Việt Nam là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp và xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng… là những việc phải làm trong năm 2015. Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Nirukt Sapru trả lời phỏng vấn của phóng viên.


Việt Nam là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư - Ảnh 1

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam
Phóng viên: Ông có thể dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam 2015?

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam : Chúng tôi lạc quan về triển vọng của Việt Nam năm 2015, bởi đây là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nghiên cứu của Standard Chartered cho thấy, thị trường nội địa lớn, chi phí hoạt động thấp và nguồn cung lao động dồi dào là ba lý do hàng đầu cho việc vì sao các công ty được Standard Chartered khảo sát chọn đầu tư tại Việt Nam. Khoảng 70% số DN trong báo cáo tin rằng Việt Nam tham gia vào TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng và ảnh hưởng đến quyết định đầu tư trong tương lai của họ.

Việt Nam đang tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới với thành tích xuất khẩu ấn tượng và chú trọng tham gia các hiệp định thương mại tự do. Nhiều công ty lớn toàn cầu đã đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng của họ. Standard Chartered dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam là 6,0% năm 2015. Khả năng này phần lớn là nhờ kinh tế vĩ mô hiện nay ổn định và hoạt động sản xuất xuất khẩu mạnh liên tục của khối FDI.

Tình hình kinh tế vĩ mô tích cực đã góp phần cải thiện xếp hạng rủi ro của Việt Nam, giúp Chính phủ trở lại thị trường vốn quốc tế một cách thành công qua đợt phát hành trái phiếu 1 tỷ USD mới trong chương trình quản trị nợ của Chính phủ. Ngân hàng Standard Chartered đóng vai trò một tổ chức đồng dựng sổ trong đợt phát hành trái phiếu này. Ngoài ra, Standard Chartered còn là tổ chức tư vấn chính thức của Chính phủ trong việc cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Trong lĩnh vực thương mại, chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ nhằm tích cực tham gia vào các FTA khu vực và quốc tế, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Các thỏa thuận này, cùng với các cam kết với WTO của Việt Nam về dỡ bỏ tất cả các rào cản đối với nhà bán lẻ nước ngoài vào năm 2015, biến Việt Nam thành một địa điểm rất hấp dẫn để hoạt động kinh doanh.

Ông có gợi ý gì để Việt Nam tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được như mục tiêu đã định?

Tôi cho rằng, cải thiện chất lượng quản trị là chìa khóa để thực hiện tái cấu trúc một cách bền vững. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các chương trình của NHNN nhằm phát triển vững mạnh ngành NH thông qua nâng cao chất lượng quản trị, trách nhiệm giải trình và quản lý tài chính thận trọng.

Chúng tôi hy vọng môi trường pháp luật của ngành NH sẽ được đơn giản hóa và tương hỗ tốt hơn với hệ thống pháp lý. Theo quan điểm của chúng tôi, không cần thiết phải ban hành thêm nhiều hơn cácquy định pháp luật mà điều quan trọng là làm sao để các NH thấy được lợi ích của việc nâng cao chuẩn mực về tuân thủ và quy tắc ứng xử, tập trung chặt chẽ hơn vào quản lý rủi ro và giám sát.

Chúng tôi tin rằng, việc thúc đẩy một môi trường hoạt động theo nguyên tắc kinh tế thị trường là cần thiết. Môi trường cạnh tranh bình đẳng sẽ giúp huy động nhiều nguồn lực hơn cho quá trình tái cấu trúc. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục mở cửa lĩnh vực NH, đặc biệt là cho đầu tư nước ngoài.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng giải quyết nợ xấu và nâng cao năng lực quản trị rủi ro với các bước đi tích cực gần đây như việc VAMC sẽ mua nợ xấu theo giá thị trường; NHNN ban hành Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD?

Khi VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường, đó là một trong những bước cần thiết để Việt Nam hình thành thị trường nợ xấu chính thức. Nó sẽ giúp giải quyết vấn đề tốt hơn. Một thị trường chính thức sẽ có nhiều người mua và nhà đầu tư hơn. Trong khi đó, với việc Thông tư 36 có hiệu lực từ 1/2/2015, tôi nghĩ một điểm quan trọng là sẽ giúp ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH - một trong những nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề trong hệ thống NH hiện nay.

Quy định đã được ban hành nhưng việc tuân thủ cũng quan trọng không kém. Đáng mừng là NHNN đã và đang áp dụng thêm nhiều biện pháp để kiểm soát chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo và cho vay giữa các bên liên quan. Song song với giải quyết vấn đề sở hữu chéo, quản trị DN và quản lý rủi ro trong NH cũng cần phải được cải thiện đáng kể. Vai trò và trách nhiệm của HĐQT cũng như của Ban Giám đốc cần phải được quy định rõ ràng. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền giám sát phải được thúc đẩy hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!