Thu hút FDI: Động lực vận hành tốt cho nền kinh tế

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Sau sự cố một số đối tượng quá khích đập phá máy móc, nhà xưởng của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh vừa qua, đại diện một số hiệp hội, DN đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.

Thu hút FDI: Động lực vận hành tốt cho nền kinh tế
DN FDI cho biết vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 5 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 5,5 tỷ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013. Điểm đáng chú ý là các tỉnh khu vực phía Nam như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… có số vốn đầu tư tăng mạnh. Tại Bình Dương, tính đến cuối tháng 5, FDI đã thu hút được 978,4 triệu USD, đạt 97,8% kế hoạch của cả năm, tăng 14,9% so cùng kỳ với 65 dự án đầu tư mới và 56 dự án điều chỉnh tăng vốn.

FDI 2014 sẽ không giảm

Tại chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: "Hiện có một số dự án lớn đang được đàm phán, có thể được cấp Chứng nhận đầu tư trong năm nay. Do đó, dự báo thu hút FDI năm 2014 sẽ không giảm so với năm 2013".

Còn tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Singapore 2014 (VSBF 2014) diễn ra mới đây, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết để các NĐT nước ngoài có thể yên tâm đầu tư lâu dài, ổn định, Việt Nam cam kết cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết về giải pháp thu hút đầu tư trong những tháng cuối năm, trước tiên phải thực hiện chủ trương của Chính phủ là khắc phục nhanh nhất, tốt nhất tạo niềm tin để ổn định sản xuất kinh doanh cho các NĐT bị thiệt hại bởi sự cố vừa qua.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tiếp thị, mời gọi đầu tư và giải quyết vướng mắc, khó khăn của các DN hiện đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo niềm tin, tạo môi trường đầu tư tốt hơn và thông qua những NĐT này sẽ có tác động đến các NĐT khác.

Còn theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới sẽ giải quyết tốt hơn nữa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy phép. Cụ thể, những hồ sơ nào theo quy định của pháp luật không phải hỏi ý kiến của các bộ, ngành thì không hỏi nữa. Đối với các hồ sơ sẽ phân loại, cái nào đơn giản thì sẽ giải quyết nhanh so với quy định hiện nay.

Trong 5 tháng đầu năm nay, các dự án FDI vào Việt Nam cả cấp mới và tăng vốn đã đạt hơn 5,5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ 2013. Nhưng theo Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), chúng ta không nên so sánh con số thu hút FDI với cùng kỳ năm trước, đó là trong một thời gian ngắn mà nên so sánh một cách dài hơi và ổn định hơn.

Thu hút FDI: Động lực vận hành tốt cho nền kinh tế - Ảnh 1

Vốn thực hiện dự án FDI hàng năm đạt khoảng 10 tỷ USD, đóng góp của FDI vào Việt Nam chiếm đến 18% GDP, cũng như đóng góp vào đầu tư chiếm 55%. Đây là những con số rất lớn và quan trọng. Nhìn chung, thời gian gần đây, thu hút FDI vào Việt Nam ổn định và phù hợp với nhu cầu thực tế. Và năm nay, cũng không ngoại lệ, mức giải ngân dự kiến sẽ vào khoảng 10 - 11 tỷ USD.

"Tuy nhiên, hiện nay, chính sách của Việt Nam trong thu hút FDI vẫn chưa nhất quán. Tôi cho rằng Việt Nam cần coi thu hút FDI như là một thành tố, một động lực quan trọng và động lực đang vận hành tốt trong phát triển nền kinh tế", ông Cung nói.

Đến lúc có sự định hướng

Việc kêu gọi, thu hút nguồn vốn FDI vào trong nước là cần thiết và hết sức quan trọng. Nhưng cũng đã đến lúc Việt Nam cần có sự định hướng trong việc thu hút nguồn vốn này vào những ngành, lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu chứ không nên để việc đầu tư FDI một cách tràn lan, thiếu tính định hướng như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT từng chia sẻ, rất khó xử khi có đến 10 địa phương xin Chính phủ cho mở casino, trong khi chưa có một nghiên cứu nào thật nghiêm túc về thực trạng các dự án "vui chơi có thưởng" (thực chất là casino) đem lại lợi ích gì, kể cả thu ngân sách và đã gây ra tác động tiêu cực như thế nào, để từ đó, Chính phủ cân nhắc chủ trương thu hút FDI vào casino thích hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta.

Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng chúng ta với tư cách là một đối tác bình đẳng có quyền lựa chọn, có quyền căn cứ vào định hướng phát triển của mình để chọn những dự án đầu tư nào có hiệu quả cao nhất. Đã qua thời "đói khát" về vốn đầu tư và cũng qua cái thời dựa vào khai thác theo chiều rộng để tranh thủ đầu tư nước ngoài, mà chúng ta phải hướng tới chất lượng cao, hướng tới những công nghệ tốt, hướng tới những dự án tạo ra sự lan tỏa phát triển mạnh hơn. Việc phân cấp trong cấp giấy phép tuy có hiệu quả trong thu hút FDI nhưng cũng gây ra tình trạng "bội thực" dự án. Tình trạng có quá nhiều dự án sân golf, sắt thép, xi măng, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp… đang trở thành vấn đề đáng báo động. Chính vì vậy, việc thu hút đầu tư cần gắn với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế.

Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì lo ngại: FDI có vai trò quan trọng nhất là chuyển giao công nghệ, nhưng hiện chỉ có 5% FDI chuyển giao công nghệ cao, 15% là loại công nghệ trung bình, còn lại đến khoảng 70% công nghệ kém, lạc hậu, lao động phổ thông. Do đó giá trị gia tăng chỉ tạo ra được khoảng 20% còn giá trị nội địa chỉ khoảng 10%. Như vậy làm sao chúng ta có thể dựa vào FDI để vượt qua khó khăn. Và, đây cũng là những cảnh báo được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập nhiều.

Mặc dù Việt Nam còn có những bất cập trong việc thu hút nguồn vốn FDI như hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn chỉnh, các cơ chế, chính sách vẫn chưa thực sự thông thoáng khiến cho việc hoàn thành các dự án bị kéo dài. Nhưng Việt Nam vẫn có những ưu thế nhất định so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia về sự ổn định chính trị, an ninh, an toàn, chi phí nhân công thấp…

Sự dịch chuyển của nguồn vốn FDI từ năm 2010 cho đến nay cho thấy Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía NĐT nước ngoài đặc biệt là từ những công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới.

FDI hy vọng giúp Việt Nam thoát vòng luẩn quẩn
PGs.Ts. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT)
------------------------------------
Nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào khu vực FDI vì khu vực này được coi là khu vực tận dụng được nhiều nhất nguồn lực bên ngoài để đưa Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Và việc giảm thiểu tác động vượt trội của khu vực này chưa có giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, có thể nói, sự phụ thuộc quá lớn vào NĐT nước ngoài có thể là một trong những nguy cơ làm cho đất nước rơi vào trạng thái bẫy thu nhập trung bình vì sự thao túng đáng kể của NĐT nước ngoài theo hướng điều chỉnh chính sách có lợi cho họ.

Đã đến lúc rà soát lại
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
------------------------------------
Đây là lúc chúng ta rất cần rà soát lại những dự án nào người ta không thực hiện được nên cắt ngay đúng như luật định. Đối với những dự án mang lại hậu quả xấu về lâu dài, tác hại đến môi trường, hoặc không tạo được công ăn việc làm cho người Việt Nam một cách đầy đủ, không tạo giá trị gia tăng… thì rất nên xem xét lại.

Lưu ý tín hiệu sụt giảm FDI ở khía cạnh khác
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
------------------------------------
Việt Nam cần lưu ý tín hiệu cần cảnh giác trong sụt giảm thu hút FDI quý I ở khía cạnh khác. Bởi hiện nay, thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn hấp dẫn chủ yếu nhờ lao động giá rẻ, dồi dào. Bên cạnh đó là thị trường nội địa hấp dẫn, dân số trẻ và thích mua sắm. Yếu tố khác là giá điện, than, nguyên vật liệu đầu vào thấp hơn các quốc gia trong khu vực nên nhà đầu tư muốn tận dụng các yếu tố này. Tuy nhiên, những điều kiện đó đang mất dần đi, trong dài hạn sẽ không còn nữa, vì vậy phải xem xét cẩn trọng để cải thiện môi trường đầu tư.