Tiếp tục cơ cấu và thu hẹp doanh nghiệp nhà nước

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Qua 30 năm đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), các chủ thể trong nền kinh tế ngày càng mở rộng với hiệu quả ngày càng cao. Số lượng các doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng dần qua các năm, DN nhà nước (DNNN) được đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại đã góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

DNNN sẽ chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
DNNN sẽ chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Khẳng định vai trò của DNNN

Theo tổng kết của Bộ Tài chính, số lượng DN thành lập mới tăng dần qua các năm. Tổng số DN đang hoạt động đến thời điểm tháng 6-2013 là 566.090 DN. Trong giai đoạn 2001-2011, số lượng DNNN giảm 50% trong khi số lượng DN ngoài nhà nước tăng gấp 9 lần, DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6 lần.

Theo đó, cơ cấu DN cũng có sự thay đổi, tỷ trọng DNNN trong tổng số DN giảm từ 13,6 năm 2000 xuống còn 1% năm 2011. Tỷ trọng DN ngoài nhà nước tăng từ 82,7% lên 96,2%. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung không có sự thay đổi lớn trong cơ cấu DN.

Đáng chú ý, hệ thống các DNNN được đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại đã góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN. Tính đến 31-12-2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 DN. Trong đó, cổ phần hóa 3.659 DN; chuyển thành Công ty TNHH một thành viên 1.033 DN; giao 22 DN; bán 158 DN; giải thể 313 DN; phá sản 92 DN.

Các hình thức khác (sáp nhập, hợp nhất...): 877 DN. Bên cạnh đó, đã hình thành các tổng công ty và một số tập đoàn kinh tế ở những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế. Đồng thời đã thu hẹp những lĩnh vực độc quyền nhà nước. Đã có 32 tỉnh không còn DNNN kinh doanh thuần túy, mà chủ yếu sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, tính đến ngày 31/12/2013 đã có 85/91 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 68 DN đã được phê duyệt đề án gồm 58 DN trung ương và 10 DN thuộc địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào xuất khẩu, tiếp cận công nghệ hiện đại, tạo điều kiện cho nước ta từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu năm 2011, xuất khẩu của khu vực này mới chỉ chiếm 45,2% tổng kim ngạch, thì chỉ 2 năm sau, năm 2003 xuất khẩu khu vực này đã vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, chiếm khoảng 64% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2012 và 61,2% kim ngạch xuất khẩu năm 2013.

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã góp phần thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng hàng xuất khẩu và khoáng sản, hàng sơ chế sang tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo, góp phần hạn chế nhập siêu thông qua việc cung cấp cho thị trường trong nước các sản phẩm có chất lượng, thay thế được hàng nhập khẩu...

DNNN chỉ tập trung một số lĩnh vực

Định hướng phát triển kinh tế thị trường trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính cho rằng, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật; tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN để góp phần giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời khẩn trương cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, thu hẹp những lĩnh vực độc quyền nhà nước, xóa bỏ bao cấp của nhà nước.

Theo đó, sẽ xác định đúng đắn, cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng quản trị và giám đốc DN đối với vốn và tài sản của nhà nước tại DN, vừa đảm bảo quyền chủ động sản xuất kinh doanh của DN, vừa bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cũng khẳng định rằng, dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN do Bộ Tài chính soạn thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ thúc đẩy được việc sắp xếp đổi mới DNNN. Trong dự án Luật, từ khâu đầu tư đến quản lý đều đưa các nội dung đổi mới quyết liệt để đảm bảo khu vực DNNN thực sự hoạt động có hiệu quả và sẽ thu hẹp DNNN.