Xác định rõ chiến lược để tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo số liệu thống kê gần đây của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản trong năm 2013 đạt 24,3 tỷ USD, trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này 13,65 tỷ USD hàng hóa. Nhật Bản vẫn luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lên đến 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các thị trường trên thế giới. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp muốn tăng xuất khẩu vào thị trường này rất cần sự am hiểu về thị hiếu cũng như chính sách thương mại.

Xác định rõ chiến lược để tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Nhật Bản vẫn luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam. Nguồn: internet

Trong những năm gần đây, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn ở trạng thái xuất siêu trong buôn bán với Nhật Bản. Năm 2011, nước ta xuất siêu 0,4 tỷ USD và năm 2013 xuất siêu sang thị trường Nhật Bản trị giá 2,04 tỷ USD, tăng mạnh so với năm trước đó.

Các doanh nghiệp làm việc với đối tác Nhật Bản cho biết, để xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật, các yếu tố quan trọng hàng đầu là phải tỷ mỉ, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất của sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng thời gian.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản Đinh Ngọc Hải, sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam là cần thiết. Các doanh nghiệp của Nhật nói rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải sản xuất đa mặt hàng đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản thì đến thời điểm đó các công ty thương mại của Nhật Bản sẽ đầu tư vào các công ty của Việt Nam và sẽ mua sản phẩm của Việt Nam rồi bán ở thị trường Nhật.

Do đó, trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn và phải sản xuất ra hàng chất lượng cao mới có cơ hội vào thị trường Nhật, chứ không phải trông đợi vào đơn đặt hàng của Nhật thì mới sản xuất ra sản phẩm cho thị trường này.

Các mặt hàng đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta được thị trường Nhật Bản đánh giá rất cao và có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần lưu ý, người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, tinh tế và chú ý đến từng chi tiết của sản phẩm. Những vết xước nhỏ, mẩu chỉ cắt còn sót lại trên mặt sản phẩm dệt may, những lỗi nhỏ do sơ ý trong khi vận chuyển cũng sẽ làm người tiêu dùng Nhật Bản không hài lòng về sản phẩm.

Các nhà xuất khẩu đồ gỗ lưu ý, nhà của Nhật Bản thường nhỏ, do đó đồ gỗ không được quá to, phải tương xứng với ngôi nhà, không thể xuất khẩu những mặt hàng giống như xuất khẩu sang thị trường khác. Một lưu ý khác là người Nhật Bản rất ưa thích màu tự nhiên. Hàng hóa vào thị trường Nhật Bản qua nhiều khâu phân phối lưu thông nên đến tay người tiêu dùng thường có giá cả rất cao so với giá nhập khẩu. Các nhà xuất khẩu phải chấp nhận thực tế này để chào hàng cạnh tranh.

Theo các chuyên gia thương mại của nước ta, bên cạnh các mặt hàng truyền thống xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các mặt hàng khác của nước ta cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới là: rau hoa quả tươi, các loại thịt và sản phẩm từ thịt, hàng cơ khí gia dụng, nhựa gia dụng…

Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình, vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp nước ta khi xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Nhật Bản là các điều kiện về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, tổ chức lại sản xuất hợp lý và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản để học hỏi, nắm bắt những kinh nghiệm sản xuất cũng như thâm nhập thị trường.

Cạnh tranh tại thị trường Nhật Bản của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không chỉ đối với các nhà sản xuất bản địa mà còn cả với các nhà xuất khẩu đến từ các nước khác trên thế giới. Cuộc cạnh tranh này đang ngày càng trở thành một cuộc chiến giữa các thương hiệu chứ không chỉ đơn thuần là cuộc chiến tranh giá cả, chất lượng thông thường.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định rõ và tận dụng triệt để lợi thế cạnh tranh của mình cũng như sự khác biệt của sản phẩm cung cấp so với sản phẩm khác cùng loại đang có mặt và chiếm lĩnh thị trường. Hơn nữa, để đứng vững trên thị trường Nhật Bản, các nhà xuất khẩu cần phải tạo được một hình ảnh đáng tin cậy cho các sản phẩm xuất khẩu, thiện chí muốn thiết lập quan hệ hợp tác làm ăn lâu dài và nên chứng tỏ cho đối tác thấy rằng đó là những mặt hàng xuất khẩu rất có tiềm năng vì đã có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn một cách hoàn hảo và nhanh chóng cũng như thỏa mãn được các đòi hỏi khác về sản phẩm và nhu cầu thực tế của thị trường Nhật Bản.