Thông tin tài chính - kinh tế trong nước nổi bật tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại các thông tin tài chính - kinh tế nổi bật trong nước tuần vừa qua (04-08/12/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
428 nhà đầu tư nước ngoài được VSD cấp mã số giao dịch
Trong tháng 11/2017, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 428 nhà đầu tư nước ngoài, gồm 36 tổ chức và 392 cá nhân, vượt xa con số kỷ lục được xác lập trong tháng trước là 331. Ngoài ra, VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 48 nhà đầu tư nước ngoài (15 tổ chức và 33 cá nhân), hủy mã số giao dịch chứng khoán cho 2 nhà đầu tư nước ngoài (01 tổ chức và 01 cá nhân). Lũy kế 11 tháng năm 2017, VSD đã cấp 23.060 mã số giao dịch cho nhà đầu tư ngoại bao gồm 3.523 tổ chức và 19.537 cá nhân.
Cùng trong tháng 11/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 257,57 triệu đơn vị, giá trị 10.705,52 tỷ đồng trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE); mua ròng 17,7 triệu đơn vị, giá trị 359 tỷ đồng trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và mua ròng 31,54 triệu đơn vị, giá trị 851,68 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Tổng cộng trên 3 sàn trong tháng 11, khối ngoại đã mua ròng 306,81 triệu đơn vị, đạt tổng giá trị 11.916,2 tỷ đồng.

Chế độ báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài

Ngày 27/11/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 126/2017/TT-BTC về chế độ báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Thời hạn các đơn vị lập và gửi báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính cụ thể như sau: Báo cáo định kỳ hằng quý  gửi về Bộ Tài chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng đầu nămgửi trước ngày 31/7 hằng năm. Các báo cáo tình hình thực hiện hằng năm gửitrước ngày 15/02 của năm sau.

Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định liên quan. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018 và áp dụng cho việc lập các báo cáo năm của năm 2017.

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành hơn 200 cuộc kiểm toán
Trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ tiến hành hơn 200 cuộc kiểm toán, tập trung vào các chủ trương, chính sách lớn như việc đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; Gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực…
Trong đó, KTNN sẽ tiến hành các cuộc kiểm toán ngân sách nhà nước (NSNN) tại một số bộ, địa phương; 23 cuộc kiểm toán chuyên đề; 50 cuộc kiểm toán dự án đầu tư. Ngoài ra, 33 tổng công ty và các tổ chức tài chính ngân hàng cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2018 với nội dung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017.

Tín dụng tháng 11/2017 tăng trưởng khoảng 2,8% so với tháng 10 

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối tháng 11/2017, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,8% so với tháng 10, tăng 15,3% so với đầu năm 2017 (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm). Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung - dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn; tín dụng ngoại tệ tăng chậm lại trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016; cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực.

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%); cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.