Thuế tài sản và khoảng trống cơ sở cần lấp đầy

TS. Nguyễn Đình Chiến - Học viện Tài chính

Mở rộng cơ sở thuế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và tăng cường khả năng quản lý của Nhà nước là xu hướng chung của tất cả các quốc gia. Thuế tài sản ở Việt Nam hiện hành vẫn còn những khoảng trống về cơ sở thuế. Bài viết tập trung đánh giá cơ sở thuế tài sản theo luật định và những định hướng nhằm lấp đầy khoảng trống cơ sở thuế của thuế tài sản ở Việt Nam thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thuế tài sản và cơ sở thuế tài sản

Thuế tài sản là tên gọi chung chỉ các sắc thuế lấy giá trị tài sản làm cơ sở tính thuế. Trong hệ thống thuế của một quốc gia, thuế tài sản tồn tại bên cạnh thuế thu nhập và thuế tiêu dùng nhằm bao quát được các khả năng nộp thuế trong nền kinh tế; huy động được nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN); đảm bảo công bằng xã hội và thực hiện được việc quản lý, kiểm soát, điều tiết đối với tài sản, đối với các hành vi sở hữu, sử dụng tài sản, khuyến khích sử dụng tài sản hợp lý, có hiệu quả.

Một chính sách thuế tài sản đầy đủ, hợp lý phải được xây dựng trên cơ sở bao quát đầy đủ, điều tiết hợp lý các cơ sở thuế trong những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Khi cơ sở thuế tài sản chưa được bao quát, điều tiết đầy đủ, thất thu thuế tiềm năng vẫn còn, ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN và tính công bằng của thuế khóa.

Ngược lại, khi thuế tài sản có cơ sở thuế quá rộng, không phù hợp, vượt khả năng nộp thuế của người dân, khả năng quản lý của cơ quan thuế thì chính sách thuế này sẽ có tác dụng ngược lại với mục tiêu tăng thu NSNN, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Cơ sở thuế theo cách hiểu chung nhất là các cơ sở kinh tế mà Nhà nước có thể điều tiết bằng các sắc thuế. Đối với thuế tài sản, cơ sở thuế chính là các tài sản có thể đưa vào diện chịu sự điều tiết của thuế tài sản. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, mục tiêu, yêu cầu cũng như khả năng quản lý mà các quốc gia có thể xác định các dạng tài sản chịu thuế khác nhau.

Cụ thể, tài sản chịu thuế có thể được lựa chọn theo 6 dạng cơ bản sau: (i) Toàn bộ tài sản của người nộp thuế (NNT); (ii) Các tài sản có giá trị lớn của NNT; (iii) Các tài sản của NNT mà Nhà nước cần quản lý; (iv) Các tài sản của NNT mà Nhà nước có thể quản lý; (v) Các tài sản của NNT mà Nhà nước cần và có thể quản lý; (vi) Các tài sản có giá trị lớn của NNT mà Nhà nước cần và có thể quản lý.

Ngoài ra, các trường hợp ưu đãi, miễn giảm thuế tài sản cũng thể hiện mức độ rộng hẹp của cơ sở thuế tài sản. Trường hợp ưu đãi, miễn giảm càng nhiều, cơ sở thuế càng hẹp và ngược lại.

Khoảng trống cơ sở thuế tài sản theo luật định hiện hành ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, thuộc loại thuế tài sản chỉ có hai sắc thuế điều tiết vào cùng một loại tài sản, đó là thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Cụ thể: Thuế sử dụng đất nông nghiệp đánh vào tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đánh vào tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất phi nông nghiệp.

Hai sắc thuế này đều đánh hàng năm vào giá trị quyền sử dụng đất. Trong đó, giá trị quyền SDĐNN được xác định theo giá trị sinh lợi của đất (chất đất, độ phì nhiêu của đất, khí hậu, địa hình, điều kiện tưới tiêu…); giá trị quyền SDĐPNN được xác định theo giá quy định của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, khoản thu lệ phí trước bạ hiện hành có quy định xác định số thu bằng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị các tài sản thuộc diện Nhà nước quản lý cũng có tính chất của thuế tài sản. Khoản thu này thực hiện một lần khi chủ sở hữu tài sản thực hiện đăng ký quyền sở hữu của mình với cơ quan quản lý nhà nước.

Nhìn chung, xét về tổng thể, các sắc thuế và khoản thu trước bạ nói trên đã bao quát được một số tài sản có giá trị lớn và những tài sản Nhà nước cần quản lý trong dân cư; góp phần huy động nguồn thu cho NSNN; góp phần quản lý, kiểm soát tài sản trong dân cư, đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, xét về cơ sở thuế, chính sách thuế tài sản Việt Nam vẫn còn khoảng trống cần phải được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo bao quát, điều tiết đầy đủ hơn các khả năng đánh thuế tài sản trong nền kinh tế.

