Thu hút FDI: Kỳ vọng có thêm “người khổng lồ”

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Để thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn từ các thị trường tiềm năng như khu vực EU, cũng đã đến lúc cần xem lại “khẩu vị” của nhà đầu tư (NĐT) từ các quốc gia này...

Trong bối cảnh hiện tại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục được đánh giá là yếu tố quan trọng tác động đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện tại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục được đánh giá là yếu tố quan trọng tác động đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu.

Chủ động đón đầu diễn biến mới

Tại dự thảo hướng dẫn thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu rõ, năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Vì vậy các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 phải gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên cả thời kỳ; tiếp nối các chương trình hoạch định từ các năm trước; không xây dựng các hoạt động riêng lẻ mới, không có kết nối và tầm nhìn, gây lãng phí cho ngân sách.

Cùng với đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng là cơ sở xây dựng định hướng, chính sách mới trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài.

“Ưu tiên và sẵn sàng thu hút làn sóng đầu tư từ tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu...”, văn bản hướng dẫn của Bộ KH&ĐT chỉ rõ.

Cơ quan này cũng lưu ý, cần đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư vào các ngành nghề công nghệ mới như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới... Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo; xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh hiện tại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục được đánh giá là yếu tố quan trọng tác động đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu. Mặc dù vẫn rất khó dự đoán, nhưng tác động của chiến tranh thương mại tới dòng vốn FDI là rất đáng kể do các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị phá vỡ. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Nam Trung Quốc, 41% công ty Mỹ đang xem xét hoặc đã chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại. Các địa điểm tiềm năng để di chuyển nhà máy là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Philipines hoặc Mexico.

Một điều tra gần đây của Nikkei Asian Review đối với các DN lớn cho thấy khoảng 50 tập đoàn đa quốc gia đã công bố kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý là 7/50 công ty này lựa chọn Việt Nam là địa điểm đến, một số DN công nghệ hàng đầu thế giới như Apple đã có kế hoạch thử nghiệm sản xuất tai nghe AirPods tại Việt Nam.

Trong tháng 7/2019, 2 hãng công nghệ lớn của Nhật là Sharp và Kyocera đã hủy kế hoạch sản xuất LCD, laptop, máy photocopy, màn hình đa năng... tại Trung Quốc và dự kiến chuyển nhà máy sang Việt Nam.

Chọn bạn mà chơi

Khẳng định rằng Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phát huy quyền lựa chọn dòng vốn nước ngoài trong thời gian tới, GS. TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài chỉ ra rằng, hiện tại Việt Nam là ngôi sao đang lên, với vị thế ở ASEAN ngày càng thấy rõ. Năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch của ASEAN. Hiện Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực; Việt Nam cũng đã ký Hiệp định EVFTA và năm 2020 sẽ bắt đầu thực hiện với việc được đưa 70 - 72% hàng hóa có thuế về 0%...

Theo ông Mại, trong bối cảnh nhiều thuận lợi đó, cách đơn giản đối với Việt Nam là chọn bạn mà chơi. Ở châu Á, chúng ta đang có hai người bạn rất đáng tin cậy là Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Tôi hy vọng quan hệ đầu tư từ EU, Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn. Còn đối với các đối tác ở châu Á như Nhật, Hàn, vùng lãnh thổ Đài Loan, rồi trong khu vực là Singapore, Thái Lan, Malaysia... có rất nhiều và không thiếu”, ông Mại quả quyết.

Cần phải nói thêm rằng, hai đối tác lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những “tay to” trong đầu tư nước ngoài trên thế giới. Năm 2018, do sự suy giảm mạnh mẽ đầu tư của các DN Mỹ, Nhật Bản đã thay thế nước này trở thành nước có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Vốn đầu tư của Nhật Bản đã đạt trên 100 tỷ USD liên tục trong 8 năm gần đây. Mặc dù vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật giảm xuống gần 11% so với năm trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức sụt giảm vốn FDI thế giới (-29%) và các nước phát triển khác.

Đối với Hàn Quốc, năm 2018 nước này lần đầu tiên nằm trong danh sách 10 nước có mức đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, xếp thứ 9 và tăng 4 bậc so với năm 2017. Những con số này cho thấy Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục cuộc chơi với các ông lớn về đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, triển vọng thu hút nguồn vốn không hẳn là đã sáng sủa ở tất cả các thị trường kỳ vọng. Bởi theo TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, hiện nay cơ quan quản lý rất kỳ vọng vào dòng vốn chất lượng cao từ EU, Mỹ hay một số nước trong CPTPP. Nhưng thực chất nhìn vào số liệu thống kê thì vốn từ các nước này vẫn thấp so với quan hệ thương mại, văn hoá, chính trị với Việt Nam. Cụ thể Mỹ đứng ở vị trí thứ 10 về đầu tư FDI từ khi Việt Nam bắt đầu tiếp nhận dòng vốn này; khu vực EU với hơn 28 nước chỉ đầu tư được hơn 20 tỷ USD, rất thấp so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, hay Đài Loan…

“Có thể hiểu là các nước này còn dè dặt đối với môi trường đầu tư Việt Nam. Tôi cho rằng đó là do mấy vấn đề như tính minh bạch, quyền sở hữu trí tuệ… chúng ta làm chưa tốt”, ông Thắng phân tích.

Để thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn từ các thị trường tiềm năng như khu vực EU, cũng đã đến lúc cần xem lại “khẩu vị” của NĐT từ các quốc gia này. Thực tế cho thấy, DN châu Âu thường không không đánh giá cao lợi thế lao động giá rẻ hay tài nguyên thiên nhiên dồi dào để có được chi phí thấp là những yếu tố quan trọng cho quyết định đầu tư. Thay vào đó, khả năng tiếp cận thị trường hay sức mua của người dân nước nhận đầu tư là những yếu tố có tầm quan trọng lớn hơn. Ngoài ra năng lực của các nhà cung ứng nước tiếp nhận đầu tư để phát triển chuỗi giá trị cũng rất quan trọng.

Vì vậy, lâu nay NĐT EU thường rót vốn vào các ngành dịch vụ, chế biến… chủ yếu khai thác và phục vụ cho các thị trường nước sở tại chứ không phải sản xuất hàng hóa để xuất khẩu. Điều đó giải thích tại sao NĐT EU ít mặn mà với quốc gia định hướng xuất khẩu như Việt Nam.