Vốn ODA giảm không hẳn đáng lo

Khanh Đoàn

(Tài chính) Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm Việt Nam đã thu hút xấp xỉ 72 tỷ USD vốn ODA. Nguồn vốn vay này, một cách trực tiếp đã góp phần đẩy nợ công tại Việt Nam rơi vào mức kém an toàn. Trong khi mục đích chính của thu hút FDI là chuyển giao công nghệ thì không nhận lại được bao nhiêu…

Vốn ODA giảm không hẳn đáng lo
Cầu Cần Thơ được xây dựng từ vốn ODA của Nhật Bản. Nguồn: Internet

Cẩn trọng “mặt trái” ODA

Tại Hội thảo Quốc tế về hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức mới đây, Hàn Quốc - nhà tài trợ ODA song phương lớn thứ hai của Việt Nam đã khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác hợp tác chiến lược, đồng thời tuyên bố Việt Nam hiện là quốc gia nhận ODA lớn nhất của quốc gia này.

Tuy nhiên, bài học mà Hàn Quốc mang tới có lẽ còn ý nghĩa hơn con số 1,2 tỷ USD mà nước này cam kết tài trợ cho Việt Nam trong năm nay.

Điểm sáng đáng chú ý nhất có lẽ là sự chuyển mình của Hàn Quốc từ chỗ chỉ là một đất nước kém phát triển và nhận tài trợ hạn chế trong thời điểm những năm 1950. Dù đã trở thành một trong những “mạnh thường quân” của châu Á hiện nay, song khi còn trong thời kỳ kém phát triển trước đây, Hàn Quốc không đặt mục tiêu thu hút ODA càng nhiều càng tốt.

GS. Kim Eun Mee, Trưởng khoa Sau đại học ngành Quốc tế học, đại học Ewha Womans dẫn chứng: Trong giai đoạn nước này khó khăn nhất, vốn ODA tiếp nhận chỉ khoảng 12,8 tỷ USD trong 50 năm (1945-1995) và thu hút FDI cũng vô cùng hạn chế cho đến năm 1990.

Hiện nay, Hàn Quốc không những không sử dụng ODA mà còn trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), viện trợ ODA cho các nước khác.

Sự cẩn trọng với ODA của Hàn Quốc được giải thích là bởi cơ chế cho vay với những ràng buộc chặt chẽ khiến cho ODA bộc lộ không ít mặt trái. Một chuyên gia phân tích, rủi ro trước hết đến từ quy định bắt buộc sử dụng nguyên vật liệu cho đến đơn vị thi công, tư vấn giám sát, thiết kế… của nước viện trợ ODA với chi phí cao.

Hệ quả là chúng ta nhận được nhiều, nhưng trả lại cũng tương đối. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm Việt Nam đã thu hút xấp xỉ 72 tỷ USD vốn ODA. Nguồn vốn vay này, một cách trực tiếp đã góp phần đẩy nợ công tại Việt Nam rơi vào mức kém an toàn, không thể tính chính xác quy mô cũng như khả năng trả nợ.

Không những vậy, vị thế của quốc gia ở “chiếu dưới” trong tiếp nhận ODA cũng khiến Việt Nam phải nhượng bộ chấp nhận nhiều yêu cầu có lợi cho quốc gia viện trợ như bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành sản xuất non trẻ, có cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các dự án FDI lớn của nước cho vay theo hướng có lợi cho họ, trong khi mục đích chính của thu hút FDI là chuyển giao công nghệ thì không nhận lại được bao nhiêu…

Làm vốn mồi

Trước tình hình vốn vay ODA mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam trong những năm gần đây đang có xu hướng sụt giảm, đã có nhiều ý kiến lo ngại đây sẽ là thách thức của Việt Nam trong thời gian tới. 3 năm trở lại đây, vốn ODA chúng ta nhận được ngày một ít hơn và những cơ chế ưu đãi cho vay cũng “vơi” đi đáng kể. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đây cũng là dấu hiệu đáng mừng bởi vơi đi ưu đãi cũng đồng nghĩa vơi bớt đi ràng buộc.

Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, vì vậy vốn ODA và các nguồn tài trợ khác đã và sẽ thay đổi theo hướng giảm dần các ưu đãi.

Cùng với đó, vị thế quan hệ của Việt Nam với các nhà tài trợ cũng có sự thay đổi, từ chỗ là quốc gia nhận tài trợ trở thành đối tác hợp tác để cùng phát triển. Vị thế mới này cho phép chúng ta hi vọng một cơ chế hợp tác ít ràng buộc hơn trong tiếp nhận và sử dụng ODA.

Trong bối cảnh và vị thế mới này thì vốn ODA cũng có vai trò mới, đó là vốn ODA sẽ là vốn mồi, chất xúc tác để thu hút các nguồn vốn khác.

GS. Shin Shang Hyup, khoa sau đại học ngành châu Á - Thái Bình Dương, đại học Kyung Hee cũng chia sẻ, thành công của Chính phủ Hàn Quốc khi tạo động lực phát triển từ nguồn vốn ODA hạn chế. Coi đây là vốn mồi để thu hút các nguồn lực tư nhân trong nước, tạo sự đồng thuận giữa người dân để chung tay phát triển kinh tế. GS. Shin Shang Hyup cũng dẫn ra nhiều tập đoàn tư nhân lớn của Hàn Quốc như là biểu tượng về sự phát triển kinh tế của đất nước này.

Sở dĩ Hàn Quốc không quá phụ thuộc vào vốn vay ODA hay thu hút FDI là bởi Chính phủ đã lấy nguồn lực trong nước là động lực để phát triển, kết quả là tạo ra lực lượng Doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn mạnh, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã sánh ngang tầm thế giới.

Hiện các DN tư nhân lớn chiếm khoảng 1,5% tổng số DN của Hàn Quốc song tạo ra tới 45% tổng sản lượng của quốc gia này, phần còn lại thuộc về 94% DN nhỏ và vừa cùng các thành phần khác.

“Chúng tôi cho rằng, quan trọng nhất là nguồn vốn ODA tới đây phải trở thành chất xúc tác để thu hút sự tham gia của các DN nhỏ và vừa trong nước”, ông này chia sẻ.