Cụ thể, thuế tài sản ở Việt Nam hiện nay (thể hiện ở thuế SDĐNN và Thuế SDĐPNN – thay thế Thuế nhà đất trước đây) ra đời trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn nên chỉ mới điều tiết duy nhất một loại tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, với việc mở rộng diện ưu đãi, miễn giảm của thuế SDĐNN cũng như việc miễn thuế SDĐPNN cho NNT có số thuế hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống… nên cơ sở thuế đã bị thu hẹp đáng kể.

Do đó, trong điều kiện hiện nay cũng như thời gian tới, chính sách thuế tài sản của Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng mở rộng, bao quát được các cơ sở thuế nhằm phát huy hơn nữa các vai trò của thuế tài sản, đặc biệt là trong việc tăng thu NSNN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn lực tài sản trong dân cư ngày càng tăng trưởng.

Kiến nghị đối với cơ sở thuế tài sản thời gian tới

Kinh tế Việt Nam hiện nay đã có sự tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ đầu hình thành hệ thống thuế thống nhất, nguồn lực tài sản trong dân cư ngày càng gia tăng, đồng thời chênh lệch về giá trị tài sản sở hữu giữa các chủ thể trong xã hội ngày càng lớn.Trong điều kiện đó, khả năng mở rộng cơ sở thuế tài sản nhằm huy động nguồn thu, quản lý, điều tiết quá trình phân phối, sở hữu, sử dụng tài sản là hoàn toàn hiện hữu. 

Trên cơ sở 6 dạng tài sản chịu thuế nêu trên, có thể thấy, để phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, khả năng quản lý của cơ quan thuế và các cơ quan liên quan, các tài sản chịu thuế ở Việt Nam nên được xác định theo dạng thứ 6. Cách xác định tài sản chịu thuế này sẽ đảm bảo được yêu cầu về công bằng, hiệu quả cũng như yêu cầu và khả năng quản lý, kiểm soát, điều tiết tài sản. Vấn đề đặt ra là phải xem xét, lựa chọn loại tài sản nào sẽ thuộc diện chịu thuế theo các tiêu thức trên.

- Đối với các tài sản tài chính: Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các tài sản này thường được dịch chuyển liên tục giữa các chủ sở hữu khác nhau, không thuộc về một chủ thể nào đó trong một thời gian dài; đồng thời, giá trị các tài sản này trong nhiều trường hợp không thực sự hiện hữu và thường biến động thất thường theo từng thời điểm, gây khó khăn trong việc quản lý và đánh thuế hàng năm. Do đó, trước mắt không đánh thuế tài sản vào các tài sản này.

- Đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ: Việc điều tiết bằng thuế tài sản hàng năm vào tài sản này sẽ không khả thi, vì khả năng kiểm soát các tài sản này khó khăn và với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, tính lâu bền của các tài sản này cũng khó đảm bảo để có thể đánh thuế hàng năm.

- Đối với các tài sản là vũ khí được phép sử dụng: Các tài sản này thường có giá trị thấp, lợi ích mang lại không lớn. Do đó, không nên đánh thuế tài sản hàng năm vào loại tài sản này, vì số thuế nhỏ, chi phí quản lý lớn.

- Đối với tài sản là quyền sử dụng đất: Tài sản quyền sử dụng đất hiện nay là một trong những tài sản lớn của các đối tượng trong xã hội, loại tài sản này thỏa mãn đầy đủ cả ba tiêu thức nói trên và đang được điều tiết hàng năm bằng thuế sử dụng đất. Do đó, tài sản này cần tiếp tục được điều tiết với những thay đổi phù hợp điều kiện mới.

- Đối với tài sản là nhà, vật kiến trúc trên đất: Thuế đánh vào nhà ở đã từng tồn tại ở Việt Nam, nhưng từ năm 1991 đến nay không được quy định và áp dụng do các điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống người dân còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển...

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đời sống được nâng cao, khả năng tích luỹ lớn, lượng tài sản là nhà ở, vật kiến trúc cũng đã không ngừng gia tăng, tạo ra khả năng nộp thuế của các đối tượng sở hữu. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu nghèo về nhà ở cũng tăng lên, đồng thời, hoạt động của thị trường bất động sản đang có nhiều bất cập, gây ra sự lũng đoạn, đầu cơ, bất bình đẳng về phân phối nhà ở.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, loại tài sản là nhà, vật kiến trúc trên đất cần đưa vào diện chịu thuế tài sản hàng năm. Quy định này sẽ góp phần thực hiện yêu cầu kiểm kê, kiểm soát, quản lý của Nhà nước đối với quỹ nhà ở, khuyến khích sử dụng quỹ nhà ở hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Đồng thời, góp phần thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập, tài sản, đời sống của các tầng lớp dân cư.

Tuy nhiên, để đáp ứng được tiêu thức tài sản chịu thuế phải thuộc diện có giá trị lớn, có thể điều tiết bằng thuế, không phải tất cả các ngôi nhà, vật kiến trúc trên đất đều đưa vào tính thuế. Có thể lựa chọn một trong hai phương án sau:

Thứ nhất, chỉ đánh thuế vào nhà, vật kiến trúc trên đất có giá trị vượt quá mức khởi điểm chịu thuế. Lúc này, các ngôi nhà, vật kiến trúc trên đất có giá trị (xác định theo các quy định về giá tính thuế) vượt quá một ngưỡng nhất định sẽ thuộc diện chịu thuế.

Thứ hai, chỉ đánh thuế vào nhà, vật kiến trúc thứ hai trở đi. Người chỉ sở hữu một ngôi nhà, vật kiến trúc không phải nộp thuế. Người sở hữu từ hai nhà, vật kiến trúc trở lên sẽ phải nộp thuế đối với các ngôi nhà, vật kiến trúc còn lại ngoài ngôi nhà, vật kiến trúc thứ nhất.

- Đối với tài sản là các phương tiện giao thông: Đây là các tài sản lớn của người dân hiện nay, giá trị của chúng phản ánh phần nào mức độ giàu có của người sở hữu và thể hiện được khả năng nộp thuế của các chủ thể đó. Đồng thời, quá trình sở hữu và sử dụng các tài sản này trong xã hội sẽ có tác động nhất định đến các vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, ý thức tôn trọng pháp luật...

Do đó, về nguyên tắc, có thể xem xét đưa loại tài sản này vào diện quản lý, điều tiết bằng thuế tài sản hàng năm để tăng cường việc quản lý nhà nước đối với các tài sản này cũng như chủ sở hữu, sử dụng chúng, từ đó có sự điều tiết, tác động kịp thời nhằm khuyến khích các chủ sở hữu sử dụng tài sản hợp lý, hiệu quả, hạn chế các tác hại như gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, thiếu ý thức chấp hành pháp luật...

Tuy nhiên, hiện nay, các tài sản loại này (ôtô từ 24 chỗ ngồi trở xuống, xe máy dung tích xi lanh trên 125cc, du thuyền, máy bay) đã được điều tiết bằng thuế tiêu thụ đặc biệt bên cạnh thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, đồng thời phải chịu Lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu (có tính chất như thuế tài sản đánh một lần), nên việc xem xét đưa loại tài sản này vào chịu thuế tài sản có thể xem xét trong dài hạn.

Như vậy, các tài sản chịu thuế tài sản có thể điều tiết hàng năm ở Việt Nam trong thời gian tới cần xem xét bao gồm: Quyền sử dụng đất (nông nghiệp, phi nông nghiệp); nhà, vật kiến trúc trên đất. NNT tài sản sẽ là các chủ thể có quyền sở hữu tài sản chịu thuế.

Đối với đất là tài sản thuộc sở hữu quốc gia giao cho đối tượng khác sử dụng, NNT là các chủ thể có quyền sử dụng đất. Một số tài sản đang có sự tranh chấp về quyền sở hữu giữa các chủ thể khác nhau thì NNT là chủ thể đang trực tiếp sử dụng tài sản đó và việc nộp thuế này không bao hàm việc xác lập quyền sở hữu tài sản cho chủ thể đó.

Bên cạnh đó, cần xem xét các trường hợp tài sản không chịu thuế theo các tiêu thức như chủ sở hữu, mục đích sử dụng hay các thông lệ chung. Ngoài ra, cần xem xét nghiên cứu việc đánh thuế tài sản một lần đối với các tài sản mới được tạo dựng và được chủ sở hữu thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản. Khi đó, hệ thống thuế tài sản Việt Nam sẽ đảm bảo tính đầy đủ xét trên góc độ cơ sở thuế, phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế cũng như mục tiêu đánh thuế tài sản.    

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính & ETV2 Component 1(2008), Cách đánh thuế tài sản ở Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học;

2. Nguyễn Đình Chiến, Xây dựng chính sách thuế đánh vào tài sản ở Việt Nam thời gian tới, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán, số 1 (18) 2005.

3. http://financial-dictionary.thefreedictionary.com/tax+base.