Ứng xử về thuế đối với doanh nghiệp có vốn mỏng

Theo Trung Kiên/tapchithue.com.vn

Vay tài chính là một trong những giao dịch phổ biến mà các tập đoàn, công ty đa quốc gia thường sử dụng để chuyển lợi nhuận từ quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia có thuế suất thấp, bởi chi phí lãi vay (CPLV) được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Việc lợi dụng chi phí tài chính đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng trong SXKD và làm xói mòn cơ sở tính thuế. Đây là vấn đề đang được các nước trên thế giới cũng như Việt Nam quan tâm và tìm giải pháp kiểm soát nhằm chống thất thu ngân sách, đảm bảo công bằng xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Kinh nghiệm quốc tế
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD), một DN có tỷ lệ vay vốn lớn hơn nhiều lần vốn đầu tư của chủ sở hữu được xem là DN có vốn mỏng. Cũng theo OECD, việc sắp xếp cơ cấu vốn của một DN sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận tính thuế của đơn vị đó.
Vì một công ty có tỷ lệ vốn vay càng cao, CPLV càng lớn thì thu nhập tính thuế càng giảm. Tình trạng lợi dụng nguyên tắc vốn mỏng không những gây thất thoát lớn cho NSNN, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của chính DN vốn mỏng, tạo ra sự méo mó cho nền kinh tế. 
Để hạn chế xói mòn cơ sở tính thuế, gây thất thu NSNN, mỗi quốc gia tùy thuộc vào tình hình thực tế đã đưa ra các quy định để giới hạn CPLV được trừ khi tính thuế TNDN. Nhưng tựu chung lại có ba phương pháp chính. Thứ nhất là, nguyên tắc thị trường. Theo đó, mức tối đa của khoản nợ được tính CPLV vào chi phí tính thuế thu nhập của DN sẽ là mức nợ tối đa mà một bên độc lập sẵn sàng cho vay, căn cứ vào năng lực của DN đó.
Phương pháp thứ 2 là, tỷ lệ cố định vốn vay/vốn chủ sở hữu (VV/VCSH) và phương pháp thứ 3 là EBITDA. Theo đó, CPLV được khấu trừ của một công ty sẽ bị giới hạn bởi một tỷ lệ cố định của CPLV/lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên theo OECD, phương pháp giới hạn CPLV bởi một tỷ lệ VV/VCSH được xem là một trong những thông lệ tốt nhất. Thực tế, có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng phương pháp này, bởi việc xác định đơn giản, dễ thực hiện.
Theo đó, các yếu tố cấu thành vốn vay dựa trên các báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán từ các khoản vay phải trả lãi suất và các khoản phải trả thương mại chịu lãi suất và những khoản khác tương tự như khoản vay nên có thể kiểm soát tốt hơn. Việc xác định tỷ lệ VV/VCSH của các nước cũng rất đa dạng. Ở một số nước phát triển, tỷ lệ VV/VCSH (được xem là ngưỡng giới hạn vốn mỏng) khá thấp như Mỹ 1,5:1; Pháp 1,5:1; Canada 2:1. Đa số các nước khác như Đài Loan, New Zealand, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha…  quy định vốn vay của DN trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3:1 thì được coi là vốn mỏng.  
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tín dụng như ngân hàng, bảo hiểm dựa trên vốn vay nhiều hơn so với các ngành nghề phi tài chính như thương mại, sản xuất. Chính vì vậy một số nước đã thiết lập tỷ lệ VV/VCSH riêng cho lĩnh vực tài chính tín dụng, như Trung Quốc quy định tỷ lệ 2:1 đối với các công ty thông thường và 5:1 đối với các tổ chức tài chính.
Đối với Nga, tỷ lệ này là là 3:1 và 12,5:1. Hàn Quốc quy định tỷ lệ 3:1 nếu vay vốn của cổ đông nước ngoài và 6:1 đối với các tổ chức tài chính. Phạm vi áp dụng ngưỡng giới hạn vốn mỏng cũng rất khác nhau ở mỗi nước. Có nước chỉ áp dụng ngưỡng giới hạn vốn mỏng cho các công ty liên kết, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Có nước áp dụng ngưỡng giới hạn vốn mỏng cho tất cả các công ty không phân biệt công ty nội địa hay công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên OECD khuyến nghị, tỷ lệ VV/VCSH mà các nước nên áp dụng là 3:1.
Thực tiễn ở Việt Nam
Tương tự như các quốc gia khác, Luật Thuế TNDN của Việt Nam đã có những ứng xử tương tự đối với tiền lãi vay. Theo đó, CPLV của DN đi vay sẽ được trừ vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế, ngoại trừ một số trường hợp không đủ điều kiện được khấu trừ. Để hạn chế tác động của CPLV đến thuế TNDN, pháp luật của Việt Nam quy định hạn chế CPLV theo nguyên tắc thị trường; khấu trừ thuế tại nguồn đối với các khoản thanh toán tiền lãi vay từ tổ chức, cá nhân nước ngoài; không chấp nhận toàn bộ hoặc một phần chi phí lãi vay trong một số trường hợp vay vốn góp điều lệ thiếu, hay vay vốn từ cơ sở không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế...
Tuy nhiên, một số quy định trong các văn bản pháp lý về thuế TNDN hiện hành không còn phù hợp với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, khiến cơ quan thuế và người nộp thuế lúng túng trong thực thi. Bên cạnh đó, việc trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNDN liên quan đến hiện tượng vốn mỏng (giới hạn CPLV trong tính thuế TNDN) gặp nhiều cản trở, mặc dù vấn đề này đang được cộng đồng quốc tế quan tâm và đưa vào chương trình hành động của Nhóm 20 nước phát triển về chống chuyển dịch lợi nhuận và xói mòn cơ sở về thuế.  
Sự thiếu hụt những quy định về hạn chế khấu trừ CPLV, hay những quy định không còn phù hợp với thực tế phát triển nền kinh tế là lỗ hổng, đang làm xói mòn cơ sở thuế của Việt Nam. Điều này đặc biệt trở nên nghiêm trọng khi các công ty liên kết, các công ty mẹ đóng ở nước ngoài, nhất là tại các thiên đường thuế, hoặc khi các công ty mẹ tại Việt Nam triền miên thua lỗ hoặc kê khai lãi không nhiều, khiến NSNN Việt Nam thất thu thuế đáng kể do chưa có quy định hiệu quả về khống chế CPLV đối với DN.
Trong bối cảnh đó, ngành thuế đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế TNDN hiện hành theo hướng đơn giản, đồng bộ nhưng vẫn đảm bảo bao quát hết các hoạt động kinh tế mới phát sinh, và bảo vệ được cơ sở tính thuế của Việt Nam.
Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế vĩ mô của Nhà nước, chiến lược phát triển ngành thuế giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời nhằm hạn chế xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận liên quan đến lãi vay, đại diện Ban cải cách Tổng cục Thuế cho rằng, Việt Nam nên hoàn thiện chính sách thuế TNDN theo hướng áp dụng quy định hạn chế khấu trừ CPLV cho tất cả các giao dịch vay vốn, chứ không chỉ giới hạn ở các giao dịch liên kết (theo Nghị định số 20/2017) để đảm bảo an toàn cho nền kinh tế. Hơn thế nữa, liên quan đến vốn mỏng còn nhiều yếu tố mang tính chất kỹ thuật, nếu đưa tỷ lệ hạn chế khấu trừ CPLV vào nghị định giá chuyển nhượng, trong khi chưa có sự chuẩn bị kỹ sẽ không bao quát hết được các yếu tố cần điều chỉnh. 
Để tăng hiệu quả của công cụ khấu trừ tại nguồn, cần sửa đổi quy định về thuế nhà thầu theo hướng tăng tỷ lệ điều tiết về thuế TNDN đối với khoản lãi tiền cho vay của nhà thầu nước ngoài là DN nhận tiền lên mức tương đương với khoản điều tiết về thuế TNDN phát sinh tăng thêm.
Về quy định giới hạn chi phí lãi vay cần được điều chỉnh lại, bảo đảm tính đồng bộ trong các quy định pháp luật khác và tạo điều kiện cho DN có thể sử dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội. Ngưỡng giới hạn chi phí lãi vay nên dựa vào lãi suất thực tế được các bên thoả thuận, nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. 
Đối với phần chi phí lãi vay góp vốn điều lệ, chính sách thuế TNDN nên điều chỉnh theo hướng: nếu khoản đầu tư vốn vào DN khác từ nguồn vốn chủ sở hữu của DN đi đầu tư, từ khoản lợi nhuận giữ lại hoặc thặng dư vốn cổ phần của DN đi đầu tư, thì cổ tức DN đi đầu tư nhận được từ DN nhận vốn sẽ được miễn thuế TNDN theo quy định hiện hành. Nếu khoản đầu tư vào DN khác không phải từ nguồn vốn chủ sở hữu của DN đi đầu tư, hoặc không phải từ khoản lợi nhuận giữ lại hoặc thặng dư vốn cổ phần của DN đi đầu tư mà lấy từ nguồn vốn đi vay, thì sửa đổi quy định hiện hành.
Theo đó, DN đi đầu tư vốn được tính trừ chi phí lãi tiền vay để đầu tư và sẽ phải nộp thuế TNDN trên cổ tức nhận được từ DN nhận vốn đầu tư (không được miễn thuế TNDN như trước đây). Việc xử lý như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc doanh thu phù hợp với chi phí và đảm bảo công bằng giữa DN và cá nhân về đầu tư vốn.