Tìm lực đỡ cho tăng trưởng kinh tế

Theo Tạp chí Chứng khoán số 213

Kinh tế 6 tháng tiếp tục tăng trưởng song có dấu hiệu chững lại, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012 - 2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Tăng trưởng kinh tế đang chững lại

Trong mức tăng 5,52% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12% (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 7,09%), đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35% (quý I tăng 5,98%; quý II tăng 6,68%), đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy hải sản giảm 0,18% (quý I giảm 1,31%; quý II tăng 0,36%), làm giảm 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,09 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 10%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 2,22 điểm phần trăm.

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng nhưng tốc độ chậm lại. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ dấu hiệu khởi sắc trong năm 2015, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn từ thời tiết, biến đổi khí hậu và môi trường biển.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2%. Về vấn đề này, Tổng cục Thống kê kiến nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có giải pháp phục hồi tăng trưởng của ngành công nghiệp, nhất là chế biến hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm trước; ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,6%; quý II tăng 7,5%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/6/2016 tăng 9% so với cùng thời điểm năm 2015 (thấp hơn mức tăng 11,8% của cùng thời điểm năm trước).

Đáng chú ý, đóng góp chung cho GDP 6 tháng đầu năm 2016, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay; trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước như bán buôn, bán lẻ tăng hơn 8%, hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm xã hội tăng trên 6%.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Con số thống kê cũng cho thấy tín hiệu tích cực về hoạt động của doanh nghiệp. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, còn có 16.125 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 774,7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1.202,5 nghìn tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 14.902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (6 tháng đầu năm 2015 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1.724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5%, thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2015.

Tính đến thời điểm 20/6/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 5,09%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23% (cùng kỳ năm trước tăng 4,58%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2% (cùng kỳ năm trước tăng 6,28%). Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5% - 5,4%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng ở mức 5,4% - 7,2%/năm.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 618,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,9% GDP.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2016 ước tính đạt 425,6 nghìn tỷ đồng, bằng 42% dự toán năm. Tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2016 ước tính đạt 508,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9% dự toán năm.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng Năm nhập siêu 177 triệu USD; tháng Sáu ước tính nhập siêu 100 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước. Trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với 2,99%, chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào các thời điểm 20/5/2016 và 04/6/2016 (làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46%, tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,27%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%. Do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27% (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,03%), giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14%.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, cuối năm nhu cầu tăng nên sẽ tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, nguồn cung những mặt hàng này dồi dào nên giá sẽ không tăng đột biến. Ngoài ra, CPI 6 tháng cuối năm còn chịu ảnh hưởng từ mức tăng của giá dầu thô thế giới cũng như việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế.

Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra, theo Tổng cục Thống kê, cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đồng thời cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động đến CPI.

Tìm lực đỡ cho tăng trưởng

Nhìn lại chặng đường 6 tháng qua của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy kết quả đạt được lớn nhất đó là dù gặp khó khăn nhưng có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Dự trữ ngoại tệ khá, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, tín dụng đối với nền kinh tế tăng trưởng tốt. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao.

Với GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 5,52% thì 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6% để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng 6,7% như Quốc hội đề ra. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Tuy vậy, nhiều ý kiến tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Năng lực xuất khẩu vẫn còn có thể tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là sản phẩm thủy sản, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 8,5%. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp trong nước có nhiều tín hiệu tốt.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê liên quan đến kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy, có 47,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 13,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Dự kiến so sánh xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II, có 38,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 12,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 49,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Thêm vào đó, các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; sớm đưa các dự án có điều kiện vào sản xuất; mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây sẽ là lực đỡ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ kiến tạo, hoạt động có kỷ luật, kỷ cương với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh để người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trách nhiệm của Chính phủ là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, cởi trói cho sự phát triển để hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng.

Tái khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của khởi nghiệp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh về công tác này và báo cáo Chính phủ.

Yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, Thủ tướng chỉ rõ: Thẩm quyền đến cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm, không đùn đẩy lên cấp trên.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2016 đã đề ra. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, Thủ tướng cho rằng, cần những giải pháp đồng bộ, bám sát các Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đồng thời kiến nghị giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Thủ tướng cũng quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, trong đó có nguyên nhân liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm. Các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giao vốn để bảo đảm tạo việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế.

Liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành điều hành chủ động linh hoạt, đảm bảo hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định, với sức ép tăng lãi suất là rất lớn, vì vậy điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát.

Ngoài việc điều hành giá nói chung, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác để tránh tác động tới điều hành lãi suất. Hiện nay, nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn nên cần chủ động, linh hoạt trong điều hành để giữ ổn định lãi suất cho vay.