Thu hút FDI: Đừng quá kỳ vọng vào những cơ hội mới

TS. Phan Hữu Thắng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Tài chính) Thực tế đó cho thấy, chúng ta đừng quá kì vọng vào những cơ hội mới, vì nó luôn có, kể cả trong khó khăn nếu nhận biết được.

Vấn đề ở chỗ, phải nâng cao năng lực tiếp nhận vốn của nền kinh tế, cùng với việc nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, thì việc chuẩn bị cho đón nhận các cơ hội thu hút FDI mới có hiệu quả.

Triển vọng hút trở lại vốn FDI

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt mức 21,6 tỷ USD, vượt xa dự báo (13-14 tỷ USD) cùng với nhiều dự án quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao được cấp phép trong năm đã đưa FDI là một trong các thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam 2013.

 Thu hút FDI: Đừng quá kỳ vọng vào những cơ hội mới  - Ảnh 1

Tác động đến bức tranh đầu tư nước ngoài 2013 phải kể đến các nhân tố tích cực như: môi trường đầu tư và kinh doanh, tiềm năng của thị trường, quan hệ với các đối tác truyền thống, dòng vốn đầu tư toàn cầu...

Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài hiện chiếm tỷ trọng trên 80% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam (năm 2012 là 84%, năm 2013 là 86%), tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chủ động, nhanh chóng có các quyết định vượt khó chính xác, giúp tăng trưởng đầu tư. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư toàn cầu tăng trưởng trong 2013 và tăng vào khu vực Đông Nam Á cũng có tác động tích cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Môi trường đầu tư và kinh doanh Việt Nam hiện nay tuy còn nhiều bất cập, nhưng về cơ bản vẫn có đủ các điều kiện đảm bảo cho đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Trong kinh doanh, có khi vượt qua sóng dữ là nhờ bạn hàng quen thuộc. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và một số quốc gia lân cận khác như Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), Thái Lan… là các đối tác thuộc diện "bạn hàng quen thuộc" đó. Với am hiểu sâu sắc về thị trường, luật lệ, cung cách làm ăn tại Việt Nam, các nhà đầu tư nêu trên không ngại phải đối mặt với trở ngại hiện có của môi trường đầu tư Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nước ta.

Vốn FDI thực hiện trong năm 2013 ước đạt 11,5 tỷ USD, bằng lại mức cao nhất năm 2008, năm đạt đỉnh cao về thu hút FDI kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1988 (nay là Luật Đầu tư). Tuy nhiên, điều đáng nói là chất lượng vốn tốt hơn, thông qua tỷ lệ đầu tư vào các dự án có quy mô lớn với hàm lượng công nghệ cao và vẫn tập trung đầu tư lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo. Điển hình là các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư như dự án lọc dầu Nghi Sơn, Dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam, Dự án lọc dầu Vũng Rô… Không chỉ có quy mô lớn, các dự án này còn được tích cực triển khai nhanh theo đúng tiến độ đăng ký.

Cũng trong năm qua, dòng vốn Nhật Bản, nhà đầu tư lâu năm lớn nhất tại Việt Nam, có hai điểm nổi bật. Đó là số vốn đăng ký tăng thêm của các dự án hiện có tại Việt Nam cao gấp ba lần vốn đăng ký mới, thể hiện niềm tin vào triển vọng kinh doanh tại nước ta của các nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng lên. Thứ hai là làn sóng đầu tư vào các dự án có quy mô nhỏ, phù hợp với xu hướng các DNNVV của Nhật Bản đang tìm các thị trường mới để đầu tư nhằm phân tán rủi ro sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.

Lĩnh vực đầu tư được sàng lọc

Các đặc điểm trên của vốn FDI cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận rõ hơn tình hình kinh tế Việt Nam, khả năng đáp ứng của môi trường đầu tư để chọn các lĩnh vực, ngành nghề đầu tư phù hợp. Điều này khác với xu hướng trước đây, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án tỷ đô đã không triển khai được, phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Xu hướng chọn đúng lĩnh vực, ngành nghề, tận dụng các lợi thế hiện có của môi trường đầu tư, sử dụng các ưu đãi, hướng vào triển vọng thị trường… để đầu tư vào Việt Nam lâu dài sẽ là xu hướng chính của vốn FDI trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại rằng, trong nhiều năm qua, số vốn FDI đăng ký nhưng chưa giải ngân được luôn khoảng 100 tỷ USD, cho thấy sự bất lực của nền kinh tế nói chung trong tiếp nhận đầu tư, trong đó có nguyên nhân là quản lý Nhà nước. Thực tế đó cho thấy, chúng ta đừng quá kì vọng vào những cơ hội mới, vì nó luôn có, kể cả trong khó khăn nếu nhận biết được. Vấn đề ở chỗ, phải nâng cao năng lực tiếp nhận vốn của nền kinh tế, cùng với việc nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, thì việc chuẩn bị cho đón nhận các cơ hội thu hút FDI mới có hiệu quả.

Sau hơn 25 năm thu hút FDI, thực tế đã cho thấy để có thể đón đầu, tận dụng được các cơ hội mới cần nhanh chóng tăng cường khả năng hấp thụ nguồn vốn ngoại của nền kinh tế. Đây là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất. Sự tăng cường khả năng tiếp nhận này không chỉ là nâng cao năng lực tiếp nhận của cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cảng biển, vận tải, ga hàng không…; nâng cao năng lực của hệ thống cung ứng các dịch vụ như logistics, tài chính, ngân hàng, viễn thông…; nâng cao trình độ quản lý, tay nghề của nguồn nhân lực; mà còn là tăng cường năng lực của quản lý Nhà nước.

Để làm được điều này, trong năm 2014 có khá nhiều việc mà các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện theo Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ. Mà riêng đầu tư nước ngoài có tới 60 đề án phải thực hiện để tháo gỡ các rào cản hiện có, trong đó nhiều vấn đề then chốt như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư (sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…); cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao…