Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được Quốc hội hết sức quan tâm

Lê Hiền

(Tài chính) Nước ta là một nước có nền sản xuất nông nghiệp, do vậy, việc tạo điều kiện phát triển nông nghiệp-nông thôn luôn là mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII này, vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn đang được Quốc hội thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp nhằm ưu tiên đầu tư, phát triển khu vực này...

Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Nguồn: internet

Vấn đề chính sách cho nông nghiệp:

Nhiều ý kiến đại biểu phân tích: Hiện, mức đầu tư NSNN cho nông nghiệp - nông thôn rất thấp, trên dưới 1,5% GDP,  trong khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP trên dưới 20%. Sự đầu tư không đúng mức này đã không tạo động lực giúp cho nông thôn phát triển. Luật Đầu tư cần sửa đổi theo hướng tăng mức độ khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Cụ thể, trước mắt sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn và giảm thuế suất xuống 5% đối với địa bàn khó khăn.

Ngoài việc ưu đãi về thuế, cần xem xét và thực hiện các chính sách khác như ưu đãi về tín dụng, đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn; Thực hiện chính sách cho hộ nông dân nghèo được vay vốn để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, giảm tiền thuê đất để người nông dân có điều kiện mở rộng đầu tư, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân và gia đinh.

Vấn đề xây dựng nông thôn mới:

Chương trình xây dựng nông thôn mới (triển khai từ 2 năm nay) đã xác định lộ trình, cách làm, bước đi cụ thể phù hợp với từng địa phương và đã phát huy sức mạnh (kể cả hệ thống chính trị), đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp xã, thôn và sự tham gia của người dân trên mọi lĩnh vực. Đến nay, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết như:

+ Giao thông ở các tỉnh miền núi, vùng cao còn chậm phát triển, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Nguyên nhân do các vùng nông thôn này ở những địa bàn hiểm trở, có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, nguồn lực bố trí từ ngân sách còn hạn chế. Chưa huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp cho phát triển giao thông, do mức kinh phí đầu tư đòi hỏi cao nhưng thu hồi lại chậm.

Vấn đề đầu tư cho giao thông, nhiều đại biểu nêu ý kiến, không thể trông chờ vào các doanh nghiệp mà Chính phủ phải có kế hoạch phân bổ ngân sách phù hợp (quy định cụ thể về mức tối đa, tối thiểu) cho khu vực miền núi, vùng cao, địa phương khó khăn, nhất là có cơ chế về hỗ trợ vật liệu, về phương tiện để thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn – một tiêu chí quan trong trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong bố trí nguồn lực xây dựng.

+ Mô hình sản xuất: Hiện nay mô hình sản xuất đang là vấn đề nan giải. Đại biểu cho biết, tuy mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp là thiết thực và hiệu quả nhưng vấn đề nhân rộng và phát triển mô hình này gặp không ít khó khăn, nhất là việc bảo đảm đầu ra cho nông sản. Để thực hiện mô hình sản xuất lớn, Chính phủ cần quan tâm đến việc hình thành những doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần chuyên phát triển cánh đồng mẫu lớn, trong đó các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng, sát cánh với nông dân từ khâu cung ứng vật tư, giống, máy móc, thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt là khâu tiêu thụ (đầu ra).

+ Về cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài gói 21 giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 mà Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu đều kiến nghị có các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho khu vực nghiệp nông nghiệp - nông thôn - nông dân.  Theo phản ánh của người dân thì, các khoản hỗ trợ của Nhà nước đến tay họ quá ít. Trong khi, người nông dân sản xuất mới là đối tượng dễ bị rủi ro, tổn thất nhất. Nhiều đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng những mô hình, cách thức hợp lý thay vì hỗ trợ gián tiếp qua doanh nghiệp (có thể hỗ trợ về lãi suất, các khoản vay phục vụ cho sản xuất, tạm trữ, tổ chức lại cho nông dân thành các hợp tác xã lúa gạo, có hệ thống bảo quản đạt tiêu chuẩn). Có như vậy mới thực sự giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

+ Đầu ra trong nông nghiệp luôn là nỗi lo lắng của người nông dân, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, những năm mất mùa thì dù giá cao cũng không có hàng hóa, nông sản để bán, năm được mùa, thu hoạch được sản lượng cao thì bị thương lái dìm giá, thu nhập không đủ bù đắp chi phí… Các đại biểu đều cho rằng phải xem xét lại một cách nghiêm túc để có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của các tổng công ty, hiệp hội trong hệ thống thu mua nhiều cấp như hiện nay. Trước mắt, phải có kế hoạch thu mua đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh trên thị trường quốc tế như gạo, cà phê, điều, tiêu, cá da trơn, tôm.  Có như vậy, người nông dân Việt Nam mới không bị thiệt thòi do thiếu hiểu biết về giá cả trong nước cũng như quốc tế.

Vấn đề đào tạo nghề cho người nông dân

Một trong các nguyên nhân dẫn đến sản xuất nông nghiệp có năng suất và chất lượng chưa cao là do người nông dân chưa được đào tạo tay nghề. Hiện nay, hệ thống các cơ sở dạy nghề rất phân tán, chồng chéo, thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, điều kiện giảng dạy và đội ngũ giáo viên không được đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, không đáp ứng được thị trường lao động…  Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để chỉ đạo sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề hợp lý và sát với nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề để tránh lãng phí. Đồng thời tiếp tục rà soát tổ chức thực hiện chính sách hợp lý có hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt quan tâm đến đối tượng là con em nông dân, để các em có điều kiện học tập nâng cao trình độ, sau đó, quay trở về phục vụ quê hương...

Mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững, trong đó, sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển, an ninh lương thực quốc gia được giữ vững, đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản liên tục tăng mạnh, bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới… là vấn đề các đại biểu quốc hội quan tâm và đề xuất các giải pháp hướng tới.