Tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0: Không thể thực hiện đơn lẻ

Theo Lê Bình/daibieunhandan.vn

Dù khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 mới xuất hiện trên thế giới, song nước ta đã bước đầu tiến hành chuẩn bị, để bắt nhịp với sự thay đổi của khoa học - công nghệ, và cũng là của kinh tế thế giới. Quan tâm đến chủ đề này, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, để tiếp cận thành công, khai thác cơ hội, hạn chế thách thức, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cơ quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực hiện một cách vững chắc

Khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến trong Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao, được Chính phủ Đức ban hành năm 2016. Song, bên cạnh một số quốc gia đi đầu đã đưa ra sáng kiến thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp này (Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc), nhiều nước cũng quan tâm triển khai.

Trong đó, việc nhận diện cuộc cách mạng công nghiệp mới của thế giới cũng đã được thể hiện sớm trong các văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để chủ động nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có những hành động quyết liệt, song cũng thận trọng để tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong hai năm 2016 và 2017, nước ta đã thực hiện các bước đi vững chắc như nắm tình hình khoa học, công nghệ thế giới, làm rõ nội hàm, xác định chiến lược, định hướng, kế hoạch, sản phẩm chủ lực của từng ngành… Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, các bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt vào cuộc, xã hội hưởng ứng tích cực, nhất là trong khối dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, giáo dục.

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nêu rõ, đến cuối năm 2017, việc triển khai các nhiệm vụ để chuẩn bị cho tiếp cận cuộc cách mạng này đã mang lại một số kết quả bước đầu. Đơn cử, với những bước tiến khá nhanh về phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, năm 2016, Việt Nam đã dần được ghi nhận trên “bản đồ” công nghệ thông tin - truyền thông thế giới.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính được tăng cường, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, sau khi Chỉ thị 16 được ban hành, các bộ, ngành, địa phương, với sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như trực tiếp các doanh nghiệp đã chủ động triển khai tìm hiểu, nghiên cứu về khả năng chuyển giao, ứng dụng, hay phát triển các công nghệ mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Dùng chính sách để kích ứng thay đổi

Dù cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mới được triển khai, song sự thay đổi của khoa học - công nghệ trên thế giới lại diễn ra với tốc độ vũ bão. Sự thay đổi của thực tế cuộc sống đã thu hút sự quan tâm của các ĐBQH. Tại những kỳ họp gần đây, nhiều ĐBQH đã đưa ra những ý kiến phân tích sâu về lợi thế, thách thức với nước ta khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp này.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ: Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, một số công nghệ tiên tiến như in 3D, robot, vật liệu mới như nano đã xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, mới dừng lại ở việc mỗi thứ một ít và không thứ nào đạt đến mức nắm bắt thực sự công nghệ 4.0. Trên thực tế, theo ĐB Nguyễn Phi Thường, thì nền sản xuất công nghiệp của nước ta phần lớn đang chưa hoàn thành trạng thái 2.0, người điều khiển máy đơn dùng và chưa có trí tuệ nhân tạo.

Ở một số hoạt động lại có những hệ máy tiến lên 3.0, nhưng không phải do chủ động về công nghệ mà do sự du nhập trong toàn cầu hóa và tính bắt buộc phải có dẫn dắt theo dây chuyền sản xuất của thế giới. Nền sản xuất trở nên phân mảnh, đứt gẫy và tạo sản phẩm đầu ra nhiều khiếm khuyết, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Tất nhiên, với sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ phổ cập của internet hiện nay, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, Việt Nam vẫn còn cơ hội khai thác cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua sử dụng công cụ chính sách để kích ứng sự thay đổi mạnh mẽ ở các doanh nghiệp.

Khoa học - công nghệ cần thực sự là quốc sách hàng đầu, định hướng nghiên cứu và phục vụ cách mạng 4.0, không phải như cách hiện nay. ĐB Nguyễn Phi Thường cũng lưu ý, ở một số lĩnh vực mà thế giới đã tiến rất xa như tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông - vận tải… Chính phủ nên hỗ trợ đi tắt đón đầu, đầu tư tiếp cận thẳng công nghệ 4.0, thay vì để các cơ quan, doanh nghiệp tự mày mò nghiên cứu.          

Có thể thấy, thực tế ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức ở nước ta đúng như nhận định của ĐBQH là “mỗi thứ một ít”. Ngay như việc thực hiện triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì mới chỉ mang tính riêng rẽ ở từng bộ, ngành, địa phương, chưa có sự gắn kết thành khối chung trên bình diện quốc gia.

Vì sự triển khai riêng lẻ này, một số địa phương nỗ lực triển khai mô hình thành phố thông minh (như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay tỉnh Quảng Ninh) đều lo ngại về hiệu quả, khi không có sự liên thông ứng dụng công nghệ của một số bộ, ngành.

Với sự chuyển biến nhanh chóng của thế giới hiện nay, việc chuẩn bị tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được ĐBQH, cử tri quan tâm trong thời gian tới. Do đó, bên cạnh việc xây dựng chính sách để kích ứng sự thay đổi mạnh mẽ trong từng đơn vị, thì sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương cũng cần được chú trọng.