Tạo sân chơi công bằng, minh bạch

Có thể nói đấu thầu là một trong những phương thức kinh doanh có hiệu quả cao. Nó góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế quốc dân. Thông qua đấu thầu, công tác quản lý trong lĩnh vực đầu tư của Nhà nước ngày càng được nâng cao, nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả, hạn chế được thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, khi tham gia đấu thầu các doanh nghiệp (DN) phải sử dụng mọi biện pháp cạnh tranh để thắng thầu, trong đó có biện pháp giảm giá. Trong đấu thầu, bên mua bao giờ cũng muốn có thứ mình cần với giá rẻ nhất. Bên bán bao giờ cũng muốn bán nhanh thứ mình có với lợi nhuận cao nhất. Vì vậy, Nhà nước chỉ phải bỏ ra một khoản tiền ít hơn dự toán để xây dựng công trình, có như vậy mới đảm bảo tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch, thu hút các nhà thầu có năng lực tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ…

Thực tế thời gian qua, ở Việt Nam dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác đấu thầu nhưng còn nhiều vấn đề gây khó khăn cho cả bên mời thầu và bên đấu thầu dẫn đến lãng phí, thất thoát vốn. Khái niệm “đấu thầu” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, tuy nhiên đối với ở Việt Nam, còn khá mới mẻ. Nó chỉ mới hiện diện ở Việt Nam từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Hiện vẫn còn có người nhầm lẫn và đánh đồng "đấu giá" và "đấu thầu" là một. Xuất phát từ nền kinh tế thị trường cạnh tranh, thuật ngữ "đấu giá" đã được biết đến nhiều hơn. "Đấu giá" được hiểu là hình thức có một người bán và nhiều người mua. Trên cơ sở người bán đưa ra một mức giá khởi điểm (giá ban đầu), sau đó để cho người mua trả giá trên cơ sở cạnh tranh với nhau và người bán sẽ quyết định giá bán cho người mua nào trả giá cao nhất. Tuy nhiên, đối với thực tiễn hoạt động và hình thức thể hiện thì "đấu thầu" lại là hình thức có một người mua và nhiều người bán cạnh tranh nhau để nhằm tối đa hoá lợi ích của người mua. Người mua sẽ lựa chọn người bán nào đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu của người mua đặt ra trong trường hợp mà việc xác định tương quan giữa giá cả với số lượng và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Đây là phương thức mua bán được sử dụng phổ biến trong nền kinh tế thị trường.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, công tác đấu thầu tại Việt Nam (1994 - 2014), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, góp phần thiết lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho hoạt động đấu thầu, tạo cơ sở cho việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, đem đến hiệu quả cao hơn trong đầu tư công, phòng chống tham nhũng, tiết kiệm không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, công tác kiểm tra, giám sát về đấu thầu cũng được triển khai hiệu quả.

Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 quy định rõ: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các điều kiện của bên mời thầu để thực hiện các gói thầu về mua sắm hàng hóa, xây lắp, dịch vụ tư vấn”. Nghĩa là, đấu thầu là phương thức quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động xây dựng thông qua việc ủy quyền cho chủ đầu tư (bên mời thầu) công khai tuyển chọn nhà thầu. Cũng như bất kỳ phương thức kinh doanh nào, đấu thầu cũng có những nguyên tắc nhất định cần được tuân thủ để đảm bảo tính khách công bằng và hiệu quả.

Như vậy, pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã thể hiện rõ yếu tố quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu có tới 17 hành vi được quy định rất chi tiết. Mọi đối tượng từ người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đến tổ chuyên gia chấm thầu, nhà thầu và cơ quan tổ chức thẩm định đều có thể bị xử lý nếu vi phạm quy định về đấu thầu. Quy định quốc tế về đấu thầu thường chỉ dừng lại ở mục tiêu hướng dẫn các bên nhà thầu và bên mời thầu về trình tự và thủ tục xử lý vi phạm. Các hành vi bị cấm theo quy định quốc tế chỉ gói gọn trong hành vi vi phạm của nhà thầu hoặc bên mời thầu.

Tiết kiệm cho ngân sách

Theo Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP), Chỉ số Công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam năm 2012 đạt 19 điểm trên tổng số 100 điểm, thấp hơn chỉ số trung bình là 43 của 100 quốc gia được khảo sát và thấp hơn so với điểm số trung bình của hầu hết các quốc gia trong khu vực. Giới chuyên gia nhận định rằng, một trong những nguyên nhân khiến OBI của Việt Nam còn thấp là do việc phân bổ, sử dụng ngân sách chưa thật hiệu quả, khiến cho nguồn ngân sách chi cho đầu tư phát triển của Việt Nam ngày càng eo hẹp. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dự án đang phải dừng, giãn, hoãn tiến độ gây lãng phí ngân sách. Do đó, thời gian gần đây, vấn đề tiết kiệm chi tiêu được đặt ra như một kỷ luật để tránh nguy cơ thâm hụt ngân sách và nợ công cho Việt Nam.

Thống kê cho thấy, giá trị mua sắm công tương đương khoảng 15 - 20% tổng sản phẩm quốc nội ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là chìa khóa để phân phối hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho xã hội và phát triển các lĩnh vực như: Giao thông vận tải, y tế, giáo dục…

Thực tế cũng cho thấy, không ít dự án lớn của Việt Nam luôn chậm tiến độ, đội vốn đầu tư; một vài dự án trong đó vừa hoàn thành đã xuống cấp, kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách quốc gia. Đơn cử như dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chậm tiến độ từ 3 - 5 năm hoặc như có dự án đội vốn đầu tư lên tới 200% so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu…

Theo IBP, công khai ngân sách là việc làm rất quan trọng bởi ngân sách chính là tiền thuế của dân, người dân cần được biết, theo dõi, giám sát số tiền này có được sử dụng hiệu quả hay không. Do vậy, IBP đã xây dựng một bộ công cụ khảo sát công khai ngân sách (OBS Tracker) nhằm tăng hiệu quả quản trị ngân sách với sự tham gia của người dân, đáp ứng tốt hơn những ưu tiên quốc gia, có khả năng chống tham nhũng cao. Cụ thể, gồm bộ công cụ có 8 tiêu chuẩn về minh bạch ngân sách như: Định hướng xây dựng ngân sách, dự thảo ngân sách, dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo thực hiện ngân sách theo quý, báo cáo thực hiện ngân sách 6 tháng, báo cáo quyết toán ngân sách, báo cáo của kiểm toán nhà nước về ngân sách, bản ngân sách dành cho công dân.

Đánh giá về tác động của hoạt động đấu thầu đối với việc tiết kiệm chi tiêu công, nhiều chuyên gia quốc tế đều khẳng định, đấu thầu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Đáng chú ý, báo cáo của các địa phương cho thấy, thông qua công tác đấu thầu, nhất là hình thức đấu thầu rộng rãi, đã góp phần tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ cho quốc gia, địa phương. Trong một nhận định gần đây, Giáo sư Daniel I. Gordon, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu Luật Mua sắm công thuộc Đại học George Washington (Hoa Kỳ) cũng đã khẳng định: Giá trị mua sắm công tương đương khoảng 15 - 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là chìa khóa để phân phối hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho xã hội, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các lĩnh vực như: Giao thông vận tải, y tế, giáo dục… Hoạt động mua sắm công có thể tạo điều kiện cho việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để phục vụ các mục đích công cũng nhưng phát triển các ngành, nhóm và khu vực đặc biệt mà Chính phủ ưu tiên. Hoạt động mua sắm công lại càng trở nên quan trọng ở các nước đang phát triển khi nguồn lực nhà nước trở nên hạn hẹp trong lúc nhu cầu mua sắm công ngày càng lớn…

Tại Việt Nam thời gian qua, hoạt động đấu thầu đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng đối với nâng cao hiệu quả hoạt động chi tiêu công. Báo cáo của các địa phương cho thấy, thông qua công tác đấu thầu, nhất là hình thức đấu thầu rộng rãi, đã góp phần tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ cho quốc gia, địa phương. Đặc biệt một số quan điểm còn cho rằng, nếu Việt Nam triển khai đấu thầu qua mạng cho 100% gói thầu thì còn tiết kiệm thêm cho ngân sách hàng tỷ USD.

Công khai, minh bạch thông tin đấu thầu, quy định chặt chẽ về chỉ định thầu, áp dụng đấu thầu điện tử… là những giải pháp đang được đẩy mạnh áp dụng nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động mua sắm công tại Việt Nam.

Vai trò của đấu thầu đối với hiệu quả chi tiêu công

ThS.VÕ HOÀNG QUÂN - Văn phòng Trung ương Đảng

(Tài chính) Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch nhằm thu hút các nhà thầu trong và ngoài nước có năng lực tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ… Theo đó, thông qua đấu thầu, công tác quản lý trong lĩnh vực đầu tư của Nhà nước ngày càng được nâng cao, nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả, hạn chế được thất thoát, lãng phí.

Xem thêm

Video nổi bật