Trách nhiệm của người làm báo

Theo daidoanket.vn

Làm báo ở bất cứ giai đoạn nào cũng thú vị và không dễ dàng. Và luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Bác Hồ, người khởi đầu cho nền báo chí cách mạng ở Việt Nam, đã đặt ra tiêu chí đầu tiên đối với những người làm báo mà Bác gọi là “cán bộ báo chí”.

Nhà báo phải là người trung thực với những gì tai nghe mắt thấy, với sự thật. Nguồn: internet
Nhà báo phải là người trung thực với những gì tai nghe mắt thấy, với sự thật. Nguồn: internet

Bác nhấn mạnh: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới…”

Trong tình hình mới hiện nay, nhiệm vụ đứng trước những người làm báo chúng ta có thể nhiều hơn, rộng hơn, đa diện hơn, nhưng tựu trung vẫn không đi ra ngoài những gì mà vị lãnh tụ kính yêu của Cách mạng Việt Nam đã căn dặn. Những yêu cầu mà Bác Hồ đã đặt ra cho những người làm báo thật giản dị, rất dễ thực hiện nhưng không phải vì thế mà không cần phải thường xuyên nhớ tới:

“1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.”

4. Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ”…

Tất nhiên, nhìn từ góc độ nào đó, làm báo cũng chỉ là một nghề như nhiều nghề chân chính khác. Tuy nhiên, nhà báo không thể chỉ là người hành nghề để mưu kế sinh nhai. Nhà báo trước hết phải là một người hành nghề với tinh thần trách nhiệm xã hội cao, ý thức chính trị rõ ràng, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Chỉ có một tâm thế trong sáng chí công vô tư, “mắt sáng, lòng trong, mới có thể giúp nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ của mình khỏi bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố phức tạp, thậm chí nhuốm màu tiêu cực, đang đeo bám các lĩnh vực xã hội đương đại trong cơ chế thị trường muôn màu muôn vẻ dù đã được xác định là phải phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và chỉ có như vậy, những người làm báo mới giữ được ngòi bút sắc, trung thực và xác đáng, đúng mực và phù hợp với định hướng tích cực của xu thế và phòng ngừa những nguy cơ chủ quan và khách quan đang đe dọa hành trình tiến tới tương lai ngày một tốt đẹp hơn của đất nước…

Nhà báo phải là người hành nghề với những tiêu chí đạo đức cao. Không ngẫu nhiên mà Bác Hồ đã luôn nhắc nhở những người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ từng rất phê phán những người coi nghề báo là việc để kiếm danh lợi cá nhân: “Có người muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: Làm việc gì có ích cho dân, cho cách mạng đều là vẻ vang…”

Nhà báo phải là người trung thực với những gì tai nghe mắt thấy, với sự thật, với sự tử tế, hướng thiện. Nhà báo không thể dựng đứng lên những gì bất thực, chỉ có lợi cho góc nhìn mà mình cổ xúy mà phủ nhận hay làm méo mó thực tế khách quan, đôi khi có thể còn rất đau đớn hoặc bất cập. Nhưng bất luận trường hợp nào, nhà báo cũng phải khơi dậy những niềm tin hướng thiện trên cơ sở nhìn nhận đúng thực tại, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất, tìm ra những hạt mầm lạc quan, tích cực, hướng tới sự phát triển, sự ổn định trong muôn sắc màu sống động của hiện thực. Ở đây lại cần nhớ lại lời căn dặn của Bác Hồ: “ Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng, Ta, bạn, thù, thì viết mới đúng”. Và: “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra… Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền…”

Những tiến bộ công nghệ mau lẹ và thần kỳ đang giúp cho những người làm báo có thêm các công cụ chuyên môn đầy công lực. Và cũng tạo ra những thách thức mới ngày một to lớn hơn. Chính vì thế, những người làm báo cần không ngừng phải trau dồi nghiệp vụ, không bao giờ được tự thỏa mãn hay chủ quan. Càng không được bao giờ “cho bài mình là tuyệt rồi” mà mục hạ vô nhân, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị… Và phải luôn bám sát đời sống thực của xã hội với một cái nhìn đúng đắn, vững vàng, một tâm thế cân bằng hướng thiện…