Thu hút FDI: Từ thực tế đến những vướng mắc… khái niệm

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Tại Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam”, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu những đặc điểm, tính chất các dòng vốn này. Điều đó cho thấy, vẫn còn có rất nhiều vấn đề xung quanh nhận thức và khái niệm về dòng vốn ĐTNN nói chung, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng.

Thu hút FDI: Từ thực tế đến những vướng mắc… khái niệm
Dòng vốn FDI đang có sự dịch chuyển tại Việt Nam. Nguồn: internet
Kém hấp dẫn và xu hướng dịch chuyển

Từ chỗ chỉ chiếm gần 6% tổng FDI vào khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 1990-2000, đến giai đoạn 2005-2010, Việt Nam đã chiếm trên 10,29% tổng FDI, đạt cao nhất tới 17% trong năm 2008.

Tuy nhiên, sang năm 2009, vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại so với trước và tạo một xu hướng giảm trong cả giai đoạn từ 2009-2012. Sự suy giảm của FDI vào Việt Nam được nhìn thấy rõ rệt vào năm 2011, với vốn đăng ký, đạt 14,7 tỷ USD, giảm tới 26% so với năm 2010. Trong đó, riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, giảm 35%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh này, trong đó không thể không kể đến ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, mặc dù đã có những cải thiện nhất định, song môi trường đầu tư của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm năng lớn. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về FDI còn chậm được cải thiện, làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Myanmar...

Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư càng gay gắt hơn khi Việt Nam bị rớt xuống nửa dưới của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012-2013 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tiến hành khảo sát với 144 nền kinh tế, Việt Nam xếp vị trí 75, tụt 10 bậc so với năm 2012 (vị trí 65). Trong khi đó, các nước trong khu vực có xu hướng duy trì và cải thiện thứ hạng. Singapore bảo vệ thành công vị trí á quân. Malaysia dù bị tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 25, nhưng vẫn duy trì điểm số. Thái Lan sau 6 năm liên tiếp tụt hạng, đã tạm dừng xu hướng tiêu cực ở vị trí 38.

Dòng vốn FDI đang có sự dịch chuyển tại Việt Nam, thể hiện qua việc một số nhà máy của các doanh nghiệp FDI đóng cửa hoặc di chuyển sang các nước khác trong khu vực. Có thể thấy rõ điều này qua việc đóng cửa nhà máy của các hãng Sony, Daihatsu hay việc dời nhà máy của Toshiba (Nhật Bản) từ Việt Nam sang Indonesia và chọn nơi đây là trung tâm phát triển sản phẩm tivi LCD của hãng tại thị trường châu Á và châu Úc…

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam vì những ưu đãi. Do đó, khi ưu đãi bị giảm bớt hoặc chấm dứt, trong lúc những lợi thế khác của Việt Nam yếu hơn trong tương quan so sánh, họ dịch chuyển đầu tư sang quốc gia khác, đó là quy luật chung của các dòng vốn đầu tư trên thế giới.

Mục tiêu thu hút công nghệ cao và các tập đoàn đa quốc gia

Thực tế đầu tư từ các quốc gia phát triển vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, nếu so với đầu tư của các nước này vào Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore… Cụ thể, sau 25 năm, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu trong số này là Nhật Bản với 1.872 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 29 tỷ USD. Cuối bảng là Iran, với chỉ một dự án duy nhất và vốn đăng ký vỏn vẹn 10.000 USD. Đứng cuối Top 10 là Thái Lan, với 6 tỷ USD, cuối Top 20 là Luxembourg, với gần 1,5 tỷ USD. Các nền kinh tế lớn như Đức, Nga, Ấn Độ… đều nằm ngoài Top 20.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Hội nghị “25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, cho đến nay, mới có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia (TNCs) trong số khoảng 500 tập đoàn hàng đầu thế giới có dự án đầu tư ở Việt Nam. Con số này ở Trung Quốc là 400.

Chính vì vậy, mục tiêu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ là tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư từ các TNCs hàng đầu thế giới. Đơn giản là bởi, dòng vốn đầu tư của các TNCs thường gắn với công nghệ cao và góp phần quan trọng làm thay đổi cơ cấu kinh tế của các nước tiếp nhận đầu tư.

Như vậy, thông điệp đã quá rõ ràng. Đó là, Việt Nam cần các dự án công nghệ cao và muốn có các TNCs. Nhưng, đặt câu hỏi ngược lại, lợi ích của nhà đầu tư đến đâu trong câu chuyện này? Việt Nam muốn tối ưu hóa lợi ích của FDI thì cũng không thể quên lợi ích của các nhà đầu tư. Và, điều mà họ muốn là một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hấp dẫn. Trong khi đó, xem ra tại Việt Nam, vẫn còn nhiều điều mù mờ, thiếu rõ ràng.

Cần giải quyết các vướng mắc từ khái niệm

Thực tế ĐTNN vào Việt Nam có rất nhiều hình thức, bao gồm: FDI, đầu tư gián tiếp (FII), ngoại hối. Tuy nhiên, nhìn chung khái niệm ĐTNN lại chưa được làm rõ và đầy đủ. Đã vậy, tại nhiều thời điểm, trong nhiều văn bản luật, khái niệm ĐTNN gần như bị đồng nhất với FDI. Cụ thể là:

- Năm 1977, Điều lệ ĐTNN ban hành kèm theo Nghị định số 115/CP, ngày 18/4/1977 của Chính phủ không nói rõ khái niệm FDI, mà chỉ quy định ĐTNN ở Việt Nam là ‘‘việc đưa vào sử dụng ở Việt Nam những tài sản và vốn, nhằm xây dựng những cơ sở mới hoặc đổi mới trang bị kỹ thuật, mở rộng các cơ sở hiện có”.

- Trong Luật ĐTNN tại Việt Nam năm 1987, cũng chỉ có khái niệm ĐTNN được quy định trong khoản 3 - Điều 2. Theo đó, “ĐTNN là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc xí nghiệp 100% vốn nước ngoài theo quy định của Luật này”.

- Luật ĐTNN tại Việt Nam năm 1996 và trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐTNN năm 2000 (Điều 2, khoản 1) có đưa ra khái niệm về FDI. Cụ thể: “FDI là việc nhà ĐTNN đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này”.

- Tại Luật Đầu tư năm 2005, khái niệm FDI được làm rõ hơn. Theo đó, “Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư”, còn “Nhà ĐTNN là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam”. Như vậy, có thể hiểu: FDI là hình thức của nhà ĐTNN bỏ vốn vào đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Xoay quanh cách hiểu cụm từ ‘‘FDI” gắn với nội dung của Luật ĐTNN và sau này là Luật Đầu tư năm 2005 có thể rút ra những điểm đáng chú ý sau:

- Chưa minh định được khái niệm FDI. Hiện nay, giới học thuật Việt Nam cũng đã đưa ra rất nhiều quan điểm về FDI. Theo Đỗ Đức Bình, Nguyễn Thường Lạng (2008): “FDI là hình thức trong đó người chủ đầu tư có quyền kiểm soát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như lợi ích của mình ở một hãng nước ngoài. FDI do vậy bao gồm cả quyền sở hữu và quyền kiểm soát kinh doanh ở nước ngoài”. Khái niệm này đã nêu được bản chất của FDI và cũng nhấn mạnh đến “quyền kiểm soát” và “quyền sở hữu” của đồng vốn, mà nhà đầu tư bỏ ra nhằm mục tiêu thu lợi ích từ các khoản đầu tư.

Còn theo tác giả Nguyễn Thị Hường và cộng sự đưa ra trong Giáo trình quản trị doanh nghiệp FDI (2011), “FDI là một trong 2 loại đầu tư quốc tế cơ bản… có quan hệ và chuyển hóa lẫn nhau. FDI (Gọi là dự án FDI) là việc nhà đầu tư nước này đưa vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào sang các nước khác để tiến hành các hoạt động đầu tư và nắm quyền sở hữu cơ sở kinh doanh đó”.

Trong khi đó, cách giải thích thuật ngữ “FDI” của Luật ĐTNN năm 1996 và 2000, cũng như Luật Đầu tư năm 2005 chưa cho thấy bản chất của dòng vốn, với sự vận động vào - ra, cũng như nhấn mạnh “quyền kiểm soát” và “quyền sở hữu” của nhà đầu tư. Bởi, việc đưa vốn và tài sản vào Việt Nam, về thực chất, cũng là một phần công việc trong cả hoạt động đầu tư nói chung và nó cấu thành hoạt động đầu tư FDI. Bên cạnh việc đưa tiền và tài sản từ nước ngoài vào trong nước còn có cả việc chuyển ra nước ngoài các khoản tiền trả cho việc cung cấp kỹ thuật, dịch vụ, tiền gốc và lãi của các khoản vay nước ngoài trong quá trình hoạt động, vốn đầu tư, các khoản tiền và tài sản khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp. Cho nên, cách giải thích cụm từ “FDI” như trong Luật gần như đồng nhất với việc phản ánh dòng tiền và tài sản từ nước ngoài vào trong nước chẳng những không làm rõ hơn nghĩa cụm từ này, mà còn làm biến dạng nghĩa của nó. Cách giải thích này còn làm thu hẹp nội dung hoạt động FDI. Nếu theo cách diễn giải trước đó và hiện hành, nên sử dụng cụm từ “ĐTNN trực tiếp - Direct Foreign Investment (DFI)” tại Việt Nam thay thế cụm từ FDI, thì chính xác hơn.

Hơn nữa, cách giải thích như trong các luật này chưa phản ánh đúng nội dung của hoạt động FDI tại Việt Nam. Theo quy định, hoạt động FDI tại Việt Nam gần như được mặc định là công việc của nhà ĐTNN. Trong khi trên thực tế, các nhà đầu tư Việt Nam cùng góp vốn, tham gia quản lý, phân chia lợi nhuận và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư nước ngoài tùy theo từng dự án. Điều này cho thấy, vị thế chủ động của nhà ĐTNN, còn bên Việt Nam lại ở vị trí yếu thế, kể cả trường hợp bên Việt Nam hợp tác bình đẳng, hoặc nắm nhiều cổ phần hơn so với bên nước ngoài, thì vẫn gọi là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài!

Để giải quyết các vướng mắc trên, trong thời gian tới, các nhà làm luật Việt Nam phải đưa ra một khái niệm FDI bảo đảm tính rõ ràng và thống nhất của đạo luật, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý về ĐTNN ở Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế về đầu tư, nhằm thúc đẩy quá trình chủ động hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam.

- Sự phân định giữa FDI và FII hiện chưa rõ ràng. Luật Đầu tư năm 2005 quy định, FDI là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Và, FII là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động. Tại thời điểm đưa vốn vào công ty, thì hai hình thức đầu tư này có thể khác nhau, nhưng sau đó có thể không còn phân biệt được. Bởi, đầu tư gián tiếp có thể chuyển hóa thành đầu tư trực tiếp khi tỷ lệ cổ phần đủ lớn, nhà đầu tư tham gia vào điều hành công ty. Do đó, thời gian tới, sẽ ban hành văn bản để phân biệt rõ hơn hai khái niệm này, trên cơ sở đó bổ sung, làm rõ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo khung pháp lý hoàn thiện hơn` cho nhà ĐTNN khi thực hiện đầu tư vào thị trường Việt Nam.

- Chưa thống nhất khái niệm doanh nghiệp ĐTNN. Trong “Tọa đàm khái niệm doanh nghiệp có vốn ĐTNN và thủ tục đầu tư kinh doanh” (30/8/2012), Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, đang có sự không thống nhất trong việc áp dụng thủ tục, điều kiện đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn ĐTNN có sở hữu của nhà ĐTNN dưới 49%. Hệ luỵ kéo theo là sự không thống nhất trong việc thống kê, theo dõi, giám sát doanh nghiệp này.

Trong kế hoạch hoàn thiện pháp luật về đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định nghĩa doanh nghiệp có vốn ĐTNN đang được cân nhắc theo hai phương án: Một là, doanh nghiệp có sở hữu của nhà ĐTNN từ 51% trở lên (dựa trên Hiệp định chung về dịch vụ - GATS);  Hai là, doanh nghiệp có sở hữu của nhà ĐTNN từ 10% trở lên, trên cơ sở quy định của OECD.

Tuy nhiên, dường như mấu chốt của những lúng túng hiện tại không hẳn là tỷ lệ bao nhiêu, mà theo quan điểm của ông Ronald Parks, Giám đốc Thuế và Các dịch vụ doanh nghiệp (Công ty Kiểm toán KPMG), thì xác định các tỷ lệ này cần trả lời được hai câu hỏi: (i) Nhằm mục tiêu gì? (ii) Để kiểm soát các doanh nghiệp có vốn ĐTNN hay để khuyến khích họ?

 “Khi đến Việt Nam, các nhà ĐTNN quan tâm đến các cơ hội đầu tư, điều kiện để biến cơ hội đó thành tiền, chuyển tiền về nước thế nào, chứ thực sự không quan tâm đến các tỷ lệ sở hữu một cách chi tiết”, ông Ronald Parks  nhấn mạnh.

Vì thế, điều Việt Nam cần làm là tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện phù hợp với chủ trương thu hút ĐTNN trong giai đoạn mới. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý FDI “sạch” để hướng tới sự phát triển bền vững./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (1987). Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật số  4-HĐNN8, ngày 29/12/1987

2. Quốc hội (1996). Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật số 01/1996/QHIX, ngày 12/11/1996

3. Quốc hội (2000). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật số 8/2000/QHX, ngày 09/6/2000

4. Quốc hội (2005). Luật Đầu tư, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

5. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1601/QĐ-TTg, ngày 29/10/2012 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

6. Đỗ Đức Bình, Nguyễn Thường Lạng (2008). Giáo trình Kinh tế quốc tế, Nxb Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội

7. Nguyễn Thị Hường, chủ biên (2011). Giáo trình quản trị doanh nghiệp FDI, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội

8. Phan Vũ Hoàng (2012). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên chốt theo tỷ lệ sở hữu nào? Đầu tư chứng khoán, truy cập từ http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CIDAAJ/dn-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-nen-chot-theo-ty-le-so-huu-nao.html