Thị trường EU: Tránh xuất khẩu theo "lối mòn"

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Tại thị trường EU - chấp nhận giá nhập khẩu cao nhưng đòi hỏi chất lượng tốt - việc cạnh tranh về giá như đã từng áp dụng ở nhiều nơi của doanh nghiệp (DN) Việt sẽ không hiệu quả. Các DN nên chuyển từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm.

Thị trường EU: Tránh xuất khẩu theo "lối mòn"
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang EU tăng trưởng mạnh. Nguồn: internet
Đó là khuyến cáo của ông Vũ Bá Phú - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Luxembourg).

Lấy thị trường Bỉ làm thử nghiệm

Từ năm 2012, thị trường EU đã vượt qua Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và EU năm 2012 đạt trên 20 tỷ USD và năm 2013 ước đạt gần 30 tỷ USD.

Mặt hàng xuất khẩu truyền thống là dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, điện tử và linh kiện điện tử…Trong đó, dệt may, da giày vẫn giữ được đà tăng trưởng. Đáng chú ý năm nay, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trên 50% so với năm trước. Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm mạnh như thủy sản, cà phê.

Riêng đối với thị trường Bỉ- được xem là trung tâm phân phối hàng hóa nhập khẩu chính của EU, cầu nối cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU, vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu tốt, đạt 4,3 tỷ USD năm 2013 và tăng trưởng 13% cao hơn so với tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Phần lớn hàng hóa sau khi nhập khẩu vào Bỉ sẽ được tái xuất, nên thông qua thị trường Bỉ, các DN có thể tiếp cận được nhiều hơn tới các thị trường khác trong khu vực châu Âu. Vì thế, “một khi mặt hàng mới nào muốn thử nghiệm, muốn đưa ra hội nhập thị trường thì hãy lấy thị trường Bỉ làm thị trường thử nghiệm. Mặt hàng nào thành công trong việc thâm nhập thị trường Bỉ thì chắc chắn sẽ thành công trong thị trường EU.”- ông Vũ Bá Phú nhận định.

Chuyển hướng cạnh tranh về chất

Do thị trường EU là thị trường chấp nhận giá nhập khẩu cao nhưng đòi hỏi chất lượng, dịch vụ cao, ổn định nên việc cạnh tranh về giá mà nhiều DN Việt Nam đang áp dụng tại thị trường EU dường như không hiệu quả.

Ông Vũ Bá Phú khuyến nghị, các DN Việt Nam cần chuyển từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh bằng chất lượng để giữ được chữ "tín" trên thị trường Bỉ nói riêng và thị trường EU nói chung.

Thông tin tích cực cho DN xuất khẩu Việt Nam đó là năm 2014 nhu cầu thị trường sẽ được khôi phục, thương mại quốc tế của EU và xuất nhập khẩu của EU đối với nội khối, ngoại khối sẽ tiếp tục được phát triển.

Để tận dụng hiệu quả những cơ hội từ thị trường EU, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến cáo, các DN nên thay đổi tư duy về xuất khẩu, đem tiền đầu tư cơ sở sản xuất của mình ngay tại Bỉ để hoàn thiện khâu cuối của sản phẩm xuất khẩu vì Bỉ là thị trường có thể thử nghiệm, dành cho sản phẩm mới thâm nhập thị trường EU.

Nếu hoàn thiện khâu cuối sản phẩm của mình tại Bỉ, sản phẩm của Việt Nam sẽ mang nhãn mác “Made in Belgium, Made in EU” tức là sản phẩm sản xuất tại Bỉ và tại Châu Âu. Điều này sẽ dễ hơn khi tham gia vào các thị trường này. Nhãn mác đó sẽ giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản phẩm, các mặt hàng nông lâm thủy sản đỡ phải đối mặt với rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm.