Triển vọng hội nhập AEC 2015

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 tới sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là chúng ta cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Triển vọng hội nhập AEC 2015
AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam. Nguồn: internet

Diễn đàn Mekong 2014 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 – Cơ hội và thách thức” do Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia và Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sáng 17/10 đã nhận diện những cơ hội và thách thức không nhỏ cho Việt Nam khi AEC được thành lập vào năm tới.

Nhiều cơ hội lớn

Từ tháng 1/2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí mục tiêu hình thành AEC vào năm 2015.

Theo đó, mục tiêu của AEC đến năm 2015 là phải tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao sức mạnh cạnh tranh và thúc đẩy thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài.

Tính đến nay, các nhà đầu tư thuộc khu vực ASEAN đã đầu tư tại 55/63 tỉnh, thành của Việt Nam, với 2.431 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 14,2% số dự án FDI và trên 21,4% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản.

Về đầu tư sang các nước ASEAN, tính đến tháng 9/2014, Việt Nam đã đầu tư sang 8 quốc gia ASEAN với 522 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 9,74 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng số dự án và 51,2% vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào các lĩnh vực nông lâm nghiệp, năng lượng, khai khoáng, bất động sản, tài chính…, những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và có nhiều tiềm năng hợp tác với các nước trong khu vực.

Việt Nam – ASEAN là địa bàn đầu tư quan trọng. Cơ hội được trông đợi nhất từ tất cả các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam là sự đầu tư và hợp tác đến từ các nền kinh tế lớn, phát triển. Việc kết nối và xây dựng một ASEAN thống nhất, bớt chia cắt hơn sẽ khiến các nhà đầu tư lớn nhìn ASEAN như một sân chơi chung, một công xưởng chung có khối nguồn lực thống nhất, đặc biệt là nguồn lực có kỹ năng với giá còn tương đối rẻ.

Bên cạnh đó, việc trở thành một không gian sản xuất chung, một thị trường chung rộng lớn, thống nhất với dân số trên 600 triệu người và quy mô GDP hiện nay khoảng 2.400 tỷ USD, thì AEC sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới, là khu vực xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới sẽ tạo điều kiện để hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển trong các nước thành viên ASEAN mà không phải chịu sự phân biệt đối xử. Nhờ đó, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hưởng lợi nhờ phát huy hiệu quả kinh tế theo quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn.

Mặt khác, AEC tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam, thông qua phân công lao động và trao đổi hàng hóa, dịch vụ trung gian, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, tạo ra sức cạnh tranh cao của khu vực ASEAN, đáp ứng nhu cầu lớn không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn hướng ra tiêu dùng của các khu vực phát triển hơn, như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thách thức không nhỏ

Bên cạnh những cơ hội, thì Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức khi tham gia AEC. Trước hết và vấn đề cạnh tranh của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trên thị trường nội địa và khó có khả năng vươn ra, chiếm lĩnh trên thị trường các nước thành viên ASEAN khác. Doanh nghiệp năng lực kém sẽ không được chọn để tham gia các khâu có lợi nhuận cao của chuỗi cung ứng, chỉ có thể tham gia các công đoạn gia công. Người lao động trình độ thấp sẽ khó vươn lên các vị trí quản lý hay trở thành các chuyên gia có mức lương cao.

Hơn nữa, theo ATIGA – hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN về điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối, dự kiến đầu năm 2015 sẽ bổ sung thêm 1.720  dòng thuế cắt giảm xuống 0%.

Một khi việc giao lưu hàng hóa trở nên thuận tiện và rẻ hơn giữa các nước, thì các nhà đầu tư sẽ cân nhắc đầu tư sản xuất tại những địa điểm thuận lợi nhất về môi trường kinh doanh, tính nhất quán của chính sách, kinh tế vĩ mô ổn định, dồi dào nguồn lực con người và nguồn nguyên liệu, sau đó phân phối sản phẩm đến những vùng khác nhau trong ASEAN.

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải duy trì được những lợi thế đã có và nhanh chóng tạo ra những lợi thế mới để cạnh tranh được với các đối thủ trong việc thu hút dòng vốn FDI quy mô lớn và có chất lượng.

Theo ông Vũ Văn Chung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để hội nhập AEC có hiệu quả, thì Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam đang tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản.

Ông tin tưởng: “Với quyết tâm của Chính phủ, cộng với sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, chúng ta sẽ vượt qua thách thức, nhanh chóng đón nhận những cơ hội mới, thực hiện thành công công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.