Thu hút FDI 4 tháng đầu năm: Khấp khởi niềm lạc quan

Lê Cường

(Tài chính) Trong 4 tháng đầu năm 2013, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% với cùng kỳ năm 2012. Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính từ ngày 01/01/2013 đến ngày 20/4/2013, cả nước đã có 341 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng kí lên tới 4.873 triệu USD, bằng 89,5% dự án và 114, 6% số vốn so với cùng kì năm 2012.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2013 có nhiều dấu hiệu khả quan, biểu hiện qua việc một số dự án lớn đã được cấp phép như: Dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đầu tư  tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử; Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của nhà đầu tư Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định...

Xét về địa bàn đầu tư ở các địa phương, trong 4 tháng đầu năm 2013, không kể dầu khí các nhà đầu tư đã đổ vốn vào 42 tỉnh thành phố, trong đó với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,8 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,016 tỷ USD, chiếm 24,5% vốn đăng ký. Bình Định đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,009 tỷ USD.

Nếu xét trên phương diện đối tác đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2013 đã có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,635 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,331 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư; Liêng bang Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,105 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.

Nếu xét theo lĩnh vực đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2013 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 164 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,413 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 307,05 triệu USD, chiếm gần 3,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 49 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 127,62 triệu USD.

Nhìn chung, việc thu hút FDI đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan trong xu thế kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, chúng ta không nên coi trọng số lượng dự án cũng như nguồn vốn đăng kí bởi thu hút nguồn vốn FDI luôn là vấn đề có tầm nhìn dài hạn.

Tuy nhiên, một thực tế trong việc thu hút vốn FDI ở nước ta trong mấy năm qua đó là dòng vốn FDI có sự  mất cân bằng cơ cấu rất lớn. Ít khi dòng vốn này đầu tư vào các ngành khoa học công nghệ, công nghệ cao... mà chỉ tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, những ngành thu hồi vốn nhanh. Tại hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI tại Việt Nam vào ngày 27/3, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết: “Chỉ 5% công nghệ vào Việt Nam là công nghệ mới”.

GS.,TSKH.Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: "Việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang khá rộng mở. Tuy nhiên, có một vấn đề cần khẳng định lại ở đây, việc thu hút vốn FDI là vấn đề cần tầm nhìn chiến lược dài hạn 10-15 năm. Bởi vậy, chúng ta không nên quá vui hay quá buồn, cũng không nên đánh giá về chất lượng nguồn vốn này qua từng tháng hay từng kỳ, từng quý. Tuy cơ cấu nguồn vốn đầu tư không đồng đều, số vốn đầu tư cho các dự án công nghệ cao, cho khoa học - công nghệ còn thấp nhưng đây sẽ là một tín hiệu lạc quan cho một năm kinh tế đầy khó khăn”.

Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI trong thời gian tới. Nghị quyết định hướng thu hút vốn đến năm 2020 theo hướng chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại. Dự thảo đề ra 12 giải pháp, giao cho các bộ ngành phải hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp phụ trợ...