Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia kinh doanh cùng người thu nhập thấp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn là việc làm thực sự cần thiết, đang ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển bền vững vì người nghèo hiện tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.

Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia kinh doanh cùng người thu nhập thấp
Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn là việc làm thực sự cần thiết. Nguồn: internet
Kinh doanh cùng người thu nhập thấp được hiểu là mô hình kinh doanh huy động nhóm thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia với vai trò là nhà cung ứng, là khách hàng, là nhà phân phối hay có thể là công nhân bằng cách tạo ra các giá trị chia sẻ. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, quy mô và phạm vi tiềm năng của doanh nghiệp trong kinh doanh, hợp tác với người nghèo, người có thu nhập thấp rất lớn, nhất là trong nông nghiệp. Khoảng 3/4 người dân sống tại các quốc gia đang phát triển, phụ thuộc hay sống bằng nông nghiệp. Có đến 70% lượng lương thực trên thế giới được sản xuất bởi hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, hỗ trợ cho người nông dân sản xuất quy mô nhỏ là phương thức hiệu quả để vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa thực hiện được mục tiêu giảm nghèo. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu cung cấp, hỗ trợ cho các nông hộ quy mô nhỏ trong các lĩnh vực: hỗ trợ kỹ thuật nuôi, trồng; phương pháp tiếp cận thị trường bền vững và dài hạn; kết hợp giữa tạo hiệu quả về mặt kinh tế phù hợp với quy mô và tiếp cận các dịch vụ tài chính, tín dụng.

Việc thúc đẩy khu vực tư nhân tạo ra những tác động giảm nghèo hay tăng trưởng vì người nghèo có vai trò lớn đối với nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế nhanh và vì người nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói nước ta thời gian qua. Cụ thể, với mỗi đơn vị phần trăm tăng lên của GDP sẽ làm tỷ lệ nghèo đói giảm từ 1,2-1,3%. Ở nước ta tỷ lệ hộ nghèo vẫn đang ở mức cao và khả năng tái nghèo rất lớn; do vậy, việc thúc đẩy tăng trưởng lan tỏa tại những vùng hay lĩnh vực mà người nghèo đang kiếm sống và chuyển sang để kiếm sống, là phương thức mang lại hiệu quả thực sự và nhanh hơn để giảm nghèo.

Song, hiện tại, khu vực tư nhân vẫn chưa thực sự mặn mà với việc tham gia đầu tư vào lĩnh vực này do vấp phải không ít những rào cản. Về phía doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp tư nhân tham gia với tư tưởng làm từ thiện và thường chỉ ưu tiên đầu tư, thực hiện các chính sách, dự án mang tính ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp không thực sự sẵn sàng sử dụng vốn để đầu tư, kinh doanh cùng người thu nhập thấp; họ cầu toàn và bằng lòng với mô hình kinh doanh hiện tại của mình. Trong khi, Nhà nước chưa có những chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiều rủi ro này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Chẳng hạn, rủi ro và chi phí cao, năng lực về tài chính, nhân sự hạn hẹp; thông tin về nhu cầu của nông hộ thu nhập thấp không đầy đủ và thiếu nhà cung cấp các dịch vụ chuyên biệt... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động trong hệ thống của các nhà tài trợ cùng thực hiện dự án. Nhiều doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu/bán lẻ trong phát triển chuỗi giá trị chưa nhận thấy vai trò quan trọng của việc kết hợp, làm việc trực tiếp với các nông hộ. Thêm vào đó, một bộ phận người thu nhập thấp, người nghèo nhận thức chưa đầy đủ, chưa cố gắng vươn lên kinh doanh, sản xuất để thoát nghèo; còn tư tưởng trông chờ, xem dự án kinh doanh chỉ là một hình thức tài trợ.

Để thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào kinh doanh cùng người nghèo, người thu nhập thấp nhiều hơn thời gian tới, các chuyên gia của Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu khuyến nghị, các nhà tài trợ nên lựa chọn đối tác trong khu vực tư nhân có tầm nhìn, chiến lược dài hạn và chấp nhận rủi ro; có năng lực quản lý và nhân lực ổn định. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, nhất là về mặt pháp lý nhằm tạo động lực thương mại lớn cho doanh nghiệp phát triển mối liên kết dài hạn với người nông dân, với hộ gia đình và có sự cam kết chặt chẽ với chuỗi giá trị mà doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc các bên cùng có lợi, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu lợi nhuận của khu vực tư nhân với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ trong hoạt động kinh doanh cùng người thu nhập thấp. Hợp tác chặt chẽ và tiếp tục huy động vốn hỗ trợ từ các nhà tài trợ nước ngoài trong việc phát triển công nghệ mới; tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia. Từ đó, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp khu vực tư nhân và các tác động xã hội tích cực, tạo điều kiện phát triển bền vững cho người nghèo, người có thu nhập thấp.