2018, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã đưa thương hiệu FujiMart vào Việt Nam. Bằng sự hợp tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam, Sumitomo đã có siêu thị FujiMart đầu tiên tại Hà Nội.

Một NĐT "khủng" khác - Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á với kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD để mở 30 TTTM quy mô lớn tại Việt Nam và dự kiến tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động…

Bên cạnh những thuận lợi, bối cảnh mới cũng đang đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đối với thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như các NĐT trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập được thực hiện bởi các đại gia bán lẻ ngoại đã khiến cho DN bán lẻ trong nước gặp nhiều khó khăn và không ít DN trong nước bị khối ngoại thôn tính hoặc chấp nhận liên doanh, góp vốn…

Thời gian tới, với xu hướng mở cửa hội nhập sâu rộng, xu thế sáp nhập, thâu tóm trong lĩnh vực bán lẽ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí ở mức độ cao hơn. Làn sóng công nghệ  4.0  đã  và  sẽ  tác  động  mạnh  mẽ đến xu hướng tiêu dùng buộc nhà bán lẻ phải thay đổi mô hình kinh doanh.

Nhằm hạn chế những tồn tại và ứng phó với những thách thức của thời cuộc, thời gian tới, các DN bán lẻ sẽ phải dành nguồn lực tài chính không nhỏ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 cũng sẽ giúp DN bán lẻ có thêm khách hàng trung thành cũng như thu hút khách hàng tiềm năng. Những xu hướng công nghệ mới buộc các nhà bán lẻ phải đầu tư nhiều hơn, thấu cảm, tinh tế hơn, sáng tạo hơn